| Hotline: 0983.970.780

Ngành công nghiệp chăn nuôi lợn ở Trung Quốc: Nuôi lợn trong ‘khách sạn’ 7 tầng

Thứ Ba 02/04/2019 , 13:10 (GMT+7)

Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang thử nghiệm mô hình nuôi lợn trong các tòa nhà cao tầng như một biện pháp để giảm lãng phí nguồn tài nguyên đất và nâng cao khả năng quản lý.

1152224876
Khu trang trại nằm tách biệt trên núi Nha Kế của công ty TNHH nông nghiệp Quảng Tây Ương Hương. (Ảnh: Reuters)

Trên núi Nha Kế ở miền nam Trung Quốc, công ty TNHH nông nghiệp Quảng Tây Ương Hương đang vận hành hai tòa nhà 7 tầng phục vụ chăn nuôi lợn, đồng thời đã bắt tay xây thêm 4 tòa nhà khác, bao gồm một tòa cao 13 tầng. Chúng được ví von là các “khách sạn” cho lợn, theo Reuters.

Các trang trại lợn cao hai đến ba tầng đã được thử nghiệm ở châu Âu. Một số vẫn còn hoạt động, số khác đã bị bỏ hoang nhưng những trang trại theo mô hình kiểu này đang mọc lên trở lại.

Giờ đây, giữa bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh công nghiệp hóa vào đàn lợn lớn nhất thế giới của mình như một phần trong nỗ lực 30 năm nhằm hiện đại hóa ngành nông nghiệp và làm giàu cho vùng nông thôn, các công ty bắt đầu thử nghiệm mô hình xây nhà cao tầng nuôi lợn bất chấp chi phí. Các “khách sạn lợn” cho thấy người chăn nuôi gia súc Trung Quốc sẵn sàng đi xa tới đâu với mục tiêu đại tu mô hình trang trại.

“Nuôi lợn trong nhà cao tầng có lợi ích rất lớn”, Xu Jiajing, quản lý khu trang trại trên núi của công ty Ương Hương, nói. “Nó tiết kiệm năng lượng và nguồn lực. Đất không quá rộng nhưng bạn có thể nuôi rất nhiều lợn”.

Những công ty như Ương Hương đang đổ thêm không ít tiền của vào mô hình trang trại cao tầng. Chi phí để xây trang trại nhiều tầng cao hơn 30% so với trang trại một tầng truyền thống.

“Chúng tôi đang nhìn thấy sự gia tăng nhanh chóng của các tòa nhà hai, ba tầng”, Peter van Issum, giám đốc điều hành Microfan, nhà cung cấp Hà Lan chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống thông gió cho Ương Hương, chia sẻ. “Những tòa cao hơn vẫn còn khá hiếm nhưng tương lai sẽ thay đổi nhanh chóng”, ông nói.

Núi Nha Kế trông không giống một địa điểm lý tưởng để xây dựng các trang trại chăn nuôi khổng lồ. Đi qua một con đường hẹp, cách xa khỏi khu dân cư, những tòa nhà bê tông nuôi lợn đứng sừng sững nhìn xuống một thung lũng cây cối um tùm.

Tuy nhiên, địa điểm này khá gần Quý Cảng, thành phố có một cảng sông và đường thủy dẫn ra đồng bằng châu thổ sông Châu Giang, một trong những khu vực đông dân nhất thế giới.

Dù Bắc Kinh đang khuyến khích mở rộng chăn nuôi tại vùng đông bắc, nhiều người lo ngại các trang trại ở đây sẽ gặp khó khăn trong việc vận chuyển thịt lợn tươi tới những thành phố lớn cách xa hàng nghìn km. Vì thế, các công ty vẫn đầu tư xây dựng trang trại tại những tỉnh phía nam như Quảng Tây hay Phúc Kiến, nơi đất đai đồi núi nhưng lại gần nhiều thành phố lớn nhất Trung Quốc.

Ương Hương năm 2018 đặt kế hoạch nuôi 30.000 con lợn nái tại khu trang trại rộng 11 ha của mình, cho ra đời 840.000 lợn con mỗi năm, biến họ trở thành trang trại lớn nhất, năng suất nhất thế giới. Một trang trại nuôi lợn lớn theo kiểu truyền thống ở phía bắc Trung Quốc chỉ đáp ứng được 8.000 con lợn nái trên diện tích 13 ha.

