| Hotline: 0983.970.780

Sản xuất vụ hè thu năm 2022, Hà Tĩnh đối mặt nhiều khó khăn

Thứ Năm 09/06/2022 , 12:58 (GMT+7)

Thu hoạch vụ Xuân chậm, nguồn bệnh đạo ôn tồn dư trên đồng ruộng lớn khiến kế hoạch sản  xuất vụ hè thu năm 2022 tỉnh Hà Tĩnh gặp nhiều khó khăn.

Vụ hè thu năm 2022 lịch gieo cấy của Hà Tĩnh chậm từ 8 - 10 ngày. Ảnh: Thanh Nga.

Vụ hè thu năm 2022 lịch gieo cấy của Hà Tĩnh chậm từ 8 - 10 ngày. Ảnh: Thanh Nga.

Thời điểm này những năm trước, gần 45.000 ha vụ hè thu của tỉnh Hà Tĩnh đều đã gieo cấy kín diện tích, thậm chí một số địa phương xuống giống sớm lúa đã lên lá mới, đẻ nhánh. Tuy nhiên năm nay, do toàn tỉnh thu hoạch vụ xuân kết thúc muộn hơn cùng kỳ nhiều năm từ 8 - 10 ngày dẫn đến chậm thời vụ vụ hè thu.

Ông Trần Xuân Nam, xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn cho biết, vụ này gia đình ông gieo cấy gần 1 mẫu ruộng nhưng đến nay chỉ mới xuống giống được gần 5 sào, còn lại đang phải chờ vào máy làm đất.

“Thời điểm này cũng là thời vụ xuống giống một số cây trồng cạn nên việc huy động máy móc làm đất cũng khó khăn hơn. Chúng tôi đang lo gieo cấy chậm lịch cuối vụ thu hoạch sẽ gặp mưa lũ lớn”, ông Nam nói.

Cũng đang “vắt chân lên cổ” chạy đua thời vụ, ông Nguyễn Hồng Hà, xã Thạch Liên, huyện Thạch Hà chia sẻ, các năm trước, vào thời điểm này, cánh đồng lúa của thôn Thọ đã cơ bản hoàn thành xuống giống vụ hè thu nhưng năm nay mới chỉ hơn 50% diện tích được cày ải, làm đất.

“Hiện nước đã về đến tận ruộng nhưng chúng tôi đang phải xếp lịch chờ máy cày”, ông Hà nói.

Theo ông Lê Văn Thuận, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Thạch Hà, dù huyện đã chỉ đạo bà con tranh thủ thời gian và huy động tối đa máy móc xuống đồng, tuy nhiên, do tiến độ thu hoạch lúa xuân vẫn chậm hơn cùng kỳ nhiều năm từ 8 - 10 ngày nên thời vụ sản xuất hè thu cũng bị chậm lại. Nhằm đảm bảo “ăn chắc”, né tránh thiên tai, huyện tập trung chỉ đạo làm đất đến đâu gieo cấy đến đó, đồng thời, cơ cấu các giống ngắn ngày (dưới 100 ngày), nhất là ở những vùng khả năng ngập lụt cao như xã Thạch Đài, Tân Lâm Hương, Lưu Vĩnh Sơn, Việt Tiến, Tượng Sơn...

Một số địa phương làm đất cũng đang rất chậm. Ảnh: Thanh Nga. 

Một số địa phương làm đất cũng đang rất chậm. Ảnh: Thanh Nga. 

Sản xuất lúa vụ hè thu năm nay chậm diễn ra đồng thời ở tất cả các địa phương trong tòan tỉnh. Đến thời điểm này, diện tích làm đất mới đạt hơn 36.000/45.000 ha; xuống giống hơn 20.000 ha. Một số địa phương tiến độ cày ải, làm đất còn khá chậm như TX Hồng Lĩnh, huyện Hương Sơn, TP Hà Tĩnh, Lộc Hà…

Tại thị xã Hồng Lĩnh, tiến độ làm đất cũng mới đạt hơn 50%, vì thế, việc hoàn thành theo kế hoạch của tỉnh trước 15/6 rất khó thực hiện.

Lãnh đạo phòng Kinh tế thị xã Hồng Lĩnh cho biết, nếu tập trung cao độ thì cũng phải trong khoảng 20/6 toàn bộ diện tích mới gieo cấy xong.

