Bố trí gieo sạ hợp lý
Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Trung bộ, hiện tượng ENSO tiếp tục duy trì ở trạng thái La Nina đến các tháng đầu mùa hè sau đó chuyển sang trạng thái trung tính.
Từ tháng 5-10 tổng lượng mưa phổ biến xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm cùng kỳ từ 5-40%, phổ biến từ 600-1.000mm, vùng núi 1.000-1.500mm. Mực nước trên các sông trong tỉnh ít bị biến đổi đến dao động nhỏ, riêng cuối tháng 5 đầu tháng 6 có dao động đến xuất hiện lũ nhỏ trên một số sông suối nhỏ. Tháng 9