| Hotline: 0983.970.780

Ngành nông nghiệp tìm hướng đi cho một tương lai xanh

Thứ Hai 14/11/2022 , 10:38 (GMT+7)

Đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái mang tính bền vững là mục tiêu mà các HTX nông nghiệp đang hướng đến.

Empty

Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh kinh tế xanh. Ảnh: Phạm Hiếu.

Kinh tế xanh là xu hướng chung

Thực tế hiện nay cho thấy, hoạt động sản xuất nông nghiệp là ngành gây phát thải khí nhà kính lớn, qua đó làm gia tăng sự nóng lên toàn cầu. Phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp tập trung chủ yếu trong 3 lĩnh vực chính là trồng lúa nước, chăn nuôi, quản lý đất và sử dụng phân bón.

Theo đó, đầu năm 2022, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp bền vững, đẩy mạnh kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái trong sản xuất, kinh doanh.

Chia sẻ về những thuận lợi của người dân nói riêng và các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp nói chung khi tham gia vào phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn, ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN-PTNT), cho biết, trong một thời gian dài, ngành nông nghiệp đã đẩy mạnh sản xuất, tăng trưởng về sản lượng. Quá trình thâm canh quá mức đã làm ảnh hưởng đến chất lượng nông sản cũng như nguồn lực nông nghiệp, đặc biệt là đất đai, nguồn nước… đã bị suy kiệt.

Empty

Bà con nông dân, các HTX nông nghiệp đã thay đổi tư duy, suy nghĩ để đi đến sự đồng thuận đối với xu thế phát triển chung của toàn thế giới là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Đó là những bài học mà bà con nông dân, các HTX nông nghiệp đã nhận ra và thay đổi tư duy, suy nghĩ để đi đến sự đồng thuận đối với xu thế phát triển chung của toàn thế giới là kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng như nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái”, ông Lê Đức Thịnh chia sẻ.

Cùng với đó, ngành nông nghiệp đang trong quá trình phát triển với tinh thần tích hợp đa giá trị, làm sao để nâng cao các giá trị của nền kinh tế nông nghiệp thay vì chạy theo sản lượng như trước đây. Là nền tảng để hướng đến mục tiêu đó, đã có rất nhiều cơ chế chính sách, giải pháp tại các địa phương nhằm hỗ trợ nông dân cũng như các HTX nông nghiệp.

Ông Lê Đức Thịnh cũng cho biết thêm, thực tế hiện nay đã có nhiều đơn vị tư vấn, nhà cung cấp các dịch vụ máy móc, thiết bị, hỗ trợ yếu tố khoa học công nghệ, tiến bộ kỹ thuật, qua đó cung cấp công cụ hữu ích để người dân có thể đi theo hướng phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn.

Empty

Đã có khoảng 2.300 HTX đã áp dụng những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp. Ảnh: Phạm Hiếu.

Trong tổng số hơn 19.000 HTX nông nghiệp trên cả nước, đã có khoảng 2.300 HTX đã áp dụng những giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, đa dạng hóa các sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là xu thế tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp để tái chế, nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều thách thức mà người dân và các HTX nông nghiệp phải đối mặt khi phát triển kinh tế xanh và nông nghiệp tuần hoàn.

Theo ông Lê Đức Thịnh, khó khăn lớn nhất đến từ nhận thức khi không phải toàn xã hội hay toàn bộ các HTX đã hiểu hết, nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn.

Khó khăn thứ hai là việc những nghiên cứu khoa học, tiến bộ kỹ thuật để hỗ trợ người dân phát triển kinh tế xanh, tuần hoàn còn hạn chế. Vẫn xảy ra tình trạng thiếu công nghệ, đặc biệt là công tác xác nhận, đo đạc, đăng kí để theo dõi, đánh giá các hoạt động như phát thải khí nhà kính, tái sử dụng phế phụ phẩm nông nghiệp.

Tiếp đến, ông Lê Đức Thịnh cho rằng, tác dụng của kinh tế tuần hoàn là giúp đa dạng hóa sản phẩm trong chuỗi giá trị nhưng đi kèm là tăng chi phí đầu tư trong khi vấn đề liên quan đến chính sách, tín dụng khuyến khích còn hạn chế.

Thách thức cuối cùng đến từ việc thực trạng sản xuất của bà con nông dân hiện nay vẫn còn manh mún. Chính vì vậy, những giải pháp để phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn cần phải được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau. Trong đó, tại cấp độ của HTX và các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần phải tiếp tục đẩy mạnh việc tập huấn, tư vấn, hướng dẫn xây dựng mô hình một cách hiệu quả.

