| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Diện tích bỏ hoang vụ hè thu gia tăng

Thứ Ba 28/06/2022 , 07:06 (GMT+7)

Thời vụ cập rập, giá cả vật tư lại tăng quá cao nên vụ hè thu năm nay, diện tích đất lúa bỏ hoang đã gia tăng ở nhiều địa phương ở Nghệ An.

Thời vụ gieo cấy quá eo hẹp

Vụ hè thu ở Nghệ An phải tránh né được lụt bão cuối vụ. Mùa mưa, bão ở Nghệ An thường được bắt đầu từ sau ngày 10/9 hàng năm. Vì vậy, ngoài việc gieo cấy lúa hè thu càng sớm càng tốt, còn phải sử dụng các giống lúa có thời gian sinh trưởng càng ngắn ngày để an toàn, tối đa không nên quá 105 ngày.

Vụ hè thu năm nay, do lúa vụ đông xuân kéo dài thời gian sinh trưởng và thu hoạch muộn nên nông dân phải vội vàng gặt lúa xuân đến đâu gieo cấy lúa hè thu đến đó, thậm chí "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm" để phấn đấu gieo cấy xong lúa hè thu tốt nhất trước ngày 10/6, chậm nhất đến ngày 15/6, trường hợp đặc biệt mới kéo dài đến ngày 20/6.

Vụ hè thu năm nay, lịch gieo cấy rất eo hẹp do lúa đông xuân thu hoạch muộn. Ảnh: Xuân Hoàng.

Vụ hè thu năm nay, lịch gieo cấy rất eo hẹp do lúa đông xuân thu hoạch muộn. Ảnh: Xuân Hoàng.

Vụ lúa hè thu năm 2021, đến ngày 10/6 toàn tỉnh đã gieo cấy được 52.132 ha và đến ngày 15/6 cơ bản gieo cấy xong 61.843 ha thì vụ hè thu năm nay cùng thời điểm trên (10/6) chỉ gieo cấy được 35.164 ha. Các địa phương có diện tích lúa hè thu được gieo cấy nhanh nhất là các huyện Yên Thành, Diễn Châu. Những huyện còn lại tiến độ gieo cấy vụ lúa hè thu năm nay rất chậm, điển hình như Thanh Chương, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu…

Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến việc triển khai gieo cấy vụ hè thu năm nay chậm hơn so với các năm trước đây, bởi vụ lúa xuân vừa qua thu hoạch chậm hơn so với năm bình thường từ 8 đến 10 ngày do ảnh hưởng dị thường của thời tiết. Mặt khác, do giá cả các loại vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng quá cao, trong khi đó giá các loại nông sản lại thấp và đặc biệt diễn biến của thời tiết trong vụ sản xuất hè thu rất khó lường, nên bà con nông dân ở một số địa phương càng không mặn mà với vụ sản xuất hè thu năm nay.

Nhiều diện tích bỏ hoang

Yên Thành là huyện trọng điểm lúa của cả tỉnh và là địa phương rất thuần nông, bà con nông dân ở đây rất coi trọng "tấc đất là tấc vàng". Vậy mà vụ hè thu năm nay vẫn có nhiều diện tích bị bỏ hoang.

Ông Nguyễn Hồ Sơn, Chủ tịch UBND xã Lăng Thành, huyện Yên Thành cho biết, hè thu là vụ sản xuất không chắc ăn, sâu bệnh nhiều, năng suất lúa cũng không cao. Trong khi đó giá các loại phân bón năm nay tăng quá cao, giá thuê máy làm đất, gieo cấy… tất cả đều tăng từ 1,5 – 2 lần so với vụ hè thu năm 2021. Vì vậy, việc có nhiều hơn diện tích đất lúa bị bỏ hoang là dễ hiểu.

Nhiều diện tích sau khi thu hoạch xong vụ đông xuân, bà con không sản xuất vụ hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng.

Nhiều diện tích sau khi thu hoạch xong vụ đông xuân, bà con không sản xuất vụ hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng.

Ông Lê Văn Hồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Yên Thành cho biết thêm, khả năng vụ lúa hè thu năm nay nông dân ở một số xã trong huyện bỏ hoang ruộng là không thể tránh khỏi. Điển hình như các xã Đô Lương, Lăng Thành, Hợp Thành, Mã Thành, Long Thành, Nhân Thành… Trước tình hình đó, UBND huyện đã chỉ đạo UBND các xã tuyên truyền, vận động nông dân gieo cấy hết diện tích, khuyến khích các tổ chức đoàn thể tại địa phương như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… nhận những thửa ruộng bà con bỏ hoang để gieo cấy khép kín diện tích.

