| Hotline: 0983.970.780

Nam Định cần đi lên từ tiềm năng của mình

Thứ Ba 21/02/2023 , 11:10 (GMT+7)

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, Nam Định cần “đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình” và vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh.

Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định - Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nam Định - Ảnh: Nhật Bắc.

Nhiều cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định vào ngày 15/1/2023.

Thủ tướng đánh giá, Nam Định là mảnh đất lưu giữ nhiều giá trị truyền thống, văn hóa tốt đẹp, “địa linh nhân kiệt”, nhiều tiềm năng phát triển, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh. Đây cũng là trung tâm vùng Nam Đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng ảnh hưởng của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và vành đai kinh tế vịnh Bắc Bộ.

Con người Nam Định giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, khoa bảng, truyền thống yêu nước cách mạng anh hùng, cần cù, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất. Nam Định có bờ biển dài 72 km và hệ thống sông Hồng, sông Đáy, sông Ninh Cơ chảy qua, thuận lợi trong vận tải đường thuỷ và phát triển kinh tế biển;…

Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định có hơn 200 viện sỹ, giáo sư, tiến sỹ, là làng khoa bảng nổi tiếng cả nước. Ảnh: Minh Phúc.

Làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định có hơn 200 viện sỹ, giáo sư, tiến sỹ, là làng khoa bảng nổi tiếng cả nước. Ảnh: Minh Phúc.

Nam Định có lịch sử, văn hóa, kiến trúc đa dạng, phong phú thuận lợi cho phát triển các loại hình du lịch sinh thái, lịch sử, tâm linh với hơn 1.330 di tích, trong đó có 2 di tích quốc gia đặc biệt là Khu di tích lịch sử, văn hóa đền Trần, chùa Tháp và chùa Keo Hành Thiện; trên 90 làng nghề và hơn 100 lễ hội truyền thống, đặc biệt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO công nhận.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, trong năm 2022, Nam Định đạt nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2022 đạt 9,07%, cao nhất từ trước tới nay; xuất khẩu đạt 3 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2021, xuất siêu gần 1,5 tỷ USD.

Cùng với đó, các chỉ số về cải cách hành chính, năng lực cạnh tranh, chuyển đổi số được cải thiện tích cực. Giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực được chú trọng. Nam Định đứng đầu toàn quốc về điểm trung bình các môn kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia năm 2022. Nam Định là tỉnh đầu tiên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều chỉ còn 1,32%.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Nam Định phải đẩy mạnh chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, công nghiệp hiện đại, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ, thân thiện với môi trường Ảnh: Nhật Bắc.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh Nam Định phải đẩy mạnh chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, công nghiệp hiện đại, dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ, thân thiện với môi trường Ảnh: Nhật Bắc.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Nam Định và những thành tựu quan trọng đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị; đóng góp tích cực vào thành tựu chung của cả nước trong năm 2022.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, tỉnh Nam Định vẫn còn một số hạn chế như: Quy mô nền kinh tế nhỏ so với các tỉnh trong khu vực; phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa phát huy hết các giá trị văn hóa tại địa phương; liên kết vùng còn hạn chế, chưa chú trọng phát triển giao thông đối ngoại.

Kết nối hạ tầng khu vực ven biển chưa thuận lợi nên chưa khai thác hiệu quả, tiềm năng kinh tế biển; các chỉ số về cải cách hành chính (PAR index xếp thứ 40/63), sự hài lòng của người dân với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS xếp thứ 51/63) còn hạn chế.

Công nghiệp hóa nông nghiệp

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng nhấn mạnh, tỉnh Nam Định cần phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể vươn lên mạnh mẽ bằng sức mạnh nội sinh, không trông chờ, ỷ lại. Đặc biệt, Nam Định cần thực hiện đồng bộ 3 nhiệm vụ trọng tâm bao gồm chuyển đổi số, chuyển đổi cơ cấu nguồn nhân lực, phát triển cơ sở hạ tầng.

Để làm được điều đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới.  Đặc biệt là tập trung xây dựng, sớm hoàn thành lập và trình phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nam Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cần xác định, phát huy tốt nhất tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của địa phương.

Nam Định là tỉnh đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.

Nam Định là tỉnh đầu tiên trên cả nước đạt chuẩn nông thôn mới.

Đẩy mạnh chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu, chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, công nghiệp hóa nông nghiệp; phát triển nông nghiệp sạch, công nghiệp xanh, hiện đại dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ, thân thiện với môi trường.

Tập trung huy động các nguồn lực, giải quyết các điểm nghẽn, đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng hạ tầng cho phát triển công nghiệp, nhất là các khu, cụm công nghiệp, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào các ngành công nghiệp có thế mạnh, công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao.

Phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho nông sản.

Đồng thời, đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững. Trong đó ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tập trung mở rộng không gian du lịch, phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ, làng nghề.

Nâng cao hiệu quả đánh bắt, nuôi trồng gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, thân thiện môi trường, ngăn chặn khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU).

Đa dạng hóa nguồn lực, ưu tiên bố trí đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đặc biệt là hệ thống giao thông liên kết vùng như đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, nghiên cứu đầu tư nâng cấp cao tốc Nam Định (Nam Định) - Phủ Lý (Hà Nam)…

Nghiên cứu bổ sung phát triển điện gió ngoài khơi 

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập Quy hoạch vùng đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 61 ngày 16/6/2022 và Nghị quyết số 81 ngày 09/01/2023 của Quốc hội và Nghị quyết số 119 ngày 27/9/2021 của Chính phủ.

Nam Định cần phát huy lợi thế đường bờ biển dài 72km để phát triển kinh tế.

Nam Định cần phát huy lợi thế đường bờ biển dài 72km để phát triển kinh tế.

Về việc bổ sung Quy hoạch cảng biển nước sâu tại huyện Nghĩa Hưng theo kiến nghị của tỉnh Nam Định, Thủ tướng giao thông vận tải xem xét kiến nghị của UBND tỉnh Nam Định trong quá trình rà soát, hoàn thiện Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, bảo đảm phù hợp với Quyết định 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Công thương nghiên cứu kiến nghị của tỉnh Nam Định về việc bổ sung phát triển điện gió ngoài khơi trong quá trình xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch điện VIII, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả chung cao nhất.

Đối với kiến nghị về việc sớm triển khai đầu tư đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định – Thái Bình - Hải Phòng của UBND tỉnh Nam Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Đây là tuyến đường đặc biệt quan trọng mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương có đường cao tốc đi qua. Vì vậy, các Tỉnh cần tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng tuyến đường cao tốc này”.

Thủ tướng giao UBND tỉnh Thái Bình chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương làm việc, thống nhất với các địa phương có đường cao tốc đi qua, đề xuất phương án đầu tư cụ thể, khả thi, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Về việc tăng chỉ tiêu chuyển mục đích đất lúa sang đất phi nông nghiệp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, trước mắt, UBND tỉnh Nam Định cần tập trung đẩy mạnh thu hút đầu tư nhằm lấp đầy các khu công nghiệp đã được quy hoạch trên địa bàn. Mặt khác, ông cũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương làm việc với các địa phương (trong đó có tỉnh Nam Định) để tổng hợp, đề xuất giải pháp xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II/2023.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Hà Nội có hơn 2.700 sản phẩm OCOP, nhiều nhất cả nước

Tính đến tháng 4/2024, 63 tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc đã đánh giá, phân hạng được 12.075 sản phẩm OCOP, trong đó Hà Nội có 2.711 sản phẩm, chiếm số lượng nhiều nhất.