| Hotline: 0983.970.780

Ngành cá tra có tận dụng được tối đa lợi thế về giá?

Thứ Năm 14/04/2022 , 08:09 (GMT+7)

Cá tra thương phẩm ở ĐBSCL đang neo mức giá cao, người nuôi thu hoạch cá lúc này có lãi khá, dù vậy không dễ bắt nhịp nhanh trước cơ hội mở ra.

 

Nông dân nuôi cá tra ở thành phố Cần Thơ. Ảnh: Hữu Đức.

Nông dân nuôi cá tra ở thành phố Cần Thơ. Ảnh: Hữu Đức.

Vùng nuôi khát giống

Cá tra đang hút hàng khi các doanh nghiệp trở lại vùng nuôi nâng giá thu mua. Từ sau tết và rằm tháng Giêng tới nay, cá tra đúng cỡ (size) xuất ao tăng giá lên 32.000 - 33.000 đồng/kg. Mức giá nãy đã khuấy động vùng nuôi cá tra quanh Cù lao Tân Lộc, quận Thốt Nốt (TP. Cần Thơ) và khu vực hạ lưu ven sông Hậu.

Anh Toàn, người nuôi cá tra ở Cù lao Tân Lộc cho rằng, nếu người nuôi cá giỏi, ít bị hao hụt có thể thu lãi tới 8.000 - 10.000 đồng/kg. Tuy nhìn thấy mức lời cao của người nuôi cá tra có cá xuất bán lúc này nhưng ít hộ dám phiêu lưu quay trở lại nuôi cá ào ạt như cơn sốt trước kia.

Có lẽ, yếu tố chính là do vùng nuôi đã cấp mã số ao nuôi cho các hộ có thực lực và điều kiện nuôi cá gia công theo hợp đồng liên kết lâu nay với doanh nghiệp. Trong đó, một số hộ nuôi cá cố bám trụ nay vượt qua được giai đoạn khó khăn nay bắt đầu thuê ao nuôi thả cá trở lại.

Một ao mặt nước rộng 3.000m2 hiện giá cho thuê khoảng 50 triệu đồng/năm. Song, trở ngại lớn nhất hiện thời là người nuôi cá tra theo dạng tự do bên ngoài vẫn còn lo ngại, e dè rủi ro một khi tái diễn cảnh cả tra dội chợ bất chừng như một số năm về trước.

Hơn nữa, trở ngại lớn nhất cho người muốn thả nuôi cá lúc này là không tìm ra đủ nguồn cung cá tra giống. Hiện giá tra giống đã tăng lên tới 45.000 đồng/kg (cỡ 2 phân/con, 30 con/kg), tăng trên 10.000 - 15.000 đồng/kg so với cuối năm 2021. Hầu hết các cơ sở ương nuôi đang trong tình trạng không có đủ con giống để giao cho người nuôi.

Theo Chi cục Quản lý thủy sản các địa phương có vùng nuôi cá tra, trong năm 2021, diện tích thả nuôi cá tra phát sinh đạt hơn 5.856ha, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong khi so sánh diện tích thả nuôi năm 2020 - 2021 có thể thấy diện tích thả nuôi cá tra trong 3 tháng là 7, 8, 9 năm 2021 giảm khoảng 30 - 55% so với cùng kỳ năm 2020. Thế nhưng, diện tích thả nuôi trong các tháng 3 - 6 và tháng 10, 11 năm 2021 lại tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.

Đây là các tháng trước và sau khi xảy ra giãn cách xã hội tại các tỉnh, thành phố phía Nam, đặc biệt là các địa phương vùng ĐSBCL. kể từ sau tháng 9/2021, sự tăng trưởng về diện tích cho thấy ngành hàng cá tra đã quay lại nhịp độ sản xuất bình thường sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch covid-19.

Từ nhiều năm qua, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) liên tiếp đưa ra nhiều giải pháp xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ. Trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm.

Đổi mới mô hình tăng trưởng

Theo Tổng cục Thủy sản, cả nước hiện có 96 cơ sở sản xuất giống cá tra, trong đó số cơ sở sản xuất giống đang hoạt động là 80 cơ sở và hơn 2.280 cơ sở ương dưỡng giống cá tra. Sản lượng ước đạt trên 30 tỷ con cá tra bột và trên 3,4 tỷ con cá tra giống.