Tại huyện Diễn Châu, cũng không thể tránh khỏi tình trạng người dân bỏ hoang ruộng trong vụ hè thu. Điển hình bỏ hoang nhiều trong vụ hè thu năm nay có các xã Diễn Tháp, Diễn Yên, Diễn Trường, Diễn Lâm…, trong đó riêng xã Diễn Tháp chỉ có 160 ha lúa, nhưng vụ hè thu này chỉ gieo cấy 50 ha, số diện tích còn lại 110 ha bỏ hoang.

Ông Lê Thế Hiếu, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Diễn Châu cho biết, vụ hè thu năm nay, UBND huyện chỉ có kế hoạch gieo cấy 8.000/9.000 ha, 1.000 ha còn lại có 400 ha sâu trũng để lúa tái sinh, 400 ha sản xuất không ăn chắc bà con nông dân bỏ hoang và 200 ha chuyển sang cây trồng khác. 

Tại huyện Hưng Nguyên, địa phương khởi đầu phong trào chuyển đổi mùa vụ, từ vụ lúa mùa bấp bênh sang vụ lúa hè thu ăn chắc. Hôm nay đi trên những cánh đồng mênh mông qua các xã Hưng Thịnh, Hưng Phúc, Hưng Lợi, Hưng Châu…, vô vàn những thửa ruộng còn nguyên gốc rạ sau khi thu hoạch lúa xuân, chắc chắn đến bây giờ ruộng chưa cày bừa làm đất thì chỉ có bỏ hoang.

Ông Hồ Xuân Huệ, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thị trấn Hưng Nguyên cho biết, toàn HTX có 230 ha lúa được gieo cấy cả 2 vụ xuân và hè thu. Nhưng vụ hè thu năm nay bà con chỉ gieo cấy 110 ha, còn lại 120 ha bỏ hoang.

Rất nhiều diện tích đất lúa ở Nghệ An nông dân bỏ hoang ở vụ hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng.

Rất nhiều diện tích đất lúa ở Nghệ An nông dân bỏ hoang ở vụ hè thu. Ảnh: Xuân Hoàng.

Được hỏi vì sao bà con nông dân bỏ hoang ruộng nhiều như vậy, ông Hồ Xuân Huệ trả lời ngay: "Giá phân bón, giống, thuốc trừ sâu bệnh, thuê máy làm đất… quá cao, dân không chịu nổi. Sản xuất 1 sào lúa trong vụ hè thu, nếu được mùa thì cho năng suất từ 230 – 250 kg, tương đương với giá trị 1,6 – 1,7 triệu đồng. Trong khi đó chi phí bỏ ra lên đến 1,5 – 1,6 triệu đồng/sào thì rõ ràng có làm mà không có ăn. Nếu mất mùa do mưa, lụt, bão gây ra thì thua lỗ to.

Như vậy, khả năng vụ lúa hè thu năm nay sẽ có nhiều diện tích đất bỏ hoang là điều khó tránh khỏi. Qua tìm hiểu nguyên nhân chủ yếu xẩy ra tình trạng này, đại bộ phận các ý kiến cho rằng:

- Giá các loại vật tư phục vụ sản xuất quá cao, nhất là giá phân bón các loại tăng gấp 2 lần so với đầu năm 2021.

- Vụ lúa xuân năm nay thu hoạch chậm hơn từ 8 – 12 ngày, kéo theo thời vụ gieo cấy lúa hè thu cũng chậm lại, không thể đảm bảo khung thời vụ cho phép để có một vụ sản xuất an toàn. Trong khi đó, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là trong vụ sản xuất hè thu khó tránh được mưa to, lụt lớn, bão nhiều thường xẩy ra vào cuối vụ khi lúa chuẩn bị thu hoạch.

- Lao động trẻ, khỏe trong nông thôn hiện nay phần lớn đi làm ăn xa, đi lao động ở các khu công nghiệp, đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Vì vậy, lao động phục vụ tốt cho sản xuất nông nghiệp bị thiếu vắng nhiều.

- Ngoài 4 nguyên nhân nói trên, còn có một nguyên nhân không kém phần quan trọng, đó là giá các loại nông sản quá thấp, sản phẩm làm ra không đủ bù đắp chi phí sản xuất nên khó khuyến khích bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.