Mênh mông lúa
Đi dọc các tỉnh Nam Trung bộ vào thời điểm này, đôi mắt chúng tôi no nê nhìn ngắm những thảm lúa vàng óng, bông trĩu nặng. Nói là “thảm lúa” cũng không ngoa, bởi cánh đồng nào cũng phẳng lì, lúa đều tăm tắp, không còn cảnh “lúa nhiều tầng” như trước đây.
Điều này cho thấy nông dân trong khu vực không còn sản xuất kiểu mạnh ai nấy làm mà tuân thủ theo khuyến cáo của ngành chức năng, đặc biệt là lịch thời vụ và cơ cấu giống.
Nông dân nhiều địa phương còn săn lùng giống lúa chất lượng cao. Cuối tuần qua, tôi có dịp về xã Cát Tân (huyện Phù Cát) thăm đồng cùng với Sở NN-PTNT Bình Định. Phù Cát vốn được mệnh danh là vùng đất khó trong SXNN bởi đất đai bạc màu, cằn khô. Thế nhưng khi đến thôn Kiều Huyên, tôi không thể không ngỡ ngàng trước thảm lúa vàng óng trải dài mênh mông.
Nông dân Bùi Thiện ở thôn Kiều Huyên, tâm sự: “Trước đây tôi làm giống BC15 cũ của Cty Giống cây trồng Thái Bình, giống này cho năng suất cao, rất mê, nhưng nhược điểm là nhạy cảm với bệnh đạo ôn, nhất là trong vụ đông xuân.
Nghe nói Cty Giống cây trồng Thái Bình vừa cho ra lò giống BC15 mới kháng đạo ôn, vậy là vụ ĐX 2019 – 2020 này tôi làm ngay 3 sào (500m2/sào). Hiệu quả trông thấy, vụ lúa này 3 sào ruộng BC15 của tôi né được bệnh đạo ôn, nhìn mã lúa đẹp như thế này chắc chắn cho năng suất từ 75 tạ/ha trở lên”.
Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, không giấu được niềm vui, nói: “Ở Phù Cát, vùng đất khó mà lúa đã tốt như vậy thì các nơi khác như An Nhơn, Tuy Phước còn tốt hơn. Vụ ĐX này có khi còn thắng lợi hơn vụ ĐX trước, năng suất bình quân ước đạt 70 tạ/ha”.
Các trà lúa sớm ở các huyện Diên Khánh và Vạn Ninh (Khánh Hòa) cũng đang thu hoạch, bà con đã gặt được khoảng 3.500ha. Theo ông Trần Thiện Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV, vụ lúa ĐX 2019 – 2020 Khánh Hòa gieo sạ hơn 19.000ha, chủ yếu các giống như ML202, ML108, TH41, TH6, OM4900, Đài thơm 8… Các trà lúa đều sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh, chắc chắn được mùa.
Ghi nhận tại huyện Diên Khánh, lúa không chỉ được mùa còn được giá, năng suất trung bình đạt 70 tạ/ha, thương lái thu mua tăng mạnh khoảng 1.000đ/kg so với năm ngoái.
Trong đó, giá lúa hạt tròn, dao động từ 5.800 - 5.900đ/kg, hạt dài 6.100đ - 6.200đ/kg. Riêng giá lúa Đài Thơm 8 được thu mua 7.100đ - 7.200đ/kg. Với năng suất và giá lúa hiện nay, trung bình 1ha bà con lãi từ 18 - 20 triệu đồng.
Niềm vui trên các cánh đồng lúa ở Phú Yên cũng tưng bừng không kém. Theo ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV Phú Yên, vụ ĐX năm nay các đồng lúa trọng điểm trong tỉnh đều ít sâu bệnh, lúa phát triển tốt. Chỉ một số ít diện tích lúa ở huyện Đông Hòa bị đen lép hạt do ảnh hưởng sương muối lúc thời điểm đang trổ. “Dự kiến vụ ĐX này năng suất lúa trên địa bàn ước đạt khoảng 72 tạ/ha”, ông Đa nói.
