| Hotline: 0983.970.780

Nắng và gió Tây Nam chưa bao giờ như bây giờ

Thứ Tư 26/06/2019 , 08:47 (GMT+7)

Những ngày vừa qua hay nói đúng hơn đã gần 3 tháng nay trời đất xứ Nghệ hầu như không có mưa. Nắng nóng cứ kéo dài hết ngày này qua ngày khác.

Trời đã nắng và nóng lại càng nóng dữ hơn bởi những đợt gió Tây Nam (còn gọi gió Nam Lào) thổi mạnh suốt cả ngày đêm.

14-38-41_nng_gio_ty_nm
Đất ruộng khô nẻ, lúa héo quắt, nhiều ruộng lúa đã chết khô.

Cái đặc thù của gió Tây Nam là khô nóng, khô và nóng đến mức mặt đường rải nhựa, nhựa cũng phải chảy ra làm ướt dính mặt đường; nóng quá làm cho da người khô rát, ngứa ngáy, khó chịu, nóng đến nỗi quần áo ướt phơi trong nhà sau không đầy 1 giờ đồng hồ đã khô giòn.

Nhưng để đo mức độ nắng và nóng đến đâu thì hãy đi trên những cánh đồng lúa chẳng phải đâu xa mà ngay ở các xã quanh thành phố Vinh như xã Hưng Tây, Hưng Trung, Hưng Yên, Hưng Thắng, Hưng Tiến… ở huyện Hưng Nguyên và các xã Nghi Vạn, Nghi Hòa, Nghi Phương, Nghi Thuận, Nghi Hương, Nghi Đồng, Nghi Long… của huyện Nghi Lộc.

Riêng cả 2 huyện Hưng Nguyên và Nghi Lộc đã có gần 8.000ha lúa đất ruộng khô nẻ, lúa héo quắt, nhiều ruộng lúa đã chết khô. Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Lý ngay trên thửa ruộng của chị thuộc cánh đồng lúa hè thu rộng mênh mông khoảng 60 - 70ha ở xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên.

Gặp chúng tôi, chị khóc, chúng tôi hỏi sao chị phải khóc, chị kể: Vụ hè thu này nhà tôi gieo cấy 6 sào lúa, từ hôm gieo cấy xong lại nay trời không mưa, nước kênh Kẻ Gai từ bara Nam Đàn chảy về cạn đáy không bơm, tát được. Các anh thấy đó, cuộc sống của gia đình nhờ vào cây lúa, lúa chết vì hạn thì chúng tôi sống bằng cái gì. Tôi khóc cho cây lúa và cũng khóc cho chính tôi.

Miền Trung đang hứng chịu một đợt nắng nóng khủng khiếp. Ảnh: Thủy Anh.

Nghe chị Lý nói, chúng tôi thương vô cùng người nông dân vất vả vì cây lúa, mưu sinh cũng từ cây lúa. Bây giờ nắng nóng và hạn hán đang từng ngày kéo dài làm cho bao nhiêu hy vọng ở cây lúa trong vụ hè thu này mờ mịt dần.

Từ hình ảnh của chị Nguyễn Thị Lý trên cánh đồng lúa hè thu ở xã Hưng Tây thúc giục chúng tôi tiếp tục đi giữa trời nắng to như đổ lửa, lên các huyện miền núi cao Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Con Cuông, Tương Dương... Thật bất ngờ, cái nắng và nóng ở các huyện này còn ghê gớm hơn các huyện miền xuôi.

Tại huyện Tương Dương những ngày vừa qua nhiệt độ luôn luôn ở ngưỡng 41 - 43oC. Chúng tôi đến xem con đập Nậm Khủn ở bản Tam Liên, xã Tam Quang, con đập này là nơi cung cấp nước cho 2 bản Tam Liên và Bãi Sở gieo cấy lúa mỗi năm 2 vụ ổn định. Nhưng hôm nay con đập nước trong lòng khô trơ đáy, ruộng lúa 2 bản nói trên đang chết héo dần.

Gặp chúng tôi đang đứng trên thân đập, ông Vi Văn Sởi, một lão nông ở bản Tam Liên cho biết: Chưa bao giờ đập Nậm Khủn khô cạn nước như bây giờ và cũng chưa bao giờ hàng chục ha lúa ở xã Tam Quang của chúng tôi khô nẻ đất như hôm nay.

Ruộng đồng khô khốc. Ảnh: Thủy Anh.

