Ngoài ra, Ukrinform đưa tin, còn một đoàn tàu hoả chở 50 xe tăng và 10 xe quân sự chở sĩ quan và binh lính khác đã đến ga tàu hoả Kamensk-Shakhtinsky nằm ở tỉnh vùng biên Rostov của Nga, trong khi đó, tại một khu vực dân cư nằm sát với Donetsk, đã có khoảng 70 xe thiết giáp đã nằm sẵn bên đường biên giới.
Hôm thứ Ba (4/11), Reuters đưa tin, người đứng đầu Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổng thư ký Jens Stoltenberg cũng khẳng định tại một cuộc họp báo rằng Nga đã tiến quân sát đến biên giới Ukraine sau cuộc bầu cử ở vùng đông ly khai của nước này.
Ông tổng thư ký NATO còn nói rằng: “Nga vẫn cứ tiếp tục hậu thuẫn cho người ly khai bằng cách đào tạo họ, cung cấp khí tài cho họ và hỗ trợ họ bằng cách đưa các lực lượng đặc biệt vào trong các vùng đông của Ukraine.”, một sự cáo buộc mà Nga từ trước đến nay vẫn luôn bác bỏ.
Tại cuộc họp báo này ông Stoltenberg “kêu gọi Nga hãy chứng tỏ những nỗ lực thực chất để hướng tới một giải pháp hoà bình, và sử dụng ảnh hưởng của mình đối với quân ly khai để họ tôn trọng các thoả thuận ở Minsk và tôn trọng lệnh ngừng bắn như là một điều kiện tiên quyết cho việc giải quyết tình hình khó khăn ở Ukraine thông qua con đường chính trị.”
Cũng tại cuộc họp báo này, bà Federica Mogherini, ngưòi phụ trách chính sách đối ngoại của EU cho biết việc EU sẽ xem xét liệu có cần phải tăng cường hay sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Nga tuỳ thuộc vào tình hình trên thực tế. Bà nói: “Quy trình xem xét này sẽ diễn ra trong những tuần tới,” và cụ thể là tình hình Ukraine sẽ được xem xét tại cuộc họp sắp tới của các ngoại trưởng EU vào ngày 17/11.
Hôm thứ Hai, Interfax dẫn nguồn tin từ thứ trưởng ngoại giao Nga Grigory Karasin nói rằng các nhà lãnh đạo mới ở các vùng ly khai đông Ukraine đã có “quyền” để thương lượng với Kiev. Tuy nhiên, bà Morgherini lại nói rằng những cuộc bầu cử ở đông Ukraine là bất hợp pháp và sẽ không được EU công nhận, nên có nguy cơ là sẽ không có cơ hội để quân ly khai đối thoại với Kiev, cũng như đối thoại giữa Kiev và Moscow.