“Bây giờ các chi phí sản xuất đầu vào như phân bón, lúa giống, máy cày, thuốc bảo vệ thực vật… đều tăng phi mã khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với việc trồng lúa. Điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến tiến độ gieo cấy”, vị lãnh đạo nhấn mạnh.

Không chỉ căng thẳng về lịch thời vụ, ngành chuyên môn và bà con đang lo ngại dịch bệnh sẽ phát sinh gây hại giai đoạn đầu vụ.

“Giữa tháng hè cao điểm nhưng thời tiết ở Hà Tĩnh vẫn mưa nắng đan xen thất thường, nền nhiệt thay đổi đột ngột. Theo kinh nghiệm nhiều năm, ở thời kỳ mạ, lá lúa non, mềm mỏng nhiều khả năng sẽ xuất hiện bọ trĩ, sâu cuốn lá nhỏ gây hại. Do đó, trước khi gieo, tôi làm đất khá kỹ và cũng đã phun thuốc phòng ngay khi xuống giống xong”, ông Nam, trú thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc nói.

Nhận thấy nguy cơ sâu bệnh có thể đe đọa lúa hè thu, đặc biệt, khi mầm bệnh đạo ôn cổ bông đang tồn dư lớn trên đồng ruộng, nhiều bà con ở huyện Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà... còn đầu tư thêm chế phẩm vi sinh để phân giải gốc rạ, vừa vệ sinh đồng ruộng sạch hơn để chuẩn bị cho khâu làm đất, vừa xử lý các mầm bệnh có thể tiềm ẩn trong rơm rạ cũ.

Theo dự báo của ngành chuyên môn, vụ sản xuất hè thu năm nay có khả năng sẽ phải đối mặt với một số sâu bệnh hại như sâu cuốn lá nhỏ, bọ trĩ, rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột, bệnh khô vằn… Riêng giai đoạn đầu vụ sẽ là hai đối tượng chủ yếu: bọ trĩ và sâu cuốn lá nhỏ.

Dù nông dân 'vắt chân lên cổ' để đẩy nhanh tiến độ song nguy cơ gặp mưa lũ vào cuối vụ rất cao.

Dù nông dân "vắt chân lên cổ" để đẩy nhanh tiến độ song nguy cơ gặp mưa lũ vào cuối vụ rất cao.

Chi cục Trồng trọt và BVTV Hà Tĩnh đề nghị các địa phương tập trung huy động nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ gieo cấy vụ hè thu, phấn đấu hoàn thành trước ngày 15/6. Ngoài ra, cơ cấu giống lúa ngắn ngày (nằm trong khung thời gian sinh trưởng 100 ngày) như N98, N87, Khang Dân đột biến, Khang Dân 18, Xuân Mai 12…. Đối với các vùng dễ bị ngập lụt, giống lúa và thời vụ phải đảm bảo thu hoạch trước ngày 10/9/2022.

Cùng với đó, người dân cần chú ý xử lý tốt khâu làm đất; bón phân cân đối, đầy đủ nhóm chất, gia tăng các sản phẩm như phân chuồng ủ hoai để giảm thiểu chi phí trong sản xuất; thường xuyên thăm đồng, phát hiện sớm, phòng trừ ngay các loại dịch bệnh gây hại.

Xem thêm
Tôm Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ gánh thêm thuế chống trợ cấp

Tôm Việt Nam, Ấn Độ, Ecuador xuất khẩu sang Hoa Kỳ có thể bị buộc trả thuế chống trợ cấp sơ bộ với mức dao động từ dưới 2% đến tối đa 196%.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

Tháp cao tầng là biểu tượng của các thành phố lớn trên thế giới

Cùng chiêm ngưỡng những tòa cao ốc đã và đang góp phần quảng bá hình ảnh của các thành phố và quốc gia lớn trên thế giới.

Chuyên gia: 'Thế giới có gì, Vinhomes Royal Island có đó, thậm chí còn có nhiều hơn'

Đảo Vũ Yên (Hải Phòng) đang là 'tâm chấn' của thị trường BĐS kể từ sau khi Vinhomes Royal Island chính thức ra mắt.

Bình luận mới nhất