| Hotline: 0983.970.780

Nam Trung bộ thắng lớn vụ đông xuân, quyết liệt 'né' hạn vụ hè thu

Thứ Sáu 13/03/2020 , 14:35 (GMT+7)

Dù thời tiết bất thuận, nhưng vụ đông xuân trên toàn khu vực đều thắng lợi toàn diện, hiện các địa phương đã chủ động giải pháp “né” hạn các vụ tiếp theo.

Thắng lợi toàn diện

Ngày 13/3, Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội nghị Sơ kết sản xuất trồng trọt vụ ĐX 2019 – 2020 và triển khai kế hoạch SX vụ hè thu, vụ mùa năm 2020 tại vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu, chủ trì hội nghị.

Tham dự hội nghị có các cơ quan thuộc Bộ và đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên.

Theo ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, ghi nhận qua những đợt thăm đồng của các đoàn công tác Bộ NN-PTNT và báo cáo từ các địa phương cho thấy, vụ ĐX 2019 – 2020 trên địa bàn Nam Trung bộ và Tây Nguyên đã đạt thắng lợi toàn diện. Diện tích SX lúa trên toàn vùng trong vụ này ước đạt 314.200ha, giảm 5.300ha so vụ ĐX trước; năng suất ước đạt 66,28 tạ/ha, tăng 2,16 tạ/ha; sản lượng ước đạt gần 2 triệu tấn, tăng hơn 33.000 tấn so vụ ĐX 2018 - 2019.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (bìa phải) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chủ trì hội nghị. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (bìa phải) và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu chủ trì hội nghị. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Đây là kết quả vượt qua sự mong đợi của ngành trong bối cảnh trong thời gian qua, SXNN tại các tỉnh trong khu vực đã phải chịu nhiều bất thuận về thời tiết. Để có được kết quả này là nhờ sự chỉ đạo từ rất sớm của Bộ NN-PTNT về thời vụ gieo sạ với phương châm gieo sạ sớm, tập trung xuống giống đồng loạt.

Đặc biệt các địa phương đều đã chủ động xuống giống linh hoạt, đây là điều rất nhiều năm qua chưa địa phương nào trong khu vực làm được. “Thời vụ bây giờ không còn “cứng” trong 1 khung thời gian nhất định, mà phải lệ thuộc vào nguồn nước thực tế và sự điều tiết nước của từng địa phương”, ông Tùng nhận định.

Cũng theo ông Tùng, 1 nguyên nhân khác dẫn đến thắng lợi là ở những vùng chủ động động nước, nông dân đã tuân thủ nghiêm cẩn quy trình thâm canh để tăng năng suất, còn những vùng thiếu nước thì được chính quyền các địa phương kịp thời chỉ đạo cho chuyển đổi cây trồng. Cơ cấu giống cũng đã góp phần không ít vào thắng lợi.

Thực tế cho thấy, trong vụ SX vừa qua các địa phương đã sử dụng các giống ngắn ngày, cực ngắn ngày. Nhờ đó giảm thiểu được thời gian cây lúa đứng trên đồng, hạn chế bị hạn gây hại, đồng thời giảm thiểu được số lần tưới.

“Tiết kiệm được 1 lần tưới cho chừng ấy diện tích lúa là tiết  kiệm được từ 1.000 – 2.000 m3 nước/ha. Trong tình hình các hồ chứa trong khu vực đều thiếu nước thì mức tiết kiệm nói trên là rất quý”, ông Tùng khẳng định.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh biểu dương ngành nông nghiệp các tỉnh trong vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên về thắng lợi của vụ đông xuân. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh biểu dương ngành nông nghiệp các tỉnh trong vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên về thắng lợi của vụ đông xuân. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Áp dụng nhiều giải pháp “né” hạn vụ hè thu

Bước vào SX vụ hè thu 2020 với tình hình mực nước tích trữ ở các hồ chứa trong khu vực đều sụt giảm nghiêm trọng, cộng với dự báo năm nay sẽ rất ít mưa, hạn hán gay gắt, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo các địa phương phải bố trí cây trồng phù hợp cho từng vùng, theo phương châm sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Công tác chỉ đạo SX không chỉ “chăm hẳm” lo cho vụ này mà còn phải tính toán cho những vụ tiếp theo, để khai thác hết hiệu quả trong việc sử dụng đất, sử dụng nước. Lịch thời vụ phải được xây dựng theo phương châm “sớm hơn, tập trung hơn và thời gian xuống giống ngắn hơn”.

