| Hotline: 0983.970.780

Ngành chăn nuôi sẽ sớm ổn định và phục hồi sau bão số 3

Thứ Sáu 25/10/2024 , 14:47 (GMT+7)

Nỗ lực tái đàn, khôi phục nguồn giống, đảm bảo an toàn sinh học là yếu tố then chốt để cung cấp đủ thực phẩm cho dịp Tết.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, công tác tiêu độc, khử trùng phải được thực hiện đồng bộ và triệt để để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Hoài Thơ.

Ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN-PTNT nhấn mạnh, công tác tiêu độc, khử trùng phải được thực hiện đồng bộ và triệt để để ngăn ngừa dịch bệnh bùng phát. Ảnh: Hoài Thơ.

Sau khi cơn bão số 3 đổ bộ, ngành nông nghiệp Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề, đặc biệt là trong lĩnh vực chăn nuôi. Không chỉ giảm sút sản lượng, người dân còn đối mặt với nhiều khó khăn liên quan đến giống vật nuôi, nguồn thức ăn và nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Đánh giá về khó khăn lớn nhất mà các địa phương phải đối mặt trong việc khôi phục chăn nuôi và sản xuất, ông Phạm Kim Đăng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nhận định, nỗi lo lớn nhất sau khi nước rút chính là nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Bởi bão lũ thường để lại xác động vật trôi dạt cùng với bùn đất, mang theo nhiều mầm bệnh nguy hiểm. Việc vệ sinh chuồng trại và môi trường xung quanh trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

Chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đã nhanh chóng vào cuộc, cử cán bộ kỹ thuật xuống từng địa bàn để hướng dẫn bà con các biện pháp vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng và theo dõi sức khỏe đàn vật nuôi. Ngoài ra, người dân cũng được khuyến khích báo cáo kịp thời nếu phát hiện dấu hiệu dịch bệnh, tránh tình trạng chủ quan hoặc tái đàn quá sớm khi chưa đảm bảo điều kiện an toàn. 

Việc khôi phục nguồn giống cũng đặt ra thách thức lớn. Trong khi gia cầm và thủy cầm có thể phục hồi sản xuất trong 1-2 tháng, các loại gia súc lớn như trâu, bò lại cần nhiều thời gian hơn do chu kỳ sinh sản dài và phải có kế hoạch từ đầu năm. Sự thiếu hụt giống chất lượng sau thiên tai khiến việc tái đàn trở thành một thách thức lớn đối với nông dân, đặc biệt khi nguồn cung ứng giống trong nước còn hạn chế. 

Không chỉ thiếu giống, nguồn thức ăn cho vật nuôi cũng gặp nhiều khó khăn. Mưa lũ đã khiến các vùng trồng cỏ và nguồn thức ăn thô xanh bị ngập úng, dẫn đến thiếu hụt nghiêm trọng. Nếu nguồn thức ăn này không được xử lý kỹ, nguy cơ lây lan bệnh trong đàn vật nuôi là rất cao. Điều này đòi hỏi người chăn nuôi phải tìm kiếm giải pháp thay thế hoặc bổ sung thức ăn công nghiệp để đảm bảo dinh dưỡng cho đàn gia súc.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Thủy sản phối hợp Tập đoàn Dabaco Việt Nam hỗ trợ gà giống một hộ dân bị thiệt hại do con bão số 3 tại tP. Hải Phòng. Ảnh: Hoài Thơ.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT và Cục Chăn nuôi, Cục Thú y, Cục Thủy sản phối hợp Tập đoàn Dabaco Việt Nam hỗ trợ gà giống một hộ dân bị thiệt hại do con bão số 3 tại tP. Hải Phòng. Ảnh: Hoài Thơ.

Việc khôi phục cơ sở vật chất bị hư hỏng cũng là một vấn đề lớn đối với nhiều hộ chăn nuôi. Sau thiên tai, bà con không chỉ phải tập trung sửa chữa nhà cửa mà còn cần nguồn lực lớn để tái thiết chuồng trại. Tuy nhiên, khó khăn về tài chính đã khiến nhiều hộ gặp trở ngại trong việc vay vốn để đầu tư lại sản xuất.

Để giải quyết tình trạng này, các ngân hàng và doanh nghiệp cần phối hợp hơn nữa cùng địa phương triển khai các gói vay ưu đãi, giúp nông dân có thêm nguồn lực khôi phục sản xuất. 

Theo ông Phạm Kim Đăng, bên cạnh các biện pháp khẩn cấp, việc nâng cao sức đề kháng cho đàn vật nuôi cũng được đặc biệt chú trọng. Sau bão, vật nuôi cần được chăm sóc đặc biệt để phục hồi sức khỏe và tăng cường khả năng chống chọi với dịch bệnh. Người dân được khuyến cáo tuân thủ quy trình chăm sóc và vệ sinh chặt chẽ, đồng thời tiêm phòng đầy đủ theo hướng dẫn của cơ quan thú y. 

Việc khắc phục hậu quả sau bão không chỉ là trách nhiệm của người chăn nuôi mà còn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính quyền, doanh nghiệp và các cơ quan chuyên môn. Những nỗ lực phối hợp đồng bộ từ nhiều phía đã giúp giảm thiểu phần nào thiệt hại và tạo điều kiện cho bà con nhanh chóng tái đàn, chuẩn bị nguồn thực phẩm cho thị trường cuối năm. 

“Với các giải pháp hỗ trợ từ giống, thức ăn đến tài chính và kỹ thuật, hy vọng ngành chăn nuôi sẽ sớm ổn định và phục hồi sau cơn bão số 3, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”, ông Phạm Đăng nhấn mạnh.

Xem thêm
Trại gà rừng nghìn con 12 năm chưa từng bị dịch

Đã 12 năm nay, trại gà nghìn con của vợ chồng anh Lê Đỗ Chinh chưa hề nhiễm bệnh nhờ cách chăn nuôi khoa học, an toàn dịch bệnh.

Biến thách thức thành lợi thế

THÁI NGUYÊN Mưa lũ gây thiệt hại lớn đến ngành nông nghiệp Thái Nguyên nhưng cũng giúp bồi đắp phù sa giúp rửa chua phèn, bồi bổ dinh dưỡng cho đất để sản xuất vụ đông.

Khám tổng thể sức khỏe đất: [Bài 6] Đất trồng cam ở miền Bắc càng thâm canh càng thoái hóa

TS Lương Đức Toàn, Trưởng Bộ môn Sử dụng đất thuộc Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu sức khỏe đất trồng cam ở miền Bắc cho biết như vậy.