Tại tỉnh Phúc Kiến, công ty TNHH Công nghệ Kim Tân Nông Thâm Quyến có kế hoạch đầu tư 24 triệu USD vào hai trang trại lợn 5 tầng ở Nam Bình. Hai công ty khác cũng đang xây dựng các trang trại cao tầng ở Phúc Kiến.

Ương Hương đã chi tổng cộng 500 triệu tệ (hơn 74 triệu USD) cho trang trại mới của mình, chưa bao gồm giá lợn.

Xây trang trại càng cao đồng nghĩa với giá thành và độ phức tạp càng cao, chẳng hạn như việc nối đường ống đưa thức ăn vào các tòa nhà, Xue Shiwei, phó giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Công nghệ Chăn nuôi Pipestone, nhận xét.

2152224980
Lợn con được sưởi ấm trong trang trại cao tầng của công ty Ương Hương. (Ảnh: Reuters)

“Nó giúp tiết kiệm đất nhưng làm gia tăng mức độ phức tạp của công trình, đồng thời chi phí bê tông, sắt thép cũng cao hơn”, ông cho biết. Mặt khác, chi phí tăng cao còn bắt nguồn từ những lo ngại về sức khỏe đàn gia súc bởi nguy cơ dịch bệnh lây lan sẽ gia tăng khi có quá nhiều cá thể được nuôi dưới một mái nhà.

Theo nhà quản lý Xu Jiajing, Ương Hương giảm rủi ro dịch bệnh bằng cách quản lý từng tầng riêng biệt. Những con lợn mới sẽ được mang lên tầng cao nhất, sau đó chuyển dần xuống các tầng phía dưới bằng thang máy. Ngoài ra, hệ thống thông gió được thiết kế để ngăn không khí lưu thông giữa các tầng hay các tòa nhà.

Ương Hương đang xây một nhà máy xử lý chất thải trên núi Nha Kế để giải quyết phân từ các trang trại. Chất lỏng từ quá trình xử lý sẽ được phun lên cây ở các cánh rừng xung quanh còn chất rắn sẽ được bán cho những trang trại lân cận dưới dạng phân bón hữu cơ.

Những trang thiết bị bổ sung cho dự án, chủ yếu được nhập khẩu, nhằm giảm thiểu dịch bệnh, ảnh hưởng tới môi trường và chi phí lao động, khiến chi tiêu của Ương Hương tăng đáng kể. Tuy nhiên, sau khi thử nghiệm các mô hình khác, công ty kết luận rằng trang trại nhiều tầng là lựa chọn tốt nhất.

“Chúng ta cần thời gian để kiểm chứng xem mô hình này có khả thi không”, Xue từ công ty tư vấn PipeStone lưu ý và thêm rằng ông không khuyến khích khách hàng lựa chọn các “khách sạn lợn”.

“Sẽ có rất nhiều ý tưởng mới, mang tính cạnh tranh (về phương pháp chăn nuôi lợn ở Trung Quốc) ra đời”, Xue nói. “Cuối cùng, một mô hình thích hợp sẽ lộ diện”.

Xem thêm
Bò 3B mang tới hi vọng cho người dân miền núi

QUẢNG TRỊ Người dân hi vọng bò 3B sẽ là đối tượng nuôi mới mang lại hiệu quả kinh tế cao, một số hộ dự kiến mở rộng chăn nuôi sau khi kết thúc hỗ trợ.

Tiêm phòng dại vì cộng đồng

Chương trình ‘Tiêm phòng dại vì cộng đồng’ lần 4 vừa được triển khai tại Đức Huệ, Long An, Những năm qua, chương trình đã giúp nâng cao tỷ lệ tiêm phòng trên địa bàn.

Hỗ trợ để sản xuất phát thải thấp cho 200 nghìn ha lúa ở ĐBSCL

AN GIANG 10 doanh nghiệp liên kết với các HTX và nông dân 3 tỉnh An Giang, Đồng Tháp và Kiên Giang sẽ được hỗ trợ để sản xuất lúa phát thải thấp với diện tích 200.000ha.