| Hotline: 0983.970.780

Nạn kích giun tận diệt lại hoành hành ở Lai Châu

Thứ Tư 23/08/2023 , 13:48 (GMT+7)

Gần đây, tại Lai Châu, một số người sử dụng bộ kích điện bắt giun rồi bán cho nơi thu mua, gây hủy hoại môi trường, đất sản xuất nông nghiệp.

Người phụ nữ này kích giun ngay trung tâm thành phố Lai Châu. Ảnh: H.V.

Người phụ nữ này kích giun ngay trung tâm thành phố Lai Châu. Ảnh: H.V.

Quần thảo quốc lộ, khu dân cư để kích giun 

Tình trạng kích điện để bắt giun đất đã xảy ra từ lâu, thế nhưng không rõ vì lý do gì loại hình này bỗng nhiên quay trở lại, hoạt động rầm rộ ở nhiều tỉnh thành trong đó có tỉnh Lai Châu.

Tại một số xã, phường ở thành phố Lai Châu như Tân Phong, Đông Phong, San Thàng... tái diễn tình trạng người dân sử dụng kích điện bắt giun đất rồi đem bán cho nơi thu mua. Sau khi dư luận lên tiếng về sự việc thì hoạt động kích giun không còn công khai, ngang nhiên như trước. Tuy nhiên vì lợi nhuận và việc làm quá dễ dàng khiến việc kích giun vẫn diễn ra.  

Tại phường Tân Phong (thành phố Lai Châu), hai người phụ nữ chọn khu đất trống có nhiều cây xanh để bắt đầu kích giun. Sau khi cắm 2 que sắt nối với điện cực của bình ắc quy và máy kích xuống đất, họ bắt đầu bật công tắc. 

Vì có đầu mối thu mua nên người dân đổ xô đi kích giun tại Lai Châu. Ảnh: H.V.

Vì có đầu mối thu mua nên người dân đổ xô đi kích giun tại Lai Châu. Ảnh: H.V.

Một lát sau những tiếng réo liên tiếp do luồng xung điện phát ra, giun lớn, giun bé đều phải ngóc đầu, ngoi lên mặt đất. Mặc dù là phụ nữ nhưng cả 2 đều thành thục với các thao tác liên quan máy kích giun và việc “thu hoạch” sản phẩm chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, cả 2 đều có vẻ tránh mặt những người hỏi dò thông tin về việc kích giun của họ. 

“Hôm nay mới ra, chỉ lấy giun to thôi cũng không rõ họ mua về làm gì. Người ta cần thì mình lấy cho họ. Một cân khoảng 25 nghìn đồng”, theo một người phụ nữ bịt khẩu trang vừa quay lưng nhặt những con giun oằn mình trên mặt đất.

Tại tổ 1, phường Quyết Tiến (thành phố Lai Châu), những người kích giun cũng quần thảo khu vực đầu nguồn. Chỉ với khoảng đất rộng hơn 200m2, họ kích được tới khoảng 70kg giun tươi trong một khoảng thời gian ngắn. 

"Họ hay vào các vườn, các khu vực gần nhà ở, đất ẩm ướt để kích giun. Mỗi khu vực họ chỉ kích ào ào vài tiếng đồng hồ rồi chuyển sang khu vực khác vì giun ngóc lên rồi thì có bới cũng không ra nữa. Việc dễ thế lại có tiền ngay bảo sao họ đổ xô đi kích giun”, người dân chia sẻ. 

Máy kích giun từ đâu ra?

Khu vực bản Phan Lìn thuộc địa bàn xã Sàn Thàng (thành phố Lai Châu), việc kích giun cũng không xa lạ với những người ở đây. Máy kích giun, xô nhựa, găng tay cao su… là những vật dụng quen thuộc đối với họ.

Mặc dù việc kích giun diễn ra rầm rộ như vậy nhưng theo tìm hiểu của phóng viên không phải ai muốn làm là được. Với người lạ rất khó để bắt mối mà làm. Công việc nhẹ mà cho thu nhập cao này chỉ dành những người quen biết, tin tưởng, từ người này giới thiệu cho người khác. Mọi việc có vẻ rất kín kẽ từ người đánh kích tới người thu mua.

Thiết bị kích giun đất có ghi chữ nước ngoài. Ảnh: H.V.

Thiết bị kích giun đất có ghi chữ nước ngoài. Ảnh: H.V.

Quen biết thì không tốn tiền đầu tư mua máy còn được phát máy kích để đi làm. Tuy nhiên, số lượng máy kích cũng có hạn, không thể phát tràn lan, mỗi bản chỉ một vài người được nhận máy. Ước tính mỗi bộ kích giun ghi chữ nước ngoài cũng có giá vài triệu đồng, tùy thuộc công suất. 

“Chủ người ta đưa cho để kích giun rồi thu mua lại, giun tươi giá 25-30 nghìn đồng một cân. Có giun khô thì họ mua giun khô nhưng chỉ lấy con to. Có máy thì họ thu mua giá khác. Từ sáng đến tối cũng được hơn chục cân đấy”, một người chia sẻ. 

Gần đây, việc kích giun bị đánh động bởi dư luận hết sức bức xúc vì việc làm hủy hoại môi trường, đất nông nghiệp. Những người đi đánh bắt loại sinh vật này đến đâu thì dân họ cấm cửa ở đó, không cho vào vườn nhà. Vì vậy, một số đầu mối thu mua ở huyện Tam Đường, Phong Thổ "im hơi lặng tiếng”. Số khác chuyển sang kích giun ban đêm, tránh bị soi mói, ai hỏi thì nói đi bắt dế mèn.

Ông Lê Duy Thường ở phường Đông Phong (thành phố Lai Châu) bức xúc, trên địa bàn phường có nhiều bãi đất trống, cho nên tình trạng kích điện để bắt giun đất diễn ra rất phổ biến. Đặc biệt là khu vực giáp ranh đồi chè hiện tượng này xảy ra rất thường xuyên, gây ảnh hưởng tới đất và cây trồng. Là một người dân chúng tôi rất mong muốn các cơ quan chức năng có chế tài xử phạt và có các biện pháp ngăn chặn kịp thời việc kích giun này.

Theo những người từng tham khảo giá giun sấy khô thì mặt hàng này đúng là siêu lợi nhuận bởi có thể xuất bán cho thương lái Trung Quốc với giá lên tới 700 triệu đồng một tấn. Song chưa rõ, mặt hàng này xuất đi bằng đường nào, vì loại sinh vật nói trên không thể xuất chính ngạch, không thể có được các thủ tục nhất là liên quan kiểm dịch. Thế nhưng, vì sao lại có những đầu mối thu mua với khối lượng lớn, thu mua với mục đích gì thì chỉ người trong cuộc mới có thể biết được. 

Xử lý nghiêm điểm thu mua, sơ chế giun 

Ông Nguyễn Đức Duyên, Phó chi cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu) cho hay, hiện tượng người dân sử dụng kích điện để bắt giun là việc làm ảnh hưởng kết cấu của đất, sinh trưởng phát triển của cây trồng, ảnh hưởng quá trình phân giải tập hợp của các chất trong đất, không làm đất tơi xốp… gây nguy hại cho sản xuất nông nghiệp. Là cơ quan chuyên môn chúng tôi khuyến cáo không được thực hiện các hành vi này.

Việc kích giun gây nguy hại môi trường đất và sự phát triển của cây trồng. Ảnh: H.V.

Việc kích giun gây nguy hại môi trường đất và sự phát triển của cây trồng. Ảnh: H.V.

Sở NN-PTNT tỉnh Lai Châu đã có văn bản về việc tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc đánh bắt giun đất bằng kích điện trên địa bàn tỉnh. Đồng thời cảnh báo, việc người dân sử dụng thiết bị kích điện để đánh bắt giun đất, bán cho các thương lái, làm giảm chất lượng đất canh tác, phá vỡ sự đa dạng sinh học, độ phì nhiêu của đất, ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng, đồng thời cũng là hoạt động nguy hiểm, dễ gây tai nạn ảnh hưởng đến tính mạng của con người và động vật.

Trước tình trạng trên, theo ông Bùi Hữu Cam, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lai Châu, UBND thành phố đã yêu cầu thủ trưởng các cơ quan: Kinh tế, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, lợi ích của giun đất đối với môi trường đất, cây trồng. Tuyên truyền, chỉ đạo nhân dân thực hiện tốt luật Bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác kiểm tra, phát hiện và yêu cầu chấm dứt ngay các hoạt động đánh bắt giun đất bằng kích điện và thu mua, sơ chế giun đất trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp cố tình đánh bắt giun đất bằng kích điện và thu mua, sơ chế giun đất trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.