| Hotline: 0983.970.780

Ngao chết như ngả rạ vì thả nuôi dày như nêm cối

Thứ Hai 06/03/2023 , 17:20 (GMT+7)

HÀ TĨNH Quy trình kỹ thuật khuyến cáo chỉ thả nuôi mật độ 150 – 350 con ngao/m2, song người dân Hà Tĩnh thả đến 1.500 – 3.800 con/m2 khiến ngao chết hàng loạt.

Thời gian qua, một số vùng nuôi ngao của huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) xảy ra tình trạng ngao chết hàng loạt chưa rõ nguyên nhân khiến người nuôi thất thu hàng tỷ đồng.

Sau khi tiếp nhận thông tin, Chi cục Thú y vùng III (Cục Thú y) phối hợp với các đơn vị chuyên môn đã tổ chức lấy mẫu tích. Kết quả cho thấy, ngao tại các vùng nuôi chết không do dịch bệnh, nguồn nước không bị ô nhiễm, không bị tảo độc và khí độc…

Empty

Hiện tượng ngao chết ở các huyện Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên là do mật độ nuôi quá dày. Ảnh: Thanh Nga.

“Ngao chết là do thả nuôi mật độ quá dày kết hợp bị ảnh hưởng do trời nắng, nước nóng cùng một số yếu tố bất lợi khác”, bà Nguyễn Thị Hoài Thúy, Trưởng phòng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) thông tin.

Theo bà Thúy, khảo sát thực địa của cơ quan chuyên môn cho thấy, tại xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà, mật độ nuôi ngao dày đặc, đạt từ 1.500 - 3.800 con/m2. Đây là mật độ nuôi trung bình cao gấp nhiều lần so với khuyến cáo kỹ thuật của các cơ quan chuyên môn (bình quân chỉ từ 150 – 350 con/m2). Dù yêu cầu về kỹ thuật này đã được tập huấn, thông tin và hướng dẫn nhưng nhiều hộ dân các bãi nuôi vẫn không tuân thủ hoặc ít quan tâm đến.

Ông Trần Văn Chung, xã Đỉnh Bàn là một trong những hộ thiệt hại hơn 40% số ngao giống thả nuôi (khoảng hơn 10 tấn). Ông Chung thừa nhận, khi thả giống, vì lo lắng trong quá trình nuôi sẽ bị hao hụt nhiều do ngao bị chết và triều cường cuốn đi nên ông thường thả mật độ dày (khoảng 1.600 - 2.000 con/m2). Hơn nữa ông cũng chưa lưu tâm đến việc thả nuôi mật độ dày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng, sức khỏe của ngao nên mới phải chịu thiệt đơn thiệt kép.

Empty

Cơ quan chuyên môn kiểm tra mật độ nuôi, lấy mẫu phân tích nguyên nhân khiến ngao chết hàng loạt. Ảnh: Thanh Nga.

Tương tự tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, mật độ thả nuôi có những thời điểm đạt 600 - 900 con/m2. Điều này dẫn đến ngao phải cạnh tranh về thức ăn phù du, môi trường sống khiến chúng suy giảm về tốc độ tăng trưởng, bị yếu.

Ngoài thả giống mật độ quá dày, quá trình sản xuất người dân tăng cường thâm canh, không cho nghỉ bãi, phơi bãi để vệ sinh, tiêu diệt mầm bệnh; thường thả ngao lớn và ngao bé lẫn vào với nhau… ảnh hưởng xấu đến môi trường nuôi cũng như khả năng kháng bệnh, phân loại ngao.

“Việc thả nuôi ngao tại các địa phương vẫn chủ yếu theo lối sản xuất truyền thống, chưa chú trọng đảm bảo theo quy trình kỹ thuật. Người nuôi thả mật độ rất dày vì mục đích tăng sản lượng thu hoạch trên cùng một đơn vị diện tích, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, tốc độ phát triển của ngao. Thực tế trong nhiều năm qua, khi thời tiết ở những giai đoạn chuyển mùa có nhiều bất lợi, các vùng nuôi đã xảy ra hiện tượng ngao chết hàng loạt gây thiệt hại nặng”, bà Nguyễn Thị Hoài Thuý nói.

Chi cục Thuỷ sản Hà Tĩnh khuyến cáo, để nghề nuôi ngao phát triển bền vững, suốt quá trình sản xuất, người dân cần tuyệt đối tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật đã được phố biến gồm: Thả mật độ con giống phù hợp từ 150 – 350 con/m2, kích cỡ giống tốt nhất từ 400 - 500 con/kg; không thả giống tại các khu vực có quá nhiều bùn.

Empty

Kiểm tra, giám sát quy trình sản xuất ngao giống. Ảnh: Thanh Nga.

Sau mỗi kỳ thu hoạch, phải cải tạo bãi nuôi, phơi bãi đúng quy trình kỹ thuật để chuẩn bị cho vụ nuôi tiếp theo; thường xuyên theo dõi bãi nuôi, tình trạng sinh sống, khi có hiện tượng ngao và môi trường thay đổi cần thông báo ngay cho các cơ quan quản lý để có biện pháp xử lý. Đồng thời, chọn giống nơi uy tín, đồng đều về kích cỡ, được kiểm dịch trước khi chuyển từ trại giống về bãi nuôi.

Toàn tỉnh Hà Tĩnh hiện có hơn 400ha nuôi ngao, tập trung ở các xã Mai Phụ, Thạch Châu (huyện Lộc Hà); Đỉnh Bàn (Thạch Hà); Cẩm Lĩnh, Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên); Kỳ Hà (thị xã Kỳ Anh)… Sản lượng hàng năm đạt khoảng hơn 3.900 tấn. Trong đó, vùng nuôi ngao thuộc xã Đỉnh Bàn (Thạch Hà) và Cẩm Lĩnh (Cẩm Xuyên) có diện tích lần lượt là 74,5ha và 20ha.

Xem thêm
Tổ đoàn kết trên biển góp phần chống khai thác IUU

BÌNH ĐỊNH Không chỉ tương trợ trong quá trình khai thác hải sản, các tổ đoàn kết trên biển ở Bình Định còn góp phần nâng cao ý thức cho ngư dân trong chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Cùng ngư dân Trà Vinh thắp sáng đèn trên biển

Trà Vinh Những suất quà tặng bà con ngư dân gồm bình ắc quy, đèn led, combo pin, túi thuốc, cuốn cẩm nang nhằm hỗ trợ, động viên ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển