| Hotline: 0983.970.780

Nuôi tôm 3 giai đoạn, giải pháp hoàn hảo trong xu thế mới

Thứ Ba 29/08/2023 , 17:12 (GMT+7)

Khác với phương thức truyền thống, nuôi tôm 3 giai đoạn dẫu tốn kém hơn nhưng an toàn hơn, hiệu quả kinh tế thu về cao chót vót.

Ông Ngô Đình Tưu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu (ngoài cùng) kiểm tra mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên cát. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Ngô Đình Tưu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu (ngoài cùng) kiểm tra mô hình nuôi tôm công nghệ cao trên cát. Ảnh: Việt Khánh.

“Toàn huyện Diễn Châu có hàng chục km giáp biển, đây chính là tiềm năng, lợi thế trời ban để địa phương phát triển lớn mạnh ngành nghề nuôi trồng thủy sản. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày một khó lường, dịch bệnh tràn làn do môi trường ô nhiễm nặng nề, người dân đã chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ, mạnh dạn đưa công nghệ cao vào canh tác để hạn chế rủi ro và nâng cao giá trị kinh tế.

Trên những khoảng không cát mặn vốn dĩ trống trơn trước đây, hơn 100 hộ đã không tiếc tiền của, công sức gầy dựng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, thời gian tới không chỉ gói gọn trong 200 ha này đâu”, ông Ngô Đình Tưu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Diễn Châu chia sẻ.

Trong số những hộ nói trên không phải ai cũng được hưởng niềm vui, thậm chí không ít người thua lỗ nặng nề. Riêng anh Nguyễn Văn Hòa, SN 1983, trú xã Diễn Kim có được thành công vang dội, chí ít là đến thời điểm này. Cần biết rằng người đàn ông ở ngưỡng tứ tuần thuộc tốp tiên phong, mạnh bạo vươn mình ra khỏi khuôn phép truyền thống để áp dụng nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao 3 giai đoạn ở dải đất bãi ngang đầy nắng và gió.

Dân trong nghề quả quyết nuôi tôm “ngốn” chi phí đầu tư vô cùng lớn, bởi thế nếu thuận buồm xuôi gió thì một bước lên tiên, bằng không thì cuốn chiếu đứng đường lúc nào chẳng hay. Nuôi truyền thống đã tốn kém, nuôi tôm 3 giai đoạn càng gian nan, áp lực gấp bội phần. Chính anh Nguyễn Văn Hòa mỗi khi ngẫm lại hành trình đã qua cũng có lúc giật mình thon thót. Đành rằng bén duyên với con tôm giúp anh có của ăn của để nhưng đổi lại là những đêm dài thức trắng, trằn trọc suy tư, tư tưởng luôn đấu tranh, giằng xé.  

Anh Nguyễn Văn Hòa thuộc tốp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm 3 giai đoạn. Ảnh: Việt Khánh.

Anh Nguyễn Văn Hòa thuộc tốp tiên phong trong việc ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm 3 giai đoạn. Ảnh: Việt Khánh.

Tham khảo bạn bè, người thân, quá bán khuyên anh không nên lao vào canh bạc với quá nhiều rủi ro. Nhưng thiết nghĩ nếu chấp nhận an phận thì mãi không ngóc đầu lên nổi, quyết tâm cao vút dần hun đúc thành ý chí sắt đá, đến năm 2019 anh chính thức bén duyên với nghề nuôi tôm, chân ướt chân ráo vào nghề anh chỉ dám đầu tư 3 ao nuôi để có cái nhìn tổng quan nhất. Qua 1 năm ròng rã theo dõi kỹ lưỡng, nhận thấy tình hình diễn tiến thuận lợi anh Hòa quyết chơi canh bạc tất tay, huy động thêm hàng tỷ đồng nhân rộng đến 16 ao, bao gồm 13 ao tôm, còn lại là hồ lắng, lọc.

Nuôi tôm công nghệ cao 3 giai đoạn có nhiều ưu điểm vượt trội, đặc biệt là giảm thiểu nguy cơ từ ô nhiễm môi trường, nguồn nước, nhất khi mùa mưa bão đổ bộ. Điểm khác biệt đến từ hệ thống dẫn khí với 2 nguồn riêng biệt. Thứ nhất là nguồn máy nén khí, không khí ngoài môi trường đi qua hệ thống ống nhựa, chảy tiếp qua đường dây dẫn nano (các đơn vị khí rất nhỏ), sau khi được sàng lọc sẽ tiếp cận, tăng khả năng khuếch tán oxi vào trong nước. Thứ hai là dùng quạt nước làm tăng độ hòa tan oxi, đồng thời thu gom rác, chất thải lắng đọng trong nước để đưa ra ngoài.

