| Hotline: 0983.970.780

Ngành chăn nuôi bò Brazil gây cháy rừng Amazon?

Thứ Sáu 30/08/2019 , 07:01 (GMT+7)

Nhiều khu vực lớn ở rừng Amazon vẫn chìm trong lửa. Những nhà chỉ trích cáo buộc ngành công nghiệp thịt bò đang bùng nổ ở Brazil là một phần nguyên nhân, bởi nông dân thường đốt rừng khai hoang nuôi gia súc.

1155458788
Một khu vực rừng Amazon bị cháy ngày 21/8 nhìn từ trên cao. Ảnh: Reuters.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Brazil là quốc gia xuất khẩu nhiều thịt bò nhất thế giới trong năm 2018. Điều này làm dấy lên câu hỏi nhu cầu tiêu thụ thịt bò toàn cầu có liên quan đến thảm họa cháy rừng Amazon hay không.
 

Chăn nuôi gia súc ở Brazil

Với nông dân Brazil, đốt đất đai để chăn nuôi gia súc là hành động phổ biến. Tuy nhiên, phương thức này vấp phải sự chỉ trích từ cộng đồng quốc tế.

“Không ai có thể xác định ngọn lửa bắt nguồn từ đâu”, Kathy Hochstetler, giáo sư khoa học môi trường tại Trường Kinh tế London, nói với Global News ngày 27/8. “Dựa trên địa điểm và số lượng, rất có thể các ngọn lửa do những chủ đất địa phương gây ra”.

“Sau khi bị đốt, một số khu vực được dùng để chăn nuôi, số khác phục vụ sản xuất đậu tương. Đậu tương sẽ xuất khẩu để chế biến thức ăn gia súc tại châu Âu, Trung Quốc”.

Nuôi gia súc và trồng đậu tương có mối liên hệ với nhau, đậu tương có thể thay thế các cánh đồng cỏ chăn thả, từ đó thúc đẩy người nông dân tiến sâu hơn vào rừng Amazon.

Nông dân Brazil còn nhận được “sự khích lệ ngầm” từ Tổng thống Jair Bolsonaro, người từng nhiều lần nói nên mở cửa rừng Amazon cho các lợi ích kinh doanh – cho phép các công ty khai khoáng, nông nghiệp khai thác nguồn tài nguyên tại đây.

“Brazil từng triển khai chính sách gây phá rừng rất nghiêm trọng, và vẫn đang có hiệu lực”, Florencia Ortuzar, luật sư tại AIDA, tổ chức môi trường Mỹ Latinh, nói.

“Brazil là một trong những quốc gia thải ra nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất, chủ yếu là do nạn phá rừng. Với tân Tổng thống Bolsonaro, ông ấy không chú ý đến môi trường và Amazon đang thiếu sự bảo vệ hơn trước đây. Nông dân được khuyến khích bởi các chính sách giúp họ dễ tiếp cận rừng Amazon hơn”.

Theo Trường nghiên cứu Lâm nghiệp và Môi trường Yale, Mỹ, chăn nuôi gia súc là yếu tố lớn nhất dẫn đến tình trạng phá rừng tại mọi quốc gia ở vùng rừng Amazon, chiếm tới 80% mức độ phá rừng hiện tại. Số liệu do cơ quan không gian Brazil công bố cho thấy số vụ cháy rừng Amazon ở Brazil tăng 79% trong năm nay, tính đến ngày 25/8.
 

Xuất khẩu thịt bò Brazil

Năm 2018, Brazil chiếm gần 20% tổng lượng thịt bò xuất khẩu trên thế giới, có đàn gia súc lớn thứ hai thế giới, với 232 triệu con, sản lượng thịt bò cao nhất 9,9 triệu tấn.

