| Hotline: 0983.970.780

Nặng tình người - ngựa

Thứ Tư 26/02/2014 , 11:06 (GMT+7)

Xe ngựa ở vùng Thất Sơn là nét văn hóa lâu đời, là nét chấm phá, điểm xuyết cho bức tranh “sơn thủy hữu tình” ở vùng đất này.

Nếu ở Châu Thành, Bến Tre, xe ngựa được trang trí lộng lẫy để chở khách du lịch, thì ở vùng Thất Sơn, An Giang, làng xe ngựa của đồng bào Khmer đã có từ cả trăm năm trước, lại rất thô sơ, mộc mạc, và là một phương tiện giao thông “đa năng”: chở hàng hóa, nông sản, chở nông dân ra ruộng, chở khách tham quan…

>> Vua ngựa
>> Những nữ xà ích

TRĂM NĂM NHẠC NGỰA CÒN NGÂN

Về đến địa phận xã Vĩnh Trung, huyện Tịnh Biên, một trong những làng xe ngựa lâu đời nhất vùng Bảy Núi, bắt đầu xuất hiện những chiếc xe ngựa. Tiếng vó ngựa nhịp nhàng gõ xuống mặt đường cứng lộp cộp, tiếng lục lạc trên cổ leng keng lúc khoan khi nhặt theo nhịp lúc lắc của cái đầu con ngựa, lâu lâu, chiếc chuông của người xà ích lại rung lên…

Tất cả những âm thanh ấy hòa thành một bản nhạc rộn rã trong cái nắng, gió hanh hao vùng biên giới Tây Nam, trong tiếng rì rào của những ngọn thốt nốt.

“Về Thất Sơn mà không nhìn thấy xe ngựa, thấy thiêu thiếu”, anh bạn thổ địa ở thị trấn Nhà Bàng, huyện Tịnh Biên, nói với tôi. Đến trung tâm xã Vĩnh Trung, thấy trong quán cà phê gần chợ, có hơn chục người đàn ông đang túm tụm quanh chiếc bàn nhỏ vừa uống nước vừa trò chuyện rôm rả bằng tiếng Khmer, anh bạn đi cùng nói: “Mấy ổng đánh xe ngựa không đó, anh vào mà hỏi, hay lắm đó”, rồi tấp xe vào.

Nghe tôi hỏi giá đi Nhà Bàng, người đàn ông lớn tuổi nhất ngồi gần tôi giới thiệu tên Danh Khan, ra giá: “200 ngàn. Nhưng anh kiếm thêm mấy người nữa đi chung cho rẻ. Ngựa có thể kéo 5 - 6 người, tính luôn tui. Chia ra mỗi người hết có mấy chục ngàn, rẻ hơn xe ôm nhiều, lại được ngắm cảnh”.

Nghe tôi hỏi: “Xe ngựa ở vùng Thất Sơn có từ khi nào?”, ông Danh Khan nói: “Chính xác thì không biết, nhưng từ đời ông nội tui đã làm nghề này rồi. Ngày xưa toàn đường nhỏ, đường đất, đi lại khó khăn chứ làm gì có đường to, đường nhựa. Phương tiện đi lại, chuyên chở hàng hóa, cây trái… cũng chủ yếu là xe ngựa. Hồi đó đi đâu cũng thấy xe ngựa. Mọi sinh hoạt hằng ngày gắn liền với xe ngựa: Đi chùa, đi lễ, tết, ra ruộng hay đưa đón cô dâu trong ngày cưới… tất cả đều xe ngựa”.

Vĩnh Trung là xã có nhiều xe ngựa nhất ở Tịnh Biên, tập trung ở khu vực gần chợ lúc sáng sớm. Đến khoảng 9 giờ, nếu xe nào “ế” cũng bắt đầu rong ruổi trên đường để tìm khách. Anh Thạch Khal, một người chuyên đánh xe ngựa dạo ở Vĩnh Trung nói: Tui chạy xe từ năm 26 tuổi, nay 36 rồi. Từ đó giờ tui toàn chạy xe dạo, cứ cho ngựa rong ruổi trên đường, ai có nhu cầu thì ngoắc mình. Mỗi ngày cũng kiếm được vài ba trăm, đủ lo cho gia đình.

Trong khi xe ngựa ở các vùng miền khác như Bình Dương, Đà Lạt hay Bến Tre… thường có mái che, trang trí đẹp để chở khách du lịch, thì xe ngựa vùng Tri Tôn, Tịnh Biên, rất đơn giản: Không có mái che, không có tay vịn, gầm thấp.

Bởi vì xe ngựa ở đây chủ yếu dùng để phục vụ SX, chở hàng hoá từ nhà, từ ruộng ra chợ trong điều kiện địa hình giao thông khó khăn, lúc đồi núi, lúc lại ruộng đồng như vầy. Thời gian qua đi, xe ngựa “đa năng” hơn, không chỉ chở hàng hóa, nông sản, mà còn chở bà con đi chùa vào các dịp lễ lớn như: Dolta (lễ cúng ông bà), Chol chnam thmay (tết cổ truyền), làm xe rước dâu trong lễ cưới…

Và, vài năm trở lại đây, xe ngựa vùng Bảy Núi bắt đầu kiêm thêm chức năng nữa là đưa khách du lịch rong ruổi khắp các nẻo đường Thất Sơn.

