Theo thống kê, các địa phương của tỉnh đã tổ chức phun thuốc trừ sâu cuốn lá nhỏ lứa 1 từ ngày 27 - 30/3 cho 4.422ha (100% diện tích cần trừ). Mật độ sâu cao hơn so với TBNN (gấp 3 lần so với năm 2019, gấp 5 - 7 lần so với TBNN).
Hiện nay trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 đang vũ hóa rộ, mật độ phổ biến 1 - 3 con/m2, nơi cao 5 - 7 con/m2, cục bộ > 10 con/m2. Mật độ sâu + trứng phổ biến 10 - 30 con + quả/m2, nơi cao 50 - 80 con + quả/m2.
Chi cục nhận định, mật độ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Sâu non nở rộ từ 22 - 30/4, mật độ sâu phổ biến 50 - 70 con/m2, cao 200 - 300 con/m2, cục bộ > 600 con/m2.
Đây là lứa sâu gây hại chính trong vụ, có mật độ cao, lứa kéo dài, mức độ gây hại cao gấp 3 lần vụ xuân 2019. Nếu không tổ chức phun trừ kịp thời sẽ gây thiệt hại lớn đến năng suất lúa. Dự kiến toàn tỉnh cần phun trừ khoảng 68.000ha (chiếm 93% diện tích).
Để phòng trừ bệnh sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 có hiệu quả, Chi cục lưu ý, cần phun trừ tập trung từ ngày 22 - 30/4 cho những diện tích có mật độ sâu từ 20 con/m2 trở lên (trà lúa cấy tốt sớm phun đầu lịch, trà lúa gieo sạ phun cuối lịch phòng trừ).
Theo đó, sử dụng thuốc có hoạt chất Indoxacarb (Clever 150SC; 300WG, Sunset 300WG, Obaone 95WG, Ammate 150EC, Divine 180SC, Indogold 150SC, Ebato 160SC, ...); hoạt chất khác (Director 140EC, Hagold 75WG, Takumi 20WG, 20SC; Match 050EC; Chlorferan 240SC, Voliam Targo 063SC,...).
“Do sâu cuốn lá có mật độ rất cao nên ưu tiên sử dụng thuốc có hiệu lực cao và kéo dài (hoạt chất Indoxacarb). Sau phun 5 ngày, kiểm tra ruộng nếu còn mật độ sâu sống ≥ 50 con/m2 cần phải phun lại”, Chi cục Trồng trọt và BVTV Nam Định khuyến cáo.