Ông Vi Văn Sởi còn nói thêm, mới ngày hôm qua cái ruộng nhà tôi ngay dưới chân đập nước còn lút gần một đốt ngón tay, mà hôm nay khô cạn kiệt. Nắng và gió Nam Lào tiêu hao nước khủng khiếp.

Trên đường về, chúng tôi rẽ vào xã Mậu Đức thuộc huyện Con Cuông ở gần bên cạnh dòng sông Lam. Xã Mậu Đức khá rộng, dân số đông, phần lớn họ là đồng bào dân tộc Thái, Thổ và Kinh…

Khi chúng tôi đến, anh Lang Văn Lý, một cán bộ của UBND xã nói ngay, nguy lắm, nguy lắm các anh ơi, hơn 100ha lúa và nhiều cây trồng khác như ngô, mía, sắn bị khô cháy hết, nước sông, suối, khe, đập… tất cả đều khô cạn kiệt.

Lo nhất bây giờ là nước uống cho dân. Hầu hết giếng đào, giếng khoan của các hộ đã khô kiệt, UBND huyện và xã đã có chủ trương khuyến cáo và hỗ trợ xi măng cho các hộ dân khoan, đào thêm giếng nước mới ở gần các khe suối và dưới chân núi để dễ dàng tiếp cận với nguồn nước ngầm cạn hơn.

Có một câu hỏi mà đến đâu người dân cũng hỏi chúng tôi: Khả năng đến bao giờ thì trời có mưa xuống? Câu hỏi thật sự không ai trả lời được và chúng tôi chỉ biết nói với bà con là cố gắng chống hạn đến cùng và mong trời sớm có mưa để cây lúa bớt chết, người và gia súc có nước uống đỡ vất vả.

Lại thêm một câu hỏi dành cho những người quan tâm đến sản xuất nông nghiệp, đó là: Đến thời điểm hiện nay cả tỉnh có bao nhiêu diện tích lúa bị hạn hán nặng, đất đai khô nẻ, cây lúa đang có nguy cơ chết khô.

Theo anh Trương Minh Châu - Trưởng phòng quản lý khoa học và công nghệ thuộc Sở NN-PTNT thì tại thời điểm này có hơn 12.000ha lúa đã và đang bị hạn hán rất nghiêm trọng, nhiều diện tích lúa đã khô héo.

Nhưng với cái nắng nóng và gió Nam Lào như hiện nay thì ngày hôm nay là 12.000ha, đến hết ngày mai sẽ tăng thêm 1.000 - 2.000ha nữa là chuyện tất nhiên. Vì vậy con số 12.000ha là con số của ngày hôm nay và những ngày tiếp theo sẽ khác. Nắng không giảm, gió Nam Lào ngày càng thổi mạnh, nhiệt độ không khí mấy ngày nay liên tục ở mức 39 - 43oC.

Nắng nóng khiến ruộng ngô khô cháy. Ảnh: Thủy Anh.

Tình hình quá khắc nghiệt. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Thanh Quý cùng lãnh đạo Sở NN-PTNT đi xuống các địa phương kiểm tra, bàn biện pháp chống hạn, giao các công ty thủy nông huy động hết các loại máy bơm dầu, bơm điện, máy bơm mini giúp các huyện, các cơ sở sản xuất chống hạn cho cây trồng và nước sinh hoạt cho người.

Chủ tịch tỉnh giao yêu cầu ngành nông nghiệp bố trí cán bộ đến tận từng cơ sở sản xuất để chống hạn bằng mọi giải pháp tốt nhất, nhanh nhất, hiệu quả nhất trong lúc nguy cấp này.

Nắng nóng vẫn còn tiếp tục

Những ngày tới, theo Đài khí tượng thủy văn Bắc Trung Bộ thì nắng nóng vẫn chưa dừng lại, nguy cơ hạn hán sẽ còn tiếp tục chưa biết đến bao giờ. 

Như vậy 58.000ha lúa hè thu và 27.000ha lúa mùa sớm đã gieo cấy xong, không những hiện đã có hơn 12.000ha đất đai khô nẻ, lúa đang chết héo khô dần và số diện tích này sẽ còn tiếp tục tăng lên 20.000ha hoặc nhiều hơn nữa trong những ngày tới.

Vì thông thường mùa nắng nóng và gió Nam Lào ở Nghệ An kéo dài suốt từ tháng 6, 7 và thậm chí sang cả đầu tháng 8. Do đó khả năng mất mùa vì nắng hạn vụ lúa hè thu năm nay ở Nghệ An rất khó tránh khỏi. và gió Nam Lào đang đốt cháy lúa hè thu ở Nghệ An.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.