Ngày 6/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin tung ra đòn trả đũa mạnh đối với các nước đang áp dụng các lệnh cấm vận chống lại điện Kremlin, bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng Ukraine và sự can thiệp của Nga vào vùng Crimea.
Cụ thể, Nga tạm thời cấm nhập lương thực và sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ, các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), Australia, Canada và Nauy.
Một ngày sau, danh sách các mặt hàng bị cấm nhập đã được đưa ra, bao gồm trái cây, rau củ, thịt, sữa và các sản phẩm từ sữa. Lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài trong một năm. Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev còn tuyên bố Nga đang cân nhắc cấm nhập cả xe hơi, thiết bị hàng không, thậm chí cấm các tàu phương Tây cập cảng.
Trong khi biện pháp trả đũa của Nga được truyền thông nước này ca ngợi, Mỹ nhanh chóng lên tiếng cho rằng, việc cấm vận chống cấm vận của Nga sẽ khiến Kremlin thiệt hại hơn nhiều so với phương Tây, có thể dẫn tới hệ quả là nước Nga phải chịu áp lực lạm phát lớn do giá lương thực tăng.
Theo David S. Cohen, quan chức Bộ Tài chính Mỹ, động thái của Nga là “nực cười” bởi Nga đang tự hạn chế nguồn cung thực phẩm của mình trong khi đang là nước NK lương thực, thực phẩm lớn thứ 5 thế giới.
Về phần mình, Ủy ban châu Âu (EC) cũng ra tuyên bố nhấn mạnh rằng EU sẽ “có biện pháp trả đũa nhanh chóng và tương xứng”. Nhưng việc đầu tiên của EU là nhanh chóng định hướng lại thị trường, tìm kiếm các cơ hội thay thế thị trường Nga.
Những diễn tiến này đặt ra câu hỏi cuộc chiến nông sản sẽ đi về đâu, ai lợi, ai thiệt, hoặc ai thiệt nhiều hơn.
Tiến sỹ Gordon M. Hahn, chuyên gia tư vấn địa chiến lược và dự báo ở Chicago, Mỹ tỏ ra nghi ngờ biện pháp trả đũa của Nga sẽ giúp các nhà SX, kinh doanh thực phẩm của Nga được lợi. Ông cho rằng giá lương thực ở Nga về lâu dài sẽ tăng lên, thậm chí có thể dẫn tới thiếu hụt một số loại thực phẩm và làm tăng lạm phát.
Vị giáo sư đang giảng dạy tại Đại học Stanford cũng cho rằng, các nhà SX nông sản của EU và Ukraine sẽ bị thiệt hại nặng và theo dây chuyền, gây hại cho nền kinh tế châu Âu nói chung khi kết hợp với những lệnh cấm vận mà EU áp dụng với Nga. Cả Nga và EU đều đối mặt với nguy cơ suy thoái kinh tế và điều này cũng đồng nghĩa là cả nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng.
Theo giáo sư Hahn, do không muốn can thiệp quân sự vào miền Đông Ukraine và cũng do phương Tây tăng cường các biện pháp chống Nga, tổng thống Putin đã chọn dùng biện pháp trả đũa phi quân sự.
EU hứng chịu nhiều hơn Mỹ
“Điều rõ ràng là Nga đã và sẽ luôn là một nhân tố chính trong nền kinh tế thế giới”, Ivan Kapitonov, một chuyên gia kinh tế của điện Kremlin nói. Theo ông, “điều không rõ là vì sao người ta cảm thấy hợp lý khi trừng phạt một trong những đối tác quan trọng như Nga bằng việc cấm vận mà không dựa trên cơ sở đúng đắn nào. Chúng tôi đang được cho là phải chịu trách nhiệm cho những thứ chúng tôi không có liên hệ”.
Theo ông Kapitonov, sự phi logic liên quan đến các lệnh cấm vận của phương Tây hé lộ mục tiêu thực sự: Thứ nhất là ép Nga thay đổi những nguyên tắc của nước này trong việc thực thi chính sách độc lập về kinh tế và ngoại giao. Thứ hai là mở đường cho các ty của phương Tây chiếm lĩnh hệ thống kinh tế thế giới.
Tuy nhiên, vị chuyên gia Nga nói, các biện pháp trả đũa của Nga sẽ chủ yếu ảnh hướng tới EU chứ không phải là Mỹ. Ông cho rằng nếu đụng độ tiếp tục, các nước EU sẽ sớm nhận thấy họ là những người thất bại trước tiên.
Theo Kapitonov, cấm nhập thực phẩm từ phương Tây đồng nghĩa với việc Nga sẽ tìm các nguồn NK thay thế và chắc chắn làm lợi cho các nhà SX trong nước, thúc đẩy việc XNK qua lại giữa Nga, Belarus, Kazakhstan. Chính phủ Nga sẽ đầu tư thêm vào nông nghiệp. Còn trong trường hợp những gì Nga không SX được, họ có thể NK từ khối Kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).
“Việc Nga đáp trả các lệnh cấm vận của phương Tây cho thấy một điều rất rõ ràng rằng gia tăng áp lực không dẫn tới sự đầu hàng của Kremlin”, Matthew Rojansky, giám đốc Học viện Kennan (Mỹ) nói. Vị chuyên gia về quan hệ của Mỹ với các nước thuộc Liên Xô trước đây cho rằng, thậm chí ngược lại, ông Putin đang sẵn sàng “bước lên thảm đấu” vì Ukraine đã trở thành vấn đề sống còn đối với tương lai chính trị của ông.
“Nếu nghĩ rằng chỉ một vài điểm phần trăm GDP suy giảm sẽ khiến ông ta (Putin) đổi ý thì bạn đã phạm sai lầm. Thậm chí cả trong dài hạn, suy giảm kinh tế có thể lan rộng ở Nga như đã từng xảy ra thì điều đó cũng không diễn ra”, Rojansky nói. Theo ông, cho dù các biện pháp cấm vận và phản cấm vận có khiến kinh tế Nga bị cô lập thì cũng không có thay đổi lớn trong tương quan giữa các bên.
Trên đây mới chỉ là vài nhận định về “cuộc chiến” Nga - phương Tây qua những biện pháp đã được các bên áp dụng và tình thế hoàn toàn có thể thay đổi khi các biện pháp tiếp theo được thông qua.
Nikolay Pakhomov, nhà khoa học chính trị, chuyên gia thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế của Nga nhận định: “Lãnh đạo Nga cần tối thiểu hóa những ảnh hưởng tiêu cực từ lệnh cấm vận và nói chung là họ đã thành công. Và cũng rất có thể Nga sẽ còn áp dụng những biện pháp mạnh khác, ví dụ cấm hàng không phương Tây bay qua lãnh thổ của mình hoặc cấm cung cấp titan cho hãng máy bay Boeing của Mỹ, việc này sẽ khiến “ông lớn” này tê liệt”.
Theo ông Pakhomov, điều quan trọng cần tính đến là nhiều nước đã sẵn sàng cung cấp cho Nga những sản phẩm thay thế hàng nhập từ phương Tây, ví dụ Morrocco, Ai Cập, Iran, trong khi các quốc gia này lại cần nhập một số loại nông sản Nga, đặc biệt là ngũ cốc. Họ có thể thực hiện hàng đổi hàng mà không cần tiêu tốn USD hay euro.
“Danh sách các nước có thể cung cấp hàng thay thế rất dài, từ Chile tới Uzbekistan, Brazil, Serbia hay Việt Nam”, Pakhomov nói.