5 tháng đối phó “giặc” lửa
Hơn một tháng qua, nhiều đợt nắng nóng (trung bình từ 39 – 42 độ C) kết hợp gió Lào thổi mạnh đã khiến khoảng 110.000 ha rừng của tỉnh Hà Tĩnh nâng mức cảnh báo cháy lên cấp III, cấp IV. Dự báo từ nay đến hết tháng 9 nắng nóng tiếp tục gia tăng nên việc đối phó “giặc” lửa phải cảnh giác hơn bao giờ hết.
Trao đổi với Báo NNVN, ông Phan Thanh Tùng, Trưởng phòng Bảo vệ rừng và Bảo tồn thiên nhiên – Chi cục Kiểm lâm Hà Tĩnh cho hay, tính đến ngày 8/6 trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 4 điểm phát lửa, trong đó 1 điểm ngày 6/6 tại xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà gây cháy làm thiệt hại 2,1ha rừng.
Mặc dù mới đầu hè, song nền nhiệt trung bình tại Hà Tĩnh cao hơn so với những năm trước, do đó, diện tích rừng có nguy cơ cháy rất cao được xác định lên đến hơn 82.000 ha, trải đều trên địa bàn 12 huyện, thị xã.
BQL Rừng phòng hộ Ngàn Phố được giao quản lý gần 26.000 ha rừng; với gần 1.000 hộ/11 xã nhận khoán chăm sóc, bảo vệ. Hiện đã có khoảng 5.000 ha nằm trong diện “báo động đỏ”, có nguy cơ phát lửa, gây cháy rừng bất cứ lúc nào; tập trung nhiều ở các xã Sơn Lệ, Sơn Tiến, Sơn Lâm, Sơn Giang, An Hòa Thịnh, Kim Hoa...
Để phát hiện sớm, ngăn chặn lửa bén vào rừng, Ban quyết định hỗ trợ kinh phí thông tin liên lạc cho các tổ trực vùng trọng điểm có nguy cơ cháy và phân công tổ trưởng điều hành việc trực gác. Các trạm bảo vệ rừng phải sử dụng máy định vị GPS trong việc tuần tra, kiểm tra để xác định vị trí, đường đi, tọa độ, tránh trường hợp báo cáo không trung thực trong thực hiện nhiệm vụ.
Ông Nguyễn Văn Thành, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hương Sơn cho rằng, thời điểm này công tác phòng cháy chữa cháy rừng trên địa bàn bước vào giai đoạn căng thẳng nhất. Bởi ngoài thời tiết nắng nóng kéo dài thì gió Lào thổi mạnh đã khiến cho thảm thực bì khô khốc, cực kỳ dễ bốc cháy.
“Đến bây giờ công tác phòng cháy chữa cháy rừng, chúng tôi đang thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, với thực trạng biến đổi khí hậu gia tăng như mấy năm nay, giải pháp căn cơ, lâu dài cần phải làm để bảo vệ “lá phổi xanh” là bố trí nguồn kinh phí riêng dành cho việc xây dựng công trình phòng cháy, xử lý thực bì, phát đường băng ngăn cháy lan và đường ranh cản lửa giữa các hộ”, ông Thành nói.
Đồng thời ông cũng cho hay, lâu nay kinh phí thực hiện các nội dung trên đã có nhưng theo kiểu lấy ô này đập ô kia, chưa có nguồn lực riêng nên tính hiệu quả đang hạn chế.
Huyện Hương Sơn có tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp hơn 84.000 ha. Trong đó, diện tích rừng đã giao cho 18 cộng đồng và 5.917 hộ gia đình, cá nhân là hơn 21.800 ha. Đây là những diện tích đang được giám sát phòng cháy chữa cháy rừng chặt chẽ nhất nhằm tránh để lặp lại các vụ cháy rừng do bất cẩn như năm 2019.
“Năm ngoái một người dân ở xã Sơn Hồng đốt ong và một người ở xã Sơn Trung đốt rơm gây cháy rừng đều bị xử lý hình sự. Đành rằng những người này không cố ý, song để tăng tính răn đe việc khởi tố là cần thiết và đây cũng là bài học đắt giá trong việc nâng cao ý thức bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cho người dân của cơ quan chức năng và chính quyền địa phương”, ông Thành nói thêm.
Lấy dân có rừng làm lực lượng nòng cốt
Trước khi bắt đầu mùa nắng nóng, các cơ quan chức năng phối hợp chính quyền địa phương đã yêu cầu chủ rừng xây dựng phương án phòng cháy chữa cháy rừng. Điểm đặc biệt năm nay, trong giải pháp “4 tại chỗ”, thay vì lấy lực lượng Kiểm lâm, chủ rừng (tổ chức, địa phương) làm nòng cốt thì hộ dân trực tiếp nhận khoán rừng được chọn làm lực lượng nòng cốt tại chỗ.
“Việc giao trách nhiệm tự chủ hộ xây dựng phương án sẽ tăng hiệu quả công tác phòng cháy chữa cháy rừng hơn, bởi chủ hộ là người hiểu rõ đặc điểm, địa hình rừng của gia đình mình nhất. Khi xảy ra sự cố cũng sẽ kịp thời phát hiện, xử lý đám cháy”, ông Nguyễn Hữu An, Trưởng BQL Rừng phòng hộ Ngàn Phố phân tích.
Còn nhớ, năm 2019 mặc dù đã chuẩn bị phương án phòng cháy chữa cháy rừng rất bài bản, song khi rừng cháy đồng loạt, quy mô lớn, Hà Tĩnh phải “cầu cứu” sự chi viện của tỉnh Nghệ An.
Do đó, rút kinh nghiệm năm ngoái, năm nay Hà Tĩnh lên phương án điều động lực lượng Quân đội, Bộ đội biên phòng, Công an, Nông nghiệp và PTNT ít nhất là 500 người, cùng với các dụng cụ, phương tiện sẵn sàng tham gia ứng cứu khi có cháy rừng lớn xẩy ra.
Cấp huyện, xã, chủ rừng cũng thành lập 341 tổ, đội xung kích, với hơn 7.900 người tham gia sẵn sàng “4 tại chỗ” chữa cháy rừng.
Đặc biệt, từ đầu năm chính quyền các địa phương, các đơn vị chủ rừng trên địa bàn Hà Tĩnh đã ưu tiên nguồn lực làm mới, tu sửa hơn 130 km đường băng cản lửa; 28 chòi canh lửa; 2.730 biển báo; xử lý thực bì giảm vật liệu cháy rừng 2.529 ha; mua sắm 383 máy thổi gió; 92 cưa xăng và nhiều công cụ, dụng cụ khác phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng.