| Hotline: 0983.970.780

Năng suất lúa mùa của Hải Phòng giảm 50%

Thứ Hai 21/10/2024 , 08:00 (GMT+7)

HẢI PHÒNG Hiện các diện tích lúa vụ mùa ở Hải Phòng đang thu hoạch, năng suất lúa toàn Thành phố giảm khoảng 50% so với bình thường.

Hàng nghìn ha lúa như chết khô

Gần một tháng sau bão số 3, cả nghìn ha lúa ở Hải Phòng được thống kê thiệt hại trên 70% đang trong tình trạng bị cháy lá, gần như chết khô, nhìn từ xa tựa như vừa bị phun thuốc diệt cỏ. Nhiều cánh đồng trải dài tại các huyện trồng lúa nhiều như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Lão, Thủy Nguyên… chỉ còn một màu vàng úa, khô héo, xác xơ.

Một cánh đồng lúa như chết khô do bệnh bạc lá, khô vằn hoành hành tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Một cánh đồng lúa như chết khô do bệnh bạc lá, khô vằn hoành hành tại xã Hữu Bằng, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Chị Nguyễn Thị Hà - Giám đốc HTX Sản xuất, Kinh doanh - Dịch vụ nông nghiệp Thụy Hương (huyện Kiến Thụy) cho biết, vụ mùa năm 2024, tổng diện tích lúa của Hợp tác xã hơn 100ha ở các huyện Kiến Thụy, An Lão...  

Trước bão số 3, toàn bộ lúa đang phát triển tốt, tuy nhiên từ sau bão đến nay, sâu bệnh bùng phát mạnh, đặc biệt là khu vực xã Ngũ Đoan và Ngũ Phúc (huyện Kiến Thụy) những cánh đồng lúa hiện đã vàng úa, héo khô, thậm chí có nơi không cho thu hoạch.

Theo chị Hà, nguyên nhân một phần do diện tích ruộng tích tụ để gieo cấy ở khu vực sâu trũng nên trong cơn bão số 3 bị ngập úng dài ngày, dẫn đến bị thối rễ và chết. Phần còn lại do bị rách lá, dập lá tơi tả, tạo điều kiện cho bệnh bạc lá, khô vằn tấn công, khi nắng lên toàn bộ lá bị cháy khiến năng suất sụt giảm mạnh.

Ông Ngô Xuân Linh, trú tại thôn Kim Đới 2, xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy) bên ruộng lúa chỉ toàn hạt lép. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Ngô Xuân Linh, trú tại thôn Kim Đới 2, xã Hữu Bằng (huyện Kiến Thụy) bên ruộng lúa chỉ toàn hạt lép. Ảnh: Đinh Mười.

“Diện tích lúa ở xã Ngũ Đoan (huyện Kiến Thụy) tôi gần như mất trắng, còn ở xã Ngũ Phúc vùng trồng lúa - rươi cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chưa lúc nào tôi thiệt hại nặng và lâm vào kiệt quệ như vụ này”, chị Hà buồn bã.

Tại huyện Thủy Nguyên, anh Nguyễn Văn Hùng có 20ha lúa tại xã Phù Ninh cho biết, hiện tại 2/3 diện tích cấy lúa của gia đình bị thiệt hại trên 70% do bão số 3. Các diện tích lúa còn lại năng suất dự kiến giảm mạnh do sâu bệnh hoành hành. 

"Toàn bộ số tiền bỏ ra đầu tư gần 800 triệu đồng vụ này coi như mất trắng, nợ ngân hàng, tiền vật tư vụ này không biết lấy đâu để trả. “Bão số 3 tàn phá nghiêm trọng, phần thì mất sạch, phần còn lại thì sâu bệnh tấn công. Lúa nếp cái hoa vàng đang vào thời kỳ trổ bông nhưng bị bão đánh gãy, chỉ còn trơ lại lá đòng. Hơn 10 mẫu lúa ST25 và lúa nếp cái trỗ sau bão cũng bị ảnh hưởng nặng nề và sâu bệnh nặng", anh Hùng buồn bã.

Hơn 10 mẫu ruộng cấy muộn của anh Nguyễn Văn Hùng ở huyện Thủy Nguyên tuy vẫn còn xanh tốt nhưng nhiều bông lúa đã chết hẳn, hạt lép rất nhiều. Ảnh: Đinh Mười.

Hơn 10 mẫu ruộng cấy muộn của anh Nguyễn Văn Hùng ở huyện Thủy Nguyên tuy vẫn còn xanh tốt nhưng nhiều bông lúa đã chết hẳn, hạt lép rất nhiều. Ảnh: Đinh Mười.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Kiến Thụy, gần 1 tháng sau bão số 3, hầu hết các xã có diện tích lúa bị ảnh hưởng đến nay đều đã biểu hiện rõ nét. Tổng diện tích lúa của huyện bị thiệt hại trên 70% là 1.967,5ha, trong đó có 700ha lúa bị chết hoàn toàn. Duy chỉ có xã Tân Trào cấy lúa muộn hơn nên diện tích bị ảnh hưởng ít hơn, nhưng năng suất cũng giảm mạnh.

Năng suất giảm chưa từng thấy

Ngoài hàng nghìn ha lúa bị chết và mất trắng, tại nhiều địa phương ở Hải Phòng, các diện tích lúa còn lại năng suất cũng giảm sâu. Bà Nguyễn Thị Dung, Trưởng thôn Xuân Chiếng (xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy) cho biết, trong 50ha lúa của thôn, có hơn 10ha bị ngập úng, thiệt hại hoàn toàn. Những diện tích có thể cho thu hoạch thì lá bị dập tả tơi, quang hợp kém, thêm bệnh bạc lá bùng phát mạnh nên năng suất giảm sâu, dự kiến chỉ đạt 30 tạ/ha.

“Đứng trên bờ nhìn lúa có vẻ đẹp nhưng lại gần thì mỗi bông chỉ được khoảng 1/3 hạt chắc, còn với 10ha lúa cấy muộn, nhìn từ xa thì thấy còn xanh tốt nhưng thực tế bông bị lép hết cả rồi, không chín nổi”, bà Dung bộc bạch.

Những ruộng lúa còn cho thu hoạch tỷ lệ hạt chắc chỉ đạt 1/3. Ảnh: Đinh Mười.

Những ruộng lúa còn cho thu hoạch tỷ lệ hạt chắc chỉ đạt 1/3. Ảnh: Đinh Mười.

Tại huyện Vĩnh Bảo, bão số 3 đã gây thiệt hại khoảng 50% diện tích lúa, tương đương 4.000ha. Đến nay, theo đánh giá sơ bộ của cơ quan chuyên môn, những vùng lúa cho thu hoạch tỷ lệ hạt chắc rất thấp, năng suất không đồng đều, dự kiến mỗi ha chỉ cho thu hoạch được khoảng 35 tạ.

“Xã chúng tôi có hơn 300ha trồng lúa vụ mùa thì toàn bộ gần như bị ảnh hưởng do bão số 3. Hiện lúa đã chín và đang gặt, tuy nhiên sản lượng dự kiến giảm 60% do lúa cấy muộn, gặp bão khi đang làm đòng, dẫn đến năng suất thấp hơn nhiều so với các vùng lân cận”, ông Đinh Xuân Thắng – Bí thư Đảng ủy xã Giang Biên thông tin.

Tại huyện An Lão, địa phương này có hơn 3 nghìn ha lúa mùa thì hơn 2 nghìn ha bị thiệt hại khoảng 70% trở lên do bão số 3, nhiều cánh đồng bị ngập lụt khiến lúa đang thời kì làm đòng bị thối, hư hỏng, đến giờ đã có hơn 1 nghìn ha bị thiệt hại toàn bộ cùng 200ha bị bệnh bạc lá, khô vằn gây hại nặng, lá bị cháy khô. Các diện tích cho thu hoạch năng suất cũng rất thấp, bị lép nhiều, dự kiến chỉ đạt trung bình từ 30 - 34 tạ/ha, chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái. Các địa phương bị thiệt hại nhiều nhất là các xã như An Thái, An Thọ, Bát Trang, Mỹ Đức...

Những ruộng lúa cấy muộn trông vẫn còn màu xanh nhưng tỷ lệ hạt lép rất cao. Ảnh: Đinh Mười.

Những ruộng lúa cấy muộn trông vẫn còn màu xanh nhưng tỷ lệ hạt lép rất cao. Ảnh: Đinh Mười.

Theo số liệu thống kê, toàn thành phố Hải Phòng vụ mùa 2024 có 28.000ha lúa, trong đó hơn 9.000ha bị ảnh hưởng trên 70%, 8.000ha bị ảnh hưởng từ 30% đến 70% do bão số 3 và hoàn lưu bão. Ông Ngô Trung Kiên - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng đánh giá, đây là vụ sản xuất lúa chịu thiệt hại nặng nề nhất trong lịch sử ở địa phương. 

“Sau bão, cơ quan chuyên môn đã đánh giá thiệt hại, tuy nhiên khi nắng lên, mức độ thiệt hại càng trở nên rõ ràng hơn. Toàn bộ số diện tích lúa bị thiệt hại hoàn toàn lên tới hơn 9.000ha. Năng suất lúa dự kiến giảm khoảng 50% so với mức bình thường”, ông Ngô Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hải Phòng cho hay.

Xem thêm
Nuôi dê chủ yếu bằng trái cây

ĐẮK NÔNG Thức ăn của đàn dê chủ yếu là những thứ có sẵn trong vườn như mít, chuối, cỏ ngọt nên thịt dê đạt chất lượng cao, thương lái 'tranh nhau mua'.

Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Phủ xanh quần đảo Trường Sa

Giữa mênh mông biển khơi, đoàn cán bộ của Viện Khoa học Kỹ thuật nông nghiệp miền Nam vẫn quyết tâm vượt sóng gió, đưa cây, con giống ra phủ xanh quần đảo Trường Sa.