| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao chất lượng lúa giống

Thứ Sáu 30/09/2011 , 11:10 (GMT+7)

Chất lượng lúa giống tốt ở đây là muốn nói đến tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ thuần và độ sạch của hạt giống, độ ẩm…

DÙNG GIỐNG XÁC NHẬN

Từ xưa ông bà ta đã tổng kết “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Khoa học ngày nay còn xếp giống ở vị trí quan trọng hơn. Không kể đặc tính giống từ lúa lai đến lúa thuần, nếu chất lượng lúa giống tốt thì đã có thể tăng năng suất trên 10%. Chất lượng lúa giống tốt ở đây là muốn nói đến tỷ lệ nảy mầm, tỷ lệ thuần và độ sạch của hạt giống, độ ẩm…

Ở ĐBSCL, tuyệt đại đa số trồng lúa thuần. Từ trước tới nay nông dân vẫn có thói quen là dùng lúa thịt làm giống cho vụ sau. Theo tính toán, việc làm tuy tiện lợi nhưng không khoa học này không những đã làm giảm năng suất trên dưới 10%, giảm chất lượng lúa gạo mà còn làm thoái hóa giống. Để khắc phục, năm 2005, Bộ NN-PTNT đã có chương trình giống quốc gia và công tác giống đã đạt được một số tiến bộ nhất định, tuy nhiên tỷ lệ nông dân tự để giống vẫn còn cao. Theo đánh giá của các chuyên gia, thì lượng dùng lúa giống xác nhận ở ĐBSCL chỉ mới khoảng 30%.

Lúa giống được phân chia theo 4 cấp khác nhau: Giống tác giả - giống siêu nguyên chủng – giống nguyên chủng và giống xác nhận. Các nhà sản xuất giống dùng giống nguyên chủng để sản xuất giống xác nhận 1. Giống lúa cấp xác nhận 1 có thể dùng sản xuất lúa thương phẩm hoặc dùng để sản xuất lúa giống cấp xác nhận 2. Giống xác nhận 2 chỉ có thể làm giống cho lúa thương phẩm.

Để được cấp giấy chứng nhận là giống lúa đạt cấp nào thì cơ quan sản xuất giống phải được kiểm nghiệm bởi cơ quan quản lý nhà nước về giống, trong đó phải đạt các tiêu chuẩn về ruộng giống (kiểm nghiệm ngoài đồng ruộng) và hạt giống phải đạt các tiêu chuẩn, cụ thể độ sạch phải đạt tối thiểu 98%, không quá 10 hạt cỏ/kg giống, độ ẩm thấp hơn 13,5%, độ nảy mầm phải đạt trên 80%, độ lẫn giống không quá 0,35%.

Trên thực tế, việc cung cấp các giống đạt chứng chỉ như trên còn ít và người dân thường sử dụng các giống do các câu lạc bộ giống, các tổ sản xuất giống và các hộ nông dân sản xuất giỏi được gọi là xác nhận cộng đồng có chất lượng tương đương với giống lúa xác nhận trên.

BÀI HỌC TỪ AN GIANG

An Giang là địa phương dẫn đầu trên cả nước về tỷ lệ dùng giống lúa xác nhận cộng đồng. Hiện chưa có một điều tra tin cậy nào nhưng con số ước khoảng 70- 80% được nhiều người chấp nhận.

Để có được con số trên, 10 năm qua, An Giang đã quyết liệt, nhất quán và kiên trì thực hiện chính sách về giống theo con đường “xã hội hóa”. Theo ông Huỳnh Hiệp Thành, GĐ Trung tâm Khuyến nông tỉnh An Giang, bất cứ tổ chức, cá nhân nào có điều kiện, có lòng đam mê đều có thể tham gia vào mạng lưới sản xuất và cung ứng giống lúa do ngành nông nghiệp tổ chức và quản lý. Thành viên của mạng lưới được quyền bán sản phẩm giống của mình theo giá thị trường (thường bằng 1,2 – 1,5 so với lúa thịt), được nhà nước hỗ trợ bằng việc đào tạo miễn phí (phải trải qua một lớp tập huấn trong khoảng thời gian 3 tháng, bao gồm học lý thuyết và thực hành theo nhóm từ việc gieo mạ, cấy, bón phân, khử lẫn… nếu đạt yêu cầu và chấp nhận sự chỉ đạo của ngành nông nghiệp thì họ sẽ được cấp giấy chứng nhận). Ngoài ra họ còn được đài thọ trong các chuyến tham quan, những cuộc giới thiệu giống mới do các viện, trường tổ chức, những mô hình sản xuất giống tốt, tham gia các hội chợ, triển lãm chuyên ngành trong và ngoài tỉnh, được hỗ trợ 50% giá trị khi mua giống nguyên chủng, siêu nguyên chủng, được hỗ trợ lãi suất khi mua máy sấy, tách hạt, đo ẩm độ.

Nhờ có chính sách tốt nên An Giang hiện có 200 tổ sản xuất giống, mỗi xã ít nhất có 1 tổ sản xuất giống, đủ cung ứng khoảng 90% nhu cầu về giống của nông dân trong tỉnh.

NHỮNG BIỆN PHÁP BẢO QUẢN GIỐNG

Với những nước tiên tiến, hoặc những công ty lớn, giống được bảo quản trong kho lạnh, trong xi lô chuyên dùng nên thời hạn sử dụng của họ kéo dài, còn ở chúng ta giống thường chỉ được bảo quản tốt trong khoảng thời gian 3-6 tháng. Theo PGS.TS Dương Văn Chín, Phó Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, trong điều kiện của ta cũng có thể kéo dài thời gian bảo quản lên cả năm nếu sử dụng bao đựng PE có độ dày tối thiểu 1,2mm và miệng được cột chặt bằng dây cao su có tính đàn hồi cao. Tất nhiên, trước khi đưa vào bao để bảo quản thì lúa phải thật khô, thật sạch, độ ẩm không lớn hơn 12%. Khi cho giống vào bao, cột chặt thì hạt giống vẫn tiếp tục hô hấp một thời gian, làm kiệt khí ô xy và tăng khí CO2, điều này có tác dụng giết chết các ấu trùng mọt, ức chế nấm và bào tử tốt. Cũng theo PGS.TS Dương Văn Chín khi sử dụng bao này bảo quản giống thì tốt nhất nên lấy lúa vụ ĐX làm giống cho cả năm, vì chất lượng lúa giống vụ này là tốt nhất.

CHĂM SÓC LÚA GIỐNG

Thời sự nhất trong những ngày gần đây là cuộc chiến giành giật lúa vụ thu đông với lũ lụt. Các tỉnh đầu nguồn sông Mekong như Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang đang dốc hết toàn lực để cứu lúa. Lúa thu đông được nhìn nhận là nguồn giống chính cho vụ ĐX tiếp theo nên cuộc chiến này càng thêm quyết liệt. Mưa nhiều cũng sẽ làm giảm phẩm cấp lúa thu đông và rất dễ xảy ra hiện tượng dư đạm mà tác hại của nó rất lớn nhất là trong giai đoạn đòng trỗ. Thời điểm bón phân lần thứ 3 được xác định bằng cách bóc thân lúa ra nếu thấy tim đèn ở giữa, đây là giai đoạn phân hóa đòng và bón phân vào lúc này sẽ tốt nhất.

Để phòng ngừa bón dư đạm, các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng phân đơn mà nên sử dụng phân NPK chuyên dùng cho lúa như NPK Agrotain lúa 1, lúa 2 nhãn hiệu Đầu Trâu. Việc sử dụng phân bón lá cũng cần thận trọng, chỉ sử dụng lúc thấy rằng thật sự cần thiết. Ngoài ra cần cảnh giác với một số chế phẩm phân bón lá có trộn 2,4 D vì chúng sẽ làm giảm chất lượng lúa giống.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.