“Xuống giống sớm hơn ở những vùng cơ nguy cơ hạn cao sẽ né được hạn vào cuối vụ; xuống giống tập trung theo từng vùng để ngành chức năng các địa phương thuận lợi trong việc cân đối, bố trí nước tưới tại các hồ chứa cho từng diện tích cụ thể; thời gian xuống không được kéo rê cả vài chục ngày như trước đây là để ngành thủy lợi không phải cung cấp nước tiên tục, nhằm tránh lãng phí nguồn nước trong các hồ chứa”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bìa trái) thăm đồng lúa ĐX 2019- 2020 tại Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh (ngoài cùng bìa trái) thăm đồng lúa ĐX 2019- 2020 tại Bình Định. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Về cơ cấu giống, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng chỉ đạo các địa phương tiếp tục sử dụng giống ngắn ngày để cây lúa né được các yếu tố bất lợi, đồng thời tiết kiệm được nước tưới. “Sử dụng giống lúa ngắn ngày nhưng phải chọn các giống cho chất lượng gạo cao, năng suất tốt, phù hợp với nhu cầu của thị trường để tăng thu nhập cho nông dân. Khu vực chúng ta là vùng rất “giàu có” về giống lúa, vì thế tôi đề nghị các địa phương đưa các giống lúa thơm đặc sản vào SX chiếm khoảng 10% diện tích, giống chất lượng cao chiếm khoảng 60% và giống chất lượng trung bình dành cho chế biến khoảng 30%. Những tỉnh có nhu cầu cao về gạo chế biến thì có thể sử dụng giống có chất lượng trung bình chiếm 40 – 50%, nhưng toàn vùng không theo xu hướng này”, Thứ trưởng Doanh chỉ đạo.

“Hiện Bộ NN-PTNT đã đề ra 2 kế hoạch SX vụ hè thu 2020, một là tình hình khô hạn tương đương năm 2015 – 2016, kế hoạch 2 là tình hình hạn hán khốc liệt hơn năm 2015 – 2016. Theo phương án 1, trên toàn vùng sẽ giảm 1.000ha SX lúa, nhưng sản lượng phấn đấu tăng được 31.000 tấn dựa vào biện pháp thâm canh. Nếu thời tiết xảy ra cực đoan hơn, các hồ chứa trong khu vực đều cạn kiệt thì phải áp dụng phương án 2, là giảm đến 47.000ha, tương đương sản lượng giảm đến 250.000 tấn, đây là phương án “cực chẳng đã”.

Đối với vụ mùa, nếu hạn hán ở mức 2015 -2026 thì sẽ phải giảm 10.000ha lúa, trường hợp cực đoan hơn thì phải giảm đến 19.000ha. Tùy tình hình thực tế mà các tỉnh chọn phương án 1 hoặc 2. Then chốt nhất là ngành chức năng các tỉnh phải vận động nông dân áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm, để bảo đảm nước tưới cho vụ hè thu và vụ mùa ở mức cao nhất”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chỉ đạo

Xem thêm
Người dân Vĩnh Phúc viết đơn xin dừng chăn nuôi trong khu dân cư

Tính đến cuối năm 2024 đã có 332 hộ chăn nuôi ở tỉnh Vĩnh Phúc làm đơn đề nghị hỗ trợ dừng chăn nuôi ở khu vực không được phép chăn nuôi.

Hoàn thành chi trả bồi thường cho các hộ dân có bò sữa bị thiệt hại

Lâm Đồng Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.