Chủ động
6 tháng đầu năm 2021, không nằm ngoài tình hình chung của cả đất nước, ngành lâm nghiệp bị tác động trực tiếp bởi nhiều yếu tố.
Theo ông Bùi Chính Nghĩa, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), ngay từ đầu năm, Tổng cục đã xây dựng kịch bản cho ngành lâm nghiệp trong năm 2021 giữa bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới. 6 tháng đầu năm 2021, những chỉ số đã nói lên sự tăng trưởng của ngành lâm nghiệp. Giá trị xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam đạt 8,7 tỷ USD, tăng 61,4% so với cùng kì 2020.
Trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong lĩnh vực lâm sản đã nhận được nhiều đơn hàng từ các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là từ Hoa Kỳ, Châu Âu. Hợp tác song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cũng như việc triển khai các Hiệp định EVFTA đã phát huy hiệu quả, giúp các doanh nghiệp ngành gỗ tiếp cận sâu hơn vào thị trường truyền thống.
6 tháng cuối năm, với đà tăng trưởng như hiện nay, giá trị kim ngạch xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng trưởng cao. Dự kiến hết năm 2021, giá trị xuất khẩu lâm sản sẽ đạt trên 15,5 tỷ USD.
Cũng theo ông Bùi Chính Nghĩa, cho đến thời điểm hiện tại, song song với xuất khẩu, giá trị nhập khẩu lâm sản cũng có sự tăng trưởng. Dự kiến giá trị nhập khẩu nguyên liệu phục vụ cho chế biến xuất khẩu ước đạt trên 3 tỷ USD, tăng trưởng hơn 20% so với năm 2020.
Cùng với đó, nguồn nguyên liệu trong nước từng bước đáp ứng được nhu cầu cho công nghiệp chế biến gỗ. Như vậy, Việt Nam sẽ có được con số xuất siêu của ngành gỗ rất ấn tượng trong năm 2021.
“Năm 2021, các sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao tiếp tục được đẩy mạnh phát triển. Ví dụ như các mặt hàng nội thất, tủ bếp đã có sự tăng trưởng mạnh, hơn 40%. Từng bước, ngành gỗ Việt Nam đã có sự chuyển dịch từ sản xuất sản phẩm thô sang những sản phẩm có giá trị gia tăng lớn hơn”, lãnh đạo Tổng cục Lâm nghiệp nhận định.
Không được chủ quan
Kết luận tại Hội nghị sơ kết công tác chỉ đạo, điều hành 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021 của Tổng cục Lâm nghiệp ngày 7/7, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh trong 6 tháng cuối năm 2021, ngành lâm nghiệp tuyệt đối không được chủ quan do diễn biến tình hình dịch Covid-19 phức tạp cũng như rào cản thương mại sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tất cả các ngành.
Ngành lâm nghiệp cần lên những kịch bản lường trước những khó khăn cũng như tình huống bất ngờ để tránh lúng túng trong việc triển khai các dự án. Công tác phát triển rừng cần phải hoàn thành vượt mức, không chỉ trồng rừng mà còn phải bảo vệ rừng vì đó là nền tảng, là gốc rễ để phát triển.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng cho rằng mối quan hệ giữa Tổng cục với các Hiệp hội ngành hàng cần tiếp tục được gắn kết chặt chẽ, tránh để đứt gãy trong việc lưu thông sản phẩm ở cả thị trường nội địa cũng như xuất khẩu.
Theo kế hoạch, trong 6 tháng cuối năm, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ bám sát, xây dựng kịch bản điều hành về xuất, nhập khẩu gỗ và lâm sản đảm bảo đạt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu gỗ và lâm sản năm 2021. Tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu năm 2021 giảm 10% số vụ vi phạm và 20% về diện tích rừng bị thiệt hại so với năm 2020.
Bên cạnh đó bám sát xây dựng quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; triển khai Chiến lược phát triển Lâm nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050. Tiếp tục chỉ đạo thực hiện rà soát chặt chẽ việc thực hiện các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.
“Công tác phát triển rừng bền vững giữ vai trò quan trọng trong ngành lâm nghiệp. Chỉ số xuất siêu trong 6 tháng đầu năm 2021 đã thể hiện việc nhập khẩu nguyên liệu của Việt Nam giảm dần, ngành chế biến lâm sản đã từng bước tự chủ được nguồn nguyên liệu. Qua đó chứng minh được công tác bảo vệ rừng, chăm sóc rừng đã được cải thiện rõ rệt”, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho hay.
Cần quan tâm đặc biệt tới rừng tự nhiên
Theo GS. TS Võ Đại Hải, Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT), số liệu cho thấy các chỉ tiêu của ngành lâm nghiệp trong 6 tháng đầu năm 2021 đều vượt kế hoạch. Trong đó có cả những chỉ tiêu khó thực hiện về trồng rừng và bảo vệ rừng.
Liên quan đến vấn đề xây dựng chương trình kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật, ông Võ Đại Hải cho biết ngay khi Chiến lược Phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2006-2020 kết thúc, việc nhanh chóng xây dựng được chiến lược mới thay thế đã tạo những nét chuyển biến và đổi mới rõ nét.
“Chúng ta cũng đã xây dựng được Đề án phát triển trồng 1 tỷ cây xanh và Nghị định về quản lý giống cây lâm nghiệp. Đây là những vấn đề quan trọng trong 6 tháng đầu năm mà chúng ta đã làm được”, GS. TS Võ Đại Hải nhận định.
Tại Hội nghị, Viện trưởng Viện Khoa học Lâm nghiệp cũng nêu ra một số vấn đề của ngành lâm nghiệp cần quan tâm hơn.
Trong giai đoạn trước đến năm 2020, rất nhiều Chương trình, đề án đã kết thúc. Hiện nay, nhiều Chương trình kế hoạch mới được xây dựng để ban hành cần được đẩy nhanh tiến độ bởi những Chương trình này chính là nền tảng cho công tác quản lý và điều hành.
Chiến lược phát triển giai đoạn mới dành sự quan tâm đặc biệt tới rừng tự nhiên. Theo đó, trong giai đoạn 2021 - 2025, 10% trong tổng diện tích 10 triệu ha rừng tự nhiên phải được phục hồi và nâng cấp. Giai đoạn 5 năm tiếp theo 2026 - 2030, diện tích tăng lên 20%. Tuy nhiên, 10% diện tích rừng tự nhiên đó lại không có kinh phí để bảo vệ và phát triển.
Bên cạnh thị trường xuất khẩu, ngành lâm sản cũng cần định hướng, đánh giá lại để hướng đến thị trường nội địa 100 triệu dân. Ngoài ra, với kim ngạch xuất khẩu lớn, vai trò, vị trí quan trọng gắn với kinh tế xã hội, gỗ cũng như sản phảm gỗ đang được đề xuất để đưa vào sản phẩm quốc gia.