Bắt đầu từ những hạt nhân, mô hình nhỏ

Nhận thức được những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức trong việc hướng người dân theo hướng phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã đề ra những giải pháp thời gian tới.

Empty

Vấn đề tuyên truyền cần phải bắt đầu từ những hạt nhân, mô hình, các HTX đi đầu. Ảnh: Phạm Hiếu.

Thứ nhất, theo Cục trưởng Lê Đức Thịnh, vấn đề tuyên truyền cần phải bắt đầu từ những hạt nhân, mô hình, các HTX đi đầu từ đó rút kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, năng lực từ khu vực kinh tế hợp tác đến các thành viên, cộng đồng dân cư nông thôn.

Thứ hai, Cục dự kiến sẽ xây dựng các vùng sản xuất tập trung, các vùng nguyên liệu đạt chuẩn, trong đó hướng dẫn các HTX xây dựng các mô hình kinh tế kết hợp giữa phát triển chuỗi giá trị nông sản bền vững với đa dạng hóa các sản phẩm, ứng dụng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Thứ ba, đơn vị sẽ bắt tay phối hợp với các viện trường, đơn vị nghiên cứu và các doanh nghiệp để xây dựng các giáo trình, giáo cụ hướng dẫn, tư vấn cho các HTX tại các địa phương.

Thứ tư, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với các Sở NN-PTNT, đặc biệt là hệ thống Chi cục PTNT các địa phương để xây dựng mô hình kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn để triển khai nhân rộng trong thực tiễn.

Empty

Những giải pháp để phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn cần phải được triển khai ở nhiều cấp độ khác nhau. Ảnh: Phạm Hiếu.

Còn theo PGS.TS Mai Văn Trịnh, Viện trưởng Viện Môi trường Nông nghiệp, một trong những yếu tố tiên quyết để người dân có thể phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn đó là giảm phát thải khí nhà kính.

Theo đó, chuyên gia đã đưa ra những giải pháp cụ thể trong sản xuất nông nghiệp như hạn chế đốt nương làm rẫy, phụ phẩm; sử dụng máy làm đất tiết kiệm nhiên liệu, giảm làm đất xuống mức tối thiểu; cải tiến công nghệ sản xuất phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi; sử dụng máy gieo hạt ít nhiên liệu; bón phân kết hợp; hạn chế sử dụng và phun thuốc BVTV hóa học; giảm lượng nước tưới, tăng hiệu quả tưới, sử dụng máy bơm tiêu ít nhiên liệu, giảm thất thoát nước; sử dụng máy làm cỏ tiêu tốn ít nhiên liệu.

Bên cạnh đó, cần sử dụng máy gặt đập liên hợp trong thu hoạch; cải tiến công nghệ sấy, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo, sinh học; cải tiến công nghệ chế biến, tiết kiệm nhiên liệu, sử dụng năng lượng tái tạo, sinh học, tuần hoàn chất thải.

Đồng thời, quản lý phân hữu cơ bằng các biện pháp như Biogas, sản xuất phân compost, đệm lót sinh học; tiêu nước phơi ruộng trong canh tác lúa; hạn chế đốt sinh khối, tuần hoàn chất thải; bón phân đạm theo nhu cầu của cây, cân đối đạm chậm tan, phân giải chậm có kiểm soát, thông minh…

Theo PGS.TS Mai Văn Trịnh, hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, khái niệm phát thải khí nhà kính và các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính vẫn chưa được làm rõ. Ngoài ra, để người dân nói riêng và các HTX nông nghiệp nói chung có thể phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp tuần hoàn sẽ cần phải đầu tư mạnh mẽ để có thể kiến thiết, xây dựng cơ bản và thay đổi công nghệ… Cùng với đó, thực tế cho thấy, chúng ta vẫn chưa có những cơ chế thực sự rõ ràng về vấn đề tín chỉ carbon, hạn mức, chứng nhận… Thị trường carbon cũng chưa phát triển nên giá carbon còn thấp.

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Quỹ Vì Tầm Vóc Việt: Mục tiêu trở thành quỹ xã hội hàng đầu

Trong giai đoạn 2025-2034, Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VTVV) đặt mục tiêu dẫn đầu về chăm sóc sức khỏe học đường, bảo vệ trẻ em và phát triển phụ nữ.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.