Vừa qua, để cải thiện tốc độ tăng trưởng, nâng cao tỉ lệ sống giai đoạn ương và kháng bệnh gan thận mủ, Dự án sản xuất giống cá tra chất lượng cao do Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 thực hiện theo 3 giai đoạn: Trong giai đoạn 1 đến năm 2012 đã cung cấp thay thế gần 102.000 con cá tra bố mẹ chọn giống, thay thế đàn cá bố mẹ quá lứa, sức sinh sản kém, tỉ lệ sống thấp. Đồng thời, cung cấp, bổ sung vào quần đàn cá bố mẹ đang bị thiếu hụt cho các trại sản xuất khu vực ĐBSCL. Hiện số cá tra bố mẹ này đã được sử dụng và đang dần thay thế do hết thời gian sinh sản.

Giai đoạn 2 (2015 - 2020) đã cung cấp 60.000 con cá hậu bị. Hiện nay số cá này đã bắt đầu cho sinh sản. Đến giai đoạn 3 từ năm 2022 - 2025 dự kiến Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 sẽ tiếp tục sản xuất, cung cấp đàn cá hậu bị chọn giống chất lượng cao là 75.000 con cho các tỉnh ĐBSCL trong khuôn khổ Chương trình giống (Quyết định số 703/QĐTTg ngày 28/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuât giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2030).

Hiện nay, Dự án đang chờ Bộ NN-PTNT phê duyệt để triển khai thực hiện. Việc cung cấp đàn cá tra bố mẹ đã qua chọn lọc nâng cao tốc độ tăng trưởng có ý nghĩa lớn đối với nuôi thương phẩm, đặc biệt đối với Đề án liên kết sán xuất giống cá tra 3 cấp nhằm cung cấp đủ cá tra giống có chất lượng cao cho ĐBSCL.

Ngoài ra, hiện các doanh nghiệp như Nam Việt, Vĩnh Hoàn và Việt Úc đều có chương trình nghiên cứu riêng để chọn lọc, sản xuất và cung cấp cá giống chất lượng cao cho chương trình nội bộ và có thể cung ứng ra thị trường.

Thu hoạch cá tra thương phẩm vận chuyển về nhà máy chế biến xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Biển Đông. Ảnh: Hữu Đức.

Thu hoạch cá tra thương phẩm vận chuyển về nhà máy chế biến xuất khẩu tại Công ty Thủy sản Biển Đông. Ảnh: Hữu Đức.

Tổng cục Thủy sản đang tiếp tục triển khác các đề án, nhiệm vụ nâng cao chất lượng giống cá tra phục vụ nuôi thương phẩm và chỉ đạo sản xuất cung ứng đủ con giống chất lượng cao để nâng cao hiệu quả, hạ giá thành.

Cùng với đó là hoạt động tăng cường hợp tác, liên kết chuỗi, các địa phương Long An, Hậu Giang, Tiền Giang, Sóc Trăng… tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, liên kết chuỗi đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ để đảm bảo ổn định sản xuất. Đồng thời, các tỉnh ĐBSCL tiếp tục triển khai Đề án “Liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp chất lượng cao vùng ĐBSCL”, đặc biệt đối với tỉnh Đồng Tháp và hoàn thiện và vận hành tốt chuỗi liên kết sản xuất giống cá tra 3 cấp trên địa bàn tỉnh An Giang.

Để thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành hàng cá tra gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, Tổng cục Thủy sản cho biết sẽ tiếp tục vận động các doanh nghiệp chế biến thủy sản quan tâm xây dựng các vùng nuôi liên kết một cách chặt chẽ, gắn kết với cơ sở nuôi thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm có đầu tư, hỗ trợ kinh phí, cùng có trách nhiệm trong việc giám sát theo dõi quá trình thực hiện sản xuất.

Khuyến cáo đến các hộ nuôi chưa tham gia liên kết với doanh nghiệp, tạm thời chưa thả cá lại, tiến hành nâng cấp điều kiện nuôi, tìm kiếm hình thức liên kết phù hợp để đảm bảo có kế hoạch sản xuất ổn định, hạn chế rủi ro do tác động của dịch Covid-19.

Đến 31/12/2021, vùng nuôi cá tra ở ĐBSCL có tổng số giấy xác nhận mã số ao nuôi còn hiệu lực hơn 1.200 cơ sở với gần 6.500 ao nuôi, diện tích gần 5.300ha. Năm 2022, ngành cá tra dự kiến kế hoạch sản xuất đạt sản lượng cá tra thương phẩm đạt 1,6 - 1,7 triệu tấn. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD.

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.