Báo cáo từ Hiệp hội Các nhà xuất khẩu thịt bò Brazil (Abiec) – gồm hơn 30 công ty chế biến – cho biết Brazil xuất khẩu 1,64 triệu tấn thịt bò, tạo ra doanh thu 6,57 tỷ USD, trong năm ngoái. Hong Kong và Trung Quốc là hai điểm đến hàng đầu, chiếm 44% tổng giá trị xuất khẩu, tiếp đó là Iran, Ai Cập, Nga, Mỹ, Chile, Italy, Hà Lan và Arab Saudi.

USDA dự báo xuất khẩu thịt bò của Brazil sẽ tiếp tục tăng trưởng trong thập kỷ tới, đạt 2,9 triệu tấn, tương đương 23% tổng xuất khẩu thịt bò thế giới, vào năm 2028.

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc, trong báo cáo ra tháng 8, nhấn mạnh chế độ ăn dựa trên thực vật là cơ hội lớn để thích nghi và giảm thiểu biến đổi khí hậu.

“Không có nghĩa là chúng ta không được ăn thịt bò. Chúng ta có thể ăn ít hơn nếu muốn giảm tình trạng biến đổi khí hậu và suy thoái đất đai”, bà Hochstetler lý giải.

Báo cáo cho rằng thay đổi chế độ ăn có thể đóng góp tới 20% nỗ lực cần thiết để ngăn Trái đất ấm thêm 2 độ C.

2155458912
Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro. Ảnh: Reuters.

Ngày 23/8, Phần Lan, quốc gia chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) năm nay, đề xuất EU cân nhắc cấm nhập khẩu thịt bò Brazil do rừng Amazon bị tàn phá. Thủ tướng Ireland Leo Varadkar đưa ra cách tiếp cận khác, dọa chặn một thỏa thuận thương mại mang tính lịch sử nếu Brazil không hành động.

Tháng 6, EU ký thỏa thuận với Mercosur – khối gồm Brazil, Argentina, Paraguay và Uruguay – về dỡ bỏ phần lớn thuế với hàng EU xuất khẩu sang Mecosur. Đổi lại, thuế áp với thịt bò nhập khẩu vào EU theo “hạn ngạch Hilton” cũng giảm từ 20% về 0%. Hạn ngạch Hilton cho phép Brazil và Argentina có thể xuất khẩu tới 10.000 tấn và 29.500 tấn thịt bò sang EU mỗi năm.

Antonio Camardelli, lãnh đạo Abiec, ca ngợi thỏa thuận giúp tăng doanh số với các đối tác thương mại hiện có và Brazil có thể tiếp cận những thị trường mới như Thái Lan, Indonesia. Mercosur và EU đã mất 20 năm để thương lượng thỏa thuận này.

Thủ tướng Varadkar tuyên bố Ireland sẽ phủ quyết thỏa thuận, trừ khi Brazil bảo vệ Amazon. Ông lo ngại về mức độ tàn phá rừng mưa Nam Mỹ này và Ireland sẽ theo dõi từng hành động liên quan môi trường của Brazil trong 2 năm trước khi thông qua thỏa thuận.

Tại hội nghị thượng đỉnh tổ chức ở Biarritz, Pháp, G7 ngày 26/8 cam kết hỗ trợ hơn 20 triệu USD, Canada và Anh hỗ trợ riêng 11 triệu USD và 12 triệu USD để dập lửa, bảo vệ Amazon. Tuy nhiên, Tổng thống Brazil Bolsonaro ngày 27/8 nói sẽ không nhận hỗ trợ trừ khi người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron rút lại bình luận được coi là mang tính công kích. Ông Macron trước đó đặt câu hỏi về độ tin cậy của ông Bolsonaro trong bảo vệ đa dạng sinh học.

“Rừng Amazon lữu trữ lượng lớn carbon. Rừng Amazon cháy là thách thức lớn bởi tình trạng này sẽ đẩy nhanh biến đổi khí hậu. Chúng ta đã chứng kiến ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu trên thế giới”, Bộ trưởng Môi trường Canada Catherine McKenna nói.

“Hiện chưa rõ Brazil có chấp nhận khoản hỗ trợ trên hay không. Nếu không, thật đáng tiếc. Chúng ta cần phải cùng phối hợp”.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.