“Quy trình công nghệ cao 3 giai đoạn giúp tôm nuôi đạt tỷ lệ sống cao, duy trì tốc độ phát triển, tăng trưởng nhanh. Vụ nuôi chính tổng sản lượng thu về thường dao động từ 20 - 25 tấn, với giá bán khoảng 140.000 đồng/kg như hiện tại tổng doanh thu có thể đạt ngưỡng 3 tỷ đồng trở lên, trừ chi phí lãi tầm 1/3. Nếu thuận lợi mỗi năm có thể nuôi từ 2 - 3 vụ.

Từ khi vào nghề đến nay, trúng đậm nhất là vụ đông năm 2022. Còn nhớ 13 hồ nuôi cho tổng sản lượng 25 tấn, giáp tết nhu cầu thu mua lớn, giá cả tăng gấp đôi ngày thường giúp gia đình lãi ròng gần 3 tỷ đồng. Đầu ra của tôm thẻ chân trắng khá ổn định, mình triển khai theo hướng công nghệ cao càng thuận tiện trong việc xuất hàng, thông thường thương lái đến tận trang trại để gom tôm, lắm lúc chẳng có mà bán”, nông dân điển hình Nguyễn Văn Hòa trải lòng.

Mỗi vụ gia đình anh Hòa thả từ 1-1,2 triệu con giống, tổng chi phí bỏ ra khoảng 2 tỷ đồng. Tôm đạt trọng lượng bình quân 50-60 con/kg là bắt đầu xuất bán, hiếm khi để đến kích cỡ 30 - 40 con/kg vì khó nuôi và giá thành cao, lắm rủi ro.

Nuôi tôm 3 giai đoạn hạn chế tối đa dịch bệnh lại nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Quốc Toản.

Nuôi tôm 3 giai đoạn hạn chế tối đa dịch bệnh lại nâng cao chất lượng sản phẩm. Ảnh: Quốc Toản.

Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn không chỉ giúp khổ chủ ăn nên làm ra, cái hay của nó là tạo hiệu ứng lan tỏa hết sức tích cực. Tiếng lành đồn xa, nhiều người đã không quản ngại đường xá xa xôi, cất công tìm đến “tầm sư học đạo”. Chưa kể mô hình còn trực tiếp giải quyết bài toán việc làm cho 5 lao động chính với mức lương dạo động từ 7-10 triệu đồng, chưa kể 10-15 lao động thời vụ khác.  

Dù tình hình đang xuôi chèo mát mái nhưng với vốn liếng kinh nghiệm dạn dày, anh Hòa thừa hiểu mọi thứ không hẳn là màu hồng: “Nghề nuôi tôm đối diện với muôn vàn cái khó, khó từ kiểm soát chất lượng đầu vào đến xuyên suốt quá trình nuôi, tôm còn dưới hồ là còn rủi ro. Vụ đông cực kì khan hiếm con giống vì đối diện quá nhiều nguy cơ, các nhà cung ứng chỉ sản xuất mức độ cầm chừng. Đông lo đằng đông, hè lo đằng hè, nắng nóng kéo dài tạo điều kiện thuận lơi cho EHP (bệnh vi bào tử trùng) lây lan trên diện rộng, có giai đoạn mới thả giống được khoảng 1 tuần là dịch bệnh xuất hiện tràn lan, gia đình lo sốt vó.

Khó khăn thời điểm này là giá tôm đang trên đà tuột dốc, trong khi các dịch vụ đi kèm như thức ăn, thuốc men, công cán vận chuyển lại tăng phi mã, điều này khiến người nuôi trải qua nhiều phen điêu đứng. Thắng thua là chuyện bình thường trong kinh doanh, biết vậy nhưng cẩn trọng vẫn hơn”, nói đoạn anh Hòa cười xuề xòa.

Xem thêm
Một số nơi phát triển nóng nuôi cá nước lạnh

Cá nước lạnh đang có lợi thế phát triển mạnh ở nước ta. Tuy nhiên, việc sản xuất gặp không ít khó khăn về môi trường, dịch bệnh..., một số nơi phát triển nóng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.