Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2021, cá tra là một trong những mặt hàng thủy sản chủ lực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19, nhất là trong quý III.
Cụ thể, do thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt và kéo dài ở các tỉnh phía Nam bởi làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19, các doanh nghiệp chế biến cá tra đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng khi hoạt động nuôi, thu mua cá nguyên liệu, chế biến … bị đứt gãy, gián đoạn.
Trong khi đó, toàn bộ chi phí đầu vào (thức ăn, bao bì, phụ gia …) tăng cao, cộng với chi phí thực hiện “3 tại chỗ” và các chi phí phòng chống dịch khác, rồi cước vận chuyển tăng 8-10 lần, công suất chế biến lại giảm mạnh do ảnh hưởng của dịch bệnh …
Với những khó khăn quá lớn nói trên, xuất khẩu cá tra trong cả quý 3 chỉ đạt 295 triệu USD giảm 21% so với cùng kỳ năm 2020. Qua đó, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả xuất khẩu cá tra của cả năm 2021.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP, cho biết, tính đến hết tháng 11/2021, xuất khẩu cá tra chỉ đạt 1,4 tỷ USD tăng 3,3% so với cùng kỳ. Dự kiến mức tăng trưởng cả năm của ngành cá tra 2021 đạt 3% chỉ bằng 1/6 so với mức tăng trưởng của quý 2 và cán đích 1,54 tỷ USD.
Dầu vậy, xuất khẩu cá tra trong năm 2021 vẫn có những điểm sáng, nhất là sự tăng trưởng ấn tượng tại thị trường Mỹ. 11 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cá tra sang Mỹ đạt gần 324 triệu USD, tăng tới 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng mạnh của thị trường Mỹ đã giúp bù đắp được phần đáng kể sự sụt giảm mạnh từ thị trường lớn nhất là Trung Quốc - Hong Kong (đạt 376 triệu USD trong 11 tháng, giảm 22%).
Nhu cầu nhập khẩu các sản phẩm cá thịt trắng, trong đó có cá tra Việt Nam vào Mỹ trong năm nay tăng trưởng tốt khi thị trường Mỹ hồi phục nhanh chóng ngay sau khi chính quyền mở cửa, người dân quay lại cuộc sống và trở lại thói quen trước dịch như ăn ở nhà hàng, du lịch... Nhờ vậy, giá xuất khẩu trung bình sản phẩm cá tra phile đông lạnh Việt Nam sang Mỹ tăng liên tục kể từ quý 2 tới nay. Tới cuối tháng 10/2021, giá xuất khẩu cá tra đông lạnh trung bình sang Mỹ đạt mức 3,78 USD/kg, tăng 0,55 - 0,58 USD/kg so với tháng 6/2021.
Bên cạnh đó là sự tăng trưởng mạnh tại các thị trường Mexico, Brazil, Colombia, Nga và Ai Cập (tăng 44 - 84% trong 11 tháng). Những yếu tố này đã góp phần quan trọng giữ cho xuất khẩu cá tra nói chung vẫn tăng trưởng nhẹ trong năm 2021 và đóng góp vào thành công chung của xuất khẩu thủy sản.
Nhận định về năm 2022, ông Trương Đình Hòe cho rằng, sản lượng cá tra sẽ tương đương năm 2021, tức là khoảng trên dưới 1,5 triệu tấn. Trừ đi khoảng 300 - 400 nghìn tấn tiêu thị nội địa, thì còn khoảng hơn 1 triệu tấn cho chế biến xuất khẩu.
Về xuất khẩu, hy vọng thị trường Trung Quốc trong năm 2022 sẽ ổn định trở lại. Bởi sự sụt giảm mạnh về nhập khẩu cá tra vào Trung Quốc trong năm 2021 chủ yếu do Trung Quốc tăng cường kiểm soát Covid với thủy sản đông lạnh nhập khẩu gây ra tình trạng đình trệ kéo dài ở các cảng nhập khẩu.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cá tra ở thị trường Trung Quốc vẫn cao. Thông tin từ một số cơ quan truyền thông ở Trung Quốc cho thấy, nước này đang có nguy cơ bị thiếu hụt cá tra cho nhu cầu trong Tết Nhâm Dần 2022 sau khi cửa khẩu Đông Hưng (Quảng Tây) ngừng thông quan do yêu cầu phòng chống Covid-19.
Do đó, nếu thị trường Trung Quốc được ổn định hơn trong năm 2022, thì xuất khẩu cá tra nói chung sẽ có thêm cơ hội để tăng trưởng so với năm 2021. Ông Hòe nhận định, Trung Quốc có thể vẫn giữ vững vị trí là thị trường nhập khẩu lớn nhất của cá tra trong năm 2022.
Với thị trường Mỹ, VASEP dự báo xuất khẩu cá tra năm 2022 sẽ ổn định và khó có sự tăng trưởng đột biến như 2021. Thị trường EU và Anh cũng được dự báo tương tự. Trong khi đó, Mexico, Brazil, Colombia, Nga và Ai Cập là các thị trường có thể được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022.
"Bức tranh thị trường đang sáng dần lên, hy vọng sẽ giúp ngành cá tra khởi sắc hơn trong năm 2022 với sự nỗ lực thích ứng của doanh nghiệp dưới cơ chế, quyết sách hỗ trợ và linh hoạt của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước. Với sự lạc quan đó, năm 2022, kỳ vọng các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ mang về kim ngạch 1,7 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2021." Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP.