Vừa qua, tại Bạc Liêu, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp Sở NN-PTNT Bạc Liêu tổ chức diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chuyên đề “Giải pháp nâng cao tính bền vững của mô hình canh tác lúa - tôm vùng ĐBSCL”.
Diễn đàn có 260 đại biểu gồm nhà khoa học từ các viện nghiên cứu thủy sản, trường đại học, các doanh nghiệp SX tôm giống, cán bộ Chi cục Thủy sản cùng 160 nông dân ở 8 tỉnh ven biển ĐBSCL tham dự.
Theo Tổng cục Thủy sản, canh tác lúa - tôm phát triển nhanh ở ĐBSCL. Năm 2000 có 71.000ha, đến năm 2015 tăng lên 175.000ha, chiếm hơn 30% diện tích nuôi tôm sú toàn vùng. Sản lượng đạt 75.000 tấn. Trong đó vùng nuôi nhiều tập trung ở Kiên Giang 77.800ha, Cà Mau 42.800ha, Bạc Liêu 29.400ha, Sóc Trăng 17.700ha…
Mô hình lúa - tôm cho năng suất đạt bình quân 300 - 500kg tôm/ha và một vụ lúa đạt 4 - 7 tấn/ha. Chi phí SX khoảng 30 - 35 triệu đồng/ha, lãi đạt bình quân 35 - 50 triệu đồng/ha/năm (tính chung cả tôm và lúa).
Trong SX lúa, các giống được chọn trồng phổ biến như ST, Một bụi đỏ, OM5451, OM2017, OM6377, OM6677… cho năng suất khá cao, song chỉ thích ứng đất ruộng có độ mặn 5 phần nghìn. Riêng vụ tôm, một số địa phương chọn nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng hoặc tôm càng xanh và nuôi ghép cua biển.
Hiện mô hình tôm - lúa quảng canh cải tiến (1 vụ tôm, 1 vụ lúa) phổ biến nhiều ở các vùng chuyên canh lúa năng suất thấp tại Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Mô hình này có diện tích nuôi lớn, mương bao xung quanh, thả nuôi mật độ thấp, không sử dụng thức ăn công nghiệp và không đòi hỏi kỹ thuật cao. Song cần có hệ thống thủy lợi cung cấp nước ngọt cho lúa hoặc nước mặn cho tôm (mùa khô).
Bên cạnh đó, mô hình lúa - tôm bán thâm canh khá phổ biến tại 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh, chủ yếu nông hộ nuôi quy mô nhỏ, khoảng 2 ha/hộ và có xu hướng tăng mật độ thả nuôi...
TS Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nhận định, 8 tỉnh ven biển ĐBSCL có 970.000/1.560.000ha lúa ĐX, chiếm hơn 62% diện tích. Tiềm năng phát triển tôm - lúa còn khá lớn. Diện tích canh tác lúa - tôm có thể đạt tới 200.000 ha/năm, đóng góp khoảng 800.000 tấn lúa/năm. Đặc biệt là phát triển lúa đặc sản chất lượng cao, tôm sạch.
“Tuy nhiên, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình kỹ thuật SX, lựa chọn giải pháp canh tác phù hợp để mô hình ổn định và bền vững. Tiếp tục rà soát quy hoạch chi tiết để phát triển vùng quy hoạch lúa - tôm, đầu tư nâng cấp thủy lợi, SX theo hướng GAP. Trong đó chú ý lựa chọn sử dụng giống lúa chất lượng cao, lúa thơm như ST, OM4900 và 11 giống lúa thích nghi hạn, mặn của Viện Lúa ĐBSCL vừa công bố”, TS Hòa đề xuất.
Ông Trần Tân Khoa, GĐ Cty Hưng Phú, thành viên trong Ban cố vấn diễn đàn cho biết, những vụ tôm - lúa gần đây nông dân Kiên Giang, Bến Tre chọn giống tôm càng xanh cho hoặc nuôi ghép với tôm sú, tôm thẻ cho hiệu quả khá cao. Điều lưu ý là vùng nuôi cần có đê bao khép kín, mật độ thả tôm càng xanh thưa, từ 2 - 3 con/m2, chọn giống cơ sở có uy tín và con giống phải qua xét nghiệm, thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết, thị trường.
Diễn đàn có 13 báo cáo tham luận và hơn 50 câu hỏi củanông dân xoay quanh các vấn đề quy trình kỹ thuật SX, cách lựa chọn tôm giống, lúa giống thích nghi hạn - mặn, sử dụng thuốc thú y thủy sản để cho sản phẩm tôm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm...
Các thành viên trong Ban cố vấn nhấn mạnh 6 giải pháp công nghệ nuôi tôm - lúa. Khuyến cáo các địa phương tiếp tục duy trì mô hình, có kế hoạch xuống giống hợp lý, cải tạo, thiết kế lại đồng ruộng, áp dụng kỹ thuật canh tác và phát triển mô hình theo hướng cộng đồng. Theo đó, mùa khô nuôi tôm quảng canh hoặc quảng canh cải tiến và cua, mùa mưa canh tác xen canh lúa - tôm càng xanh hoặc cua, cá.
ĐBSCL là vùng trọng điểm nuôi tôm nước lợ với 621.000ha, chiếm hơn 91% diện tích nuôi cả nước; sản lượng đạt 484.000ha, chiếm 81% sản lượng tôm nuôi cả nước. Trong 6 tháng đầu năm 2016, toàn vùng có trên 585.000ha nuôi tôm, trong đó nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh hơn 13.000ha, tôm sú quảng canh hơn 539.000ha (gồm tôm - lúa, tôm - rừng, tôm quảng canh cải tiến và quảng canh kết hợp), chiếm 92% diện tích nuôi tôm sú toàn vùng. |