| Hotline: 0983.970.780

Nâng cao hiệu quả tổ đoàn kết trên biển

Thứ Hai 22/08/2016 , 08:04 (GMT+7)

Tại Quảng Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia vừa tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề "Phát triển các mô hình tổ, đội tàu liên kết khai thác xa bờ khu vực miền Trung”, thu hút trên 250 đại biểu và ngư dân đến từ 7 tỉnh duyên hải Nam Trung bộ.

Giải quyết rủi ro

Theo Trung tâm KNQG, vùng duyên hải Nam Trung bộ có nghề cá rất phát triển với đa dạng nghề nghiệp, số lượng tàu thuyền trên 31.800 chiếc, chiếm gần 24,8% số lượng tàu thuyền của cả nước. Ngư dân dọc dải đất này có truyền thống đi biển lâu đời, có thể nói đây là nơi hình thành và phát triển nghề khai thác cá biển đầu tiên của nước ta. Ngư dân không chỉ khai thác tại ngư trường truyền thống mà còn vươn xa tới những vùng ngư trường xa như vịnh Bắc Bộ, vịnh Thái Lan và vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa.

Ông Kim Văn Tiêu - PGĐ Trung tâm KNQG cho hay, mục tiêu chính của các tổ đội là hình thành lên một liên kết ngang trong chuỗi giá trị, hiệu quả, an toàn khi hoạt động trên biển của các đội tàu khai thác xa bờ. Diễn đàn nhằm tạo điều kiện để đại diện các đội tàu chia sẻ kinh nghiệm, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động khai thác xa bờ… tiến tới nâng cao chất lượng tổ, đội tàu liên kết.

“Trong khai thác thủy sản có nhiều rủi ro, ngoài thiên tai bất ngờ ập đến thì có nhân tai. Bà con đi đơn lẻ một mình gây mất an toàn cả tính mạng, chính vì vậy liên kết tổ đội đoàn kết trên biển là hết sức cần thiết. Bà con tương trợ giúp đỡ lẫn nhau mỗi lúc gặp hoạn nạn, đặc biệt là quá trình an ninh trên biển phức tạp như tàu nước ngoài đâm chìm, cướp hải sản… Ngư dân đi đông thì tàu nước ngoài cũng sợ, không dám xâm phạm”, ông Tiêu nói.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá VN đánh giá, việc hình thành tổ đội đoàn kết đã tạo ra một liên kết ngang trong chuỗi giá trị của sản phẩm hải sản khai thác xa bờ nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả, an toàn khi hoạt động trên biển.

“Các tàu cá tham gia tổ, đội khai thác hải sản đã đạt hiệu quả hơn, sản lượng tăng lên, có tàu đạt 1,2 - 1,5 lần so với khi chưa vào tổ. Bởi bám biển được dài ngày, thời gian đánh bắt tăng, chi phí cho chuyến biển giảm. Các tổ, đội khai thác đã chủ động và làm tốt công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tàu cá trong tổ, đội bị sự cố, tai nạn trên biển. Nhiều tổ, đội đã tổ chức đóng góp xây dựng quỹ để tạo kinh phí cho các hoạt động tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau của các thành viên trong tổ mình”, ông Thắng bày tỏ.

 

Ngư dân đang gặp khó

Ông Trương Công Bảy, Chủ tịch Hội Nghề cá xã Bình Minh, huyện Thăng Bình, Quảng Nam cho rằng phát triển mô hình tổ đội là rất quan trọng. Huyện Thăng Bình đã hình thành nhiều tổ đội câu mực xà. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa có nhà máy chế biến, ngư dân làm ra sản phẩm đều bán cho Trung Quốc. Mặt hàng này phụ thuộc vào Trung Quốc nên ngư dân rất khó khăn. “Sau vụ kiện Philippines, tàu ngư dân ra vùng biển Hoàng Sa bị Trung Quốc ngăn cản, xua đuổi với mật độ dày hơn, mong nhà nước có biện pháp giúp đỡ”, ông Bảy nói thêm.

21-45-47_nh-4
5 ngư dân tàu QNg 90479 TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm được tàu QNg 95001 TS của Huỳnh Văn Khanh (xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) cùng tổ đội ứng cứu vào bờ an toàn

 

Ngoài ra có nhiều ý kiến cho rằng, việc vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 gặp nhiều khó khăn. Nhiều ngư dân đã được UBND tỉnh phê duyệt hồ sơ, tuy nhiên khi đến ngân hàng vay vốn thì bị từ chối. Họ bán tàu cũ giờ chưa vay được vốn, rơi vào cảnh thất nghiệp…

Trả lời những vấn đề trên, ông Ngô Tấn, PGĐ Sở NN-PTNT Quảng Nam chia sẻ, Quảng Nam có nhiều trường hợp chưa được ngân hàng cho vay vốn đóng tàu theo Nghị định 67 là do chưa thể hiện được khả năng tài chính, và quản trị con tàu. Sở NN-PTNT đang cố gắng hỗ trợ ngư dân về mặt thủ tục để ngân hàng phê duyệt...

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản cho hay: "Riêng về sản phẩm mực xà do ngư dân đánh bắt, chúng tôi đang kết hợp với nhiều chuyên gia, doanh nghiệp nghiên cứu làm chả mực. Dự án này thành công góp phần giải quyết đầu ra của bà con ngư dân. Hiện mực xà được xuất sang Trung Quốc, sau đó họ chế biến bán lại cho Việt Nam giá rất cao”.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội Nghề cá VN cho rằng, hội sẽ tập hợp tiếng nói của ngư dân để có những kiến nghị đến các cơ quan chức năng. Sắp tới, hội đề xuất hỗ trợ chi phí cho bà con để tăng tính tương trợ, hỗ trợ nhau, bảo đảm có hiệu quả kinh tế, hiện diện trên biển Đông góp phần bảo vệ an ninh trên biển.

Ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm KNQG: Trong những năm qua, trung tâm tập trung xây dựng mô hình ứng dụng máy dò ngang sonar để nâng cao hiệu quả đối với tàu đánh bắt xa bờ. Tiếp đó, xây dựng mô hình hầm bảo quản để bảo vệ sản phẩm đánh bắt được nhằm giảm tỷ lệ hao hụt, bán được giá cao hơn. Hầm bảo quản PU foam có tính năng giữ nhiệt tốt nên lượng đá tiêu hao ít, đã tăng thời gian bám biển. Qua kết quả các mô hình triển khai năm 2015 các chủ hộ mô hình cho biết lượng đá mang theo đã giảm 50% so với khi chưa có hầm bằng PU.

 

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.