Ở Quảng Ngãi, mới một ít diện tích trà sớm được bà con thu hoạch, khoảng nửa tháng nữa mới thu hoạch rộ. Quảng Nam, do gieo sạ muộn nên mới một số diện tích lúa đã trỗ, mã lúa khỏe, đẹp.
Bước chuyển nhận thức
Vụ ĐX 2019 – 2020 thắng lợi, Cục Trồng trọt khẳng định, ngay từ đầu vụ, nhiều đoàn công tác của Bộ NN-PTNT đã về từng địa phương triển khai kế hoạch xuống giống sớm, bố trí thời vụ gieo sạ phù hợp và chỉ đạo các địa phương xuống giống nhanh và kịp thời, chuyển đổi những diện tích đất lúa thiếu nước sang trồng các loại cây trồng cạn.
Cơ cấu giống cũng được bố trí các giống ngắn ngày như: OM6976, KDđb, KD28, ĐV108, PC6, TH3-3, ML48, ML202, Nhị ưu 838 ANS1, TBR1, TBR36, TBR225, BC15, DT45, Thiên ưu 8… Ngoài ra còn có các giống lúa chất lượng cao được nhiều địa phương bổ sung vào cơ cấu giống như: HT1, VD20, OM4900, OM5451, OM6162, OM7347, Đài thơm 8.
Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt cho biết, trong vụ ĐX vừa qua nông dân các tỉnh trong khu vực hưởng ứng tích cực chương trình phát động giảm lượng giống gieo sạ của Bộ NN-PTNT.
Kết quả cho thấy nông dân đã nhận thức cao và thay đổi tập quán gieo sạ nhiều giống như trước đây. Nếu như trước đây nông dân ở nhiều tỉnh trong khu vực gieo sạ đến hơn 150kg giống/ha thì hiện đã giảm xuống còn dưới 100kg/ha. Nhiều tỉnh còn xây dựng nhiều mô hình giảm lượng giống gieo sạ xuống còn 80kg/ha.
“Việc cơ giới hóa đồng bộ trong SX lúa như san lấp phẳng đồng ruộng, áp dụng máy sạ hàng và máy cấy giúp giảm lượng giống gieo sạ được thực hiện tốt hơn. Đến vụ ĐX 2019 – 2020 nông dân trong khu vực cũng đã áp dụng rộng rãi mô hình “1 phải 5 giảm”, đang dần tiến tới canh tác lúa tuân thủ các tiến bộ kỹ thuật mà ngành chức năng khuyến cáo”, ông Tùng chia sẻ.
Qua kết quả thắng lợi của vụ ĐX 2019 - 2020, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh, đúc kết: “Sự kết hợp chặt chẽ của các cơ quan thuộc Bộ và các địa phương trong công tác nắm bắt tình hình, chỉ đạo SX, đưa ra các giải pháp ứng phó với tình hình thực tế đã góp phần chủ động trong khắc phục diễn biến bất thường của thời tiết, dịch hại, dẫn đến SX vụ ĐX 2019 - 2020 thắng lợi ngoài mong đợi”.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng chỉ ra các mô hình chuyển đổi cây trồng trên đất lúa hiệu quả chưa được nhân rộng do thiếu quy hoạch tập trung, việc đầu tư hệ thống thủy lợi và các chính sách hỗ trợ tại các địa phương chưa thực sự mạnh mẽ, đủ sức thúc đẩy việc chuyển đổi.
“Nhận thức của nông dân trong việc sử sụng giống chất lượng cao và trình độ đầu tư thâm canh, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong SX là điều kiện tiên quyết để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng”, Thứ trưởng Doanh nói.
“Đến giờ này chúng tôi có thể khẳng định vụ ĐX 2019 - 2020 tại các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ đã đạt thắng lợi toàn diện, từ cây lúa đến cây màu. Năng suất lúa toàn vùng ước đạt bình quân gần 66,5 tạ/ha, sản lượng ước đạt hơn 2.028 nghìn tấn, tăng 33,8 nghìn tấn so với vụ ĐX 2018 - 2019”, ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt.