Khung Chiến lược hiện hành của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đặt mục tiêu đóng góp vào Chương trình nghị sự 2030 thông qua việc chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng hiệu quả, bao trùm, có khả năng chống chịu và bền vững hơn để cải thiện sản xuất, dinh dưỡng, môi trường và cuộc sống, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Với mục tiêu chấm dứt tình trạng thiếu đói và tất cả các hình thức suy dinh dưỡng vào năm 2030, Mục tiêu Phát triển Bền vững số 2 (SDG-2) thể hiện cam kết của Liên Hợp Quốc (LHQ) về “xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững”. Sự thành công của SDG-2, cũng như tất cả các mục tiêu khác, phụ thuộc phần lớn vào các quá trình giám sát, đánh giá và theo dõi thực sự hiệu quả.
Với vai trò là cơ quan giám sát kỹ thuật của SDG-2, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) có những lợi thế đặc thù để sẵn sàng hỗ trợ các nước đạt được các mục tiêu cụ thể trong SDG-2. Trên tinh thần đó, FAO vừa xuất bản báo cáo chuyên đề “Đánh giá đóng góp của FAO cho SDG-2 trong lĩnh vực kiểm soát dịch hại và bệnh thực vật xuyên biên giới.”
Nội dung báo cáo tập trung vào công tác xây dựng năng lực ở cả quốc gia và khu vực để kiểm soát phòng ngừa dịch hại và bệnh thực vật xuyên biên giới, trên cơ sở tham khảo sơ bộ các hoạt động kiểm soát ổ dịch khẩn cấp trên quy mô lớn, trong đó có việc ứng phó với nạn châu chấu sa mạc đang diễn ra ở vùng Sừng châu Phi và Tây Nam Á.
Tại cuộc họp lần thứ tư của Ban chỉ đạo Kế hoạch Hành động Toàn cầu về kiểm soát sâu keo mùa thu (FAW) diễn ra vào ngày 16/4/2021, Tổng Giám đốc FAO Qu Dongyu (Khuất Đông Ngọc) đã kêu gọi “việc giám sát mạnh mẽ và kịp thời hơn ở cả cấp quốc gia và khu vực; chuyển giao công nghệ một cách có hiệu quả; tăng cường phát triển năng lực” trong việc kiểm soát sâu keo mùa thu.
Sâu keo mùa thu là một loài bướm đêm có nguồn gốc từ Châu Mỹ. Loài này thường ăn ngô và ngoài ra còn có thể ăn hơn 80 loại cây trồng khác, trong đó lúa, cao lương, kê, mía, các loại rau và bông. Khi dịch đã hình thành tại một khu vực nào đó, gần như không thể tiêu diệt được và việc ngăn chặn sự lây lan trở nên rất khó khăn - một con ngài trưởng thành khỏe mạnh có thể bay tới vài trăm cây số mỗi đêm.
Trong 5 năm qua, loài sâu này đã phát tán khắp Châu Phi, Châu Á và Thái Bình Dương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của Việt Nam đã chính thức công bố báo cáo dịch sâu keo mùa thu từ tháng 4 năm 2019. Theo ước tính, dịch hại này đã ảnh hưởng đến hơn 35.000 ha ngô tại 40 tỉnh.
Việt Nam là một trong 53 quốc gia thí điểm của Kế hoạch hành động toàn cầu kiểm soát sâu keo mùa thu. Đây là một nỗ lực nhằm cung cấp cách tiếp cận mạnh mẽ và phối hợp giúp tăng cường năng lực phòng ngừa và kiểm soát sâu keo mùa thu một cách bền vững.
Trong phần kết luận, báo cáo nói trên của FAO nhấn mạnh rằng việc kiểm soát dịch hại và bệnh xuyên biên giới vừa mang tính kỹ thuật, vừa mang tính quản trị. Từ quan điểm không để ai bị bỏ lại phía sau, dịch hại hay bệnh thực vật nhắc nhở rằng, nhân loại chia sẻ một hành tinh chung và chúng ta chỉ thành công nếu khuôn khổ hợp tác không bị bó hẹp trong biên giới quốc gia.
Trong bối cảnh đó, FAO đang nỗ lực hành động vì một thiết chế công bằng, hợp tác và có năng lực kỹ thuật tốt của các ủy ban cấp khu vực cũng như các tổ chức quốc gia trên cơ sở tin cậy và giúp đỡ lẫn nhau.
FAO sẽ tiếp tục củng cố hơn nữa sự tin tưởng đó - nhưng điều này không thể thay thế cho các Chính phủ - những chủ thể có vai trò quan trọng không kém trong quá trình ấy.