SỐNG CHẾT VỚI NGỰA

Những năm gần đây, đường giao thông ở vùng Thất Sơn đang ngày một tốt lên, không còn những địa hình hiểm trở, khó đi nữa. Bên cạnh đó, các phương tiện giao thông hiện đại ngày một nhiều. Vì thế, xe ngựa mất dần vị thế, nhiều người đã phải bán xe ngựa, mua xe máy rẻ tiền để mưu sinh bằng nghề xe ôm. Hiện nay, hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên còn chừng gần 100 xe ngựa, tập trung tại các xã: An Tức, Ô Lâm (Tri Tôn), Vĩnh Trung, Văn Giáo, Tân Lợi (Tịnh Biên).

"Giờ đường sá tốt rồi, xe máy, xe tải, ba gác, xe gì cũng có. Nên chạy xe ngựa không đủ sống. Nếu có điều kiện, có ruộng thì đổi nghề, nhưng mà không có, nên phải theo xe ngựa”, anh Chau Neh, người đã gắn bó với xe ngựa ngót nửa cuộc đời, nói.

Tôi hỏi: “Nếu có điều kiện đổi nghề thì xe, ngựa bán đi chứ?”. Anh nói chắc nịch: “Bán xe thôi, còn ngựa không bán đâu”. “Không còn xe nuôi ngựa làm gì?”. Nghe tôi hỏi, anh Chau Neh vừa vuốt ve cái đầu con ngựa vừa nói: “Nó gắn bó với gia đình gần 20 năm rồi đấy. Sống chết với nó chứ không bán đâu. Bán ngựa khác gì bán con”.

Có lẽ, anh không chỉ nói cho mình tôi nghe. Con ngựa gục gặc cái đầu, dụi vào tay anh như hiểu ý chủ. “Có nhiều gia đình, ngựa đã gắn bó mấy đời. Nghề chạy xe ngựa tuy không ai giàu được, nhưng nó vẫn là “cần câu cơm” của rất nhiều gia đình. Những người bán ngựa, bán xe chẳng qua vì đường cùng mà thôi”, anh Chau Neh nói tiếp.

Gặp người đàn ông đang ngồi trầm ngâm trên chiếc xe ôm đợi khách bên đường, chúng tôi ghé lại bắt chuyện và được biết, anh tên Thạch Trung, năm nay 46 tuổi, ở xã Văn Giới, huyện Tịnh Biên, một trong số những người đã bán xe ngựa, chuyển sang chạy xem ôm.

Giọng buồn buồn, anh Thạch Trung tâm sự: “Tôi theo cha chạy xe ngựa từ nhỏ. Nhưng cách đây 2 năm, thấy xe ngựa thu nhập bấp bênh quá nên bán cả ngựa, xe cho một người trong xã, lấy tiền mua chiếc xe máy về chạy xe ôm. Sau đó về mới hối hận, cứ mỗi lần ra nhìn cái chuồng trống không là lại nhớ con ngựa.

Nhiều lần tôi đang chạy xe, nghe tiếng hí dài phía sau, dù không nhìn lại, biết ngay là con ngựa của mình. Nó cũng nhận ra tôi… Lúc ấy, người chủ mới dừng xe, cho tôi lại vuốt ve con ngựa. Còn nó thì cứ lúc lắc cái đầu, đôi mắt nó nhìn tui buồn lắm”.

Còn ông Chau S’men, một người đã gần trọn đời gắn bó với xe ngựa, cũng nói: "Mấy năm nay, chạy xe ngựa bết lắm. Có người đến hỏi mua ngựa, nhưng tôi kiên quyết không bán. Nghề này đã giúp cha mẹ tôi nuôi mấy anh em, đến lượt tôi cũng nhờ xe ngựa mà nuôi 5 đứa con lớn khôn. Làm sao bán nó đi được. Giờ tôi già, mắt kém, không cầm cương được nữa, xe tôi giao lại cho cháu. Mỗi ngày không thấy xe, không được vuốt ve con ngựa, thấy buồn, nhớ lắm”.

Có thể nói, xe ngựa ở vùng Thất Sơn là nét văn hóa lâu đời, là nét chấm phá, điểm xuyết cho bức tranh “sơn thủy hữu tình” ở vùng đất bán sơn địa, đẹp như tranh và đầy huyền bí này thêm đẹp. Bởi thế, dù xe ngựa ngày một ít đi, nhưng tôi tin nó sẽ vẫn tồn tại. Bởi chính những người nông dân chất phác, thủy chung kia sẽ gìn giữ chiếc “cần câu”, cũng là món ăn tinh thần của họ.

"Xe ngựa không chỉ là phương tiện giao thông mà còn là "cần câu cơm" của bà con Khmer vùng Bảy Núi này từ nhiều đời, đồng thời là một nét văn hóa rất đặc trưng. Chính vì thế, tôi đã thực hiện một đề án thành lập đội xe ngựa phục vụ khách du lịch tham quan. Hy vọng đề án sẽ được các Cty du lịch hưởng ứng để bảo tồn nét văn hóa và người dân cũng có thu nhập ổn định”, anh Chau Chanh, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Tri Tôn.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm