| Hotline: 0983.970.780

Nam Định hướng tới chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh

Thứ Hai 14/09/2020 , 15:29 (GMT+7)

UBND tỉnh Nam Định vừa ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

Mục tiêu

Tháng 3/2019, Nam Định phát hiện ổ DTLCP đầu tiên tại huyện Trực Ninh. Thời điểm đó, Nam Định là tỉnh thứ 13 trong cả nước ghi nhận có DTLCP.

Sau khi có dịch, UBND tỉnh Nam Định đã chỉ đạo các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tăng cường phòng chống DTLCP. Tuy nhiên, mức độ lây lan cao, chỉ sau gần 2 tháng (8/3-24/4/2019) bệnh DTLCP đã xảy ra ở 10/10 huyện, thành phố.

Nam Định hướng tới xây dựng thành công ít nhất 20 cơ sở chăn nuôi lợn và 2 chuỗi sản xuất lợn, sản phẩm thịt lợn an toàn đối với bệnh DTLCP, đáp ứng tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Mai Chiến.

Nam Định hướng tới xây dựng thành công ít nhất 20 cơ sở chăn nuôi lợn và 2 chuỗi sản xuất lợn, sản phẩm thịt lợn an toàn đối với bệnh DTLCP, đáp ứng tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Ảnh: Mai Chiến.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nam Định, bệnh DTLCP xuất hiện tại Nam Định đã gây thiệt hại lớn đến ngành chăn nuôi. Năm 2019, tổng số lợn phải tiêu hủy là 266.070 con tại 37.707 hộ chăn nuôi lợn (lợn nái 57.966 con, lợn đực 897 con, lợn thịt 97.173 con, lợn choai 46.658 con, lợn con 63.376 con). Tổng trọng lượng phải tiêu hủy là 14.511 tấn. Tổng thiệt hại khoảng 560 tỉ đồng.

Sau khi tình hình bệnh DTLCP từng bước được khống chế; nhiều hộ dân, trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lợn trên địa bàn tỉnh đã thực hiện tái đàn. Đến nay, tổng đàn lợn ước đạt 650.000 con.

Thực hiện Quyết định số 972/QĐ-TTg ngày 7/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020 - 2025”, Công văn số 5319/BNN-TY ngày 11/8/2020 của Bộ NN-PTNT về tổ chức triển khai Kế hoạch quốc gia phòng, chống bệnh DTLCP giai đoạn 2020 - 2025; UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Kế hoạch số:80/KH-UBND về việc phòng chống bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025.

Ông Nguyễn Phùng Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho hay, mục tiêu chung của kế hoạch là chủ động giám sát phát hiện, cảnh báo sớm bệnh DTLCP; triển khai kịp thời, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch.

Áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH), an toàn dịch bệnh (ATDB) để phát triển chăn nuôi lợn bền vững nhằm giảm thiểu tổn thất về kinh tế, hạn chế tác động xấu của giá thịt lợn đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

Cụ thể, trên 90% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong năm 2020 và 2021; trên 95% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong năm 2022 và 2023; trên 99% số xã, phường, thị trấn không có bệnh DTLCP trong năm 2024 và 2025.

Xây dựng thành công ít nhất 20 cơ sở chăn nuôi lợn và 2 chuỗi sản xuất lợn, sản phẩm thịt lợn an toàn đối với bệnh DTLCP, đáp ứng tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. 

Có 100% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn, 90% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô vừa và 80% cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ áp dụng các biện pháp chăn nuôi lợn ATSH.

Nghiên cứu, cập nhật, bổ sung các đặc điểm dịch tễ và đặc điểm vi rút gây bệnh DTLCP để có giải pháp phòng, chống dịch phù hợp và hiệu quả với đặc điểm chăn nuôi lợn của tỉnh. 

Chăn nuôi an toàn sinh học

Nam Định đã và đang hướng tới chăn nuôi lợn ATSH, ATDB. Theo đó, thực hiện kê khai, cập nhật, khai báo hoạt động chăn nuôi với chính quyền địa phương; đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi trang trại theo quy định của Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Chăn nuôi.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định tham quan và kiểm tra công tác tái đàn lợn ở một trang trại đang chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn nông nghiệp. Ảnh: Mai Chiến.

Lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định tham quan và kiểm tra công tác tái đàn lợn ở một trang trại đang chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn nông nghiệp. Ảnh: Mai Chiến.

Áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi ATSH, quy trình thực hành chăn nuôi tốt (VietGAHP) tại cơ sở chăn nuôi nông hộ, trang trại quy mô nhỏ và vừa theo hướng dẫn của Sở NN-PTNT; cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01-14:2010 của Bộ NN-PTNT.

Sử dụng thức ăn dùng cho chăn nuôi có nguồn gốc rõ ràng, đạt tiêu chuẩn theo quy định; hạn chế tối đa việc sử dụng thức ăn thừa, tái chế từ các nhà hàng, khách sạn, khu công nghiệp...

Theo UBND tỉnh Nam Định, các địa phương tổ chức nuôi tái đàn phải thực hiện theo nguyên tắc nghiêm ngặt. Đối với các địa phương (xã/phường/thị trấn) đã công bố hết bệnh DTLCP chỉ nuôi tái đàn lợn tại cơ sở chăn nuôi lợn bảo đảm các biện pháp ATSH, ATDB.

Đối với địa phương phát sinh bệnh DTLCP nhưng chưa đủ điều kiện để công bố dịch chỉ nuôi tái đàn khi cơ sở chăn nuôi có lợn mắc bệnh DTLCP cuối cùng trên địa bàn đã qua 21 ngày mà không phát sinh ca bệnh mới; các cơ sở chăn nuôi lợn bảo đảm các biện pháp ATSH, ATDB.

Đối với địa phương chưa công bố hết bệnh DTLCP chỉ nuôi tái đàn tại các trang trại chăn nuôi không bị bệnh DTLCP và đã được chứng nhận ATDB hoặc ATSH hoặc được cấp chứng nhận VietGAHP. Được chính quyền và thú y địa phương kiểm tra, xác nhận đáp ứng đủ yêu cầu ATSH để tái đàn, tăng đàn.

Trước khi tái đàn, các tổ chức, cá nhân chăn nuôi lợn phải kê khai với chính quyền cơ sở trước khi thực hiện việc nuôi tái đàn, tăng đàn theo quy định của Luật Chăn nuôi và Thông tư số 23/2019/TT-BNNPTNT ngày 30/11/2019 của Bộ NN-PTNT.

Đối với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn, định kỳ 3 - 6 tháng lấy mẫu môi trường, nước, chất thải,... xét nghiệm khẳng định không có vi rút DTLCP.

Các bước nuôi tái đàn lợn

Đến nay, tổng đàn lợn của tỉnh Nam Định ước đạt 650.000 con. Ảnh: Mai Chiến.

Đến nay, tổng đàn lợn của tỉnh Nam Định ước đạt 650.000 con. Ảnh: Mai Chiến.

Đối với cơ sở chăn nuôi có bệnh đã tiêu hủy toàn bộ đàn lợn cần thực hiện nuôi chỉ báo với số lượng khoảng 10 - 20% công suất nuôi của cơ sở, tối đa không nuôi quá 50 con; hàng ngày theo dõi, giám sát chặt chẽ số lợn nuôi chỉ báo trong thời gian ít nhất 21 ngày.

Trường hợp lợn nuôi chỉ báo nghi bị bệnh hoặc kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh DTLCP, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo ngay cho chính quyền hoặc thú y địa phương và áp dụng ngay các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định. Sau thời gian nuôi chỉ báo, nếu lợn không có biểu hiện bệnh hoặc mẫu xét nghiệm cho kết quả âm tính với bệnh DTLCP thì thực hiện nuôi tái đàn thận trọng và có thể nuôi đạt 100% quy mô chăn nuôi của cơ sở. 

Đối với cơ sở chăn nuôi không bị dịch và đang còn lợn hoặc cơ sở chăn nuôi bị dịch nhưng chỉ tiêu hủy một phần đã đảm bảo các điều kiện ATDB, khi nhập lợn từ nơi khác về phải nuôi cách ly ít nhất 14 ngày, sau thời gian nuôi cách ly nếu đàn lợn nhập về hoàn toàn khỏe mạnh hoặc lấy mẫu xét nghiệm âm tính với bệnh DTLCP mới cho nhập đàn.

Xem thêm
Giải pháp phòng bệnh dại của thành phố lớn nhất nước

TP.HCM Tập trung tiêm phòng vacxin đại trà cho chó, mèo và tiêm phòng bổ sung thường xuyên theo lứa tuổi, đến nay, TP.HCM là vùng an toàn dịch bệnh động vật đối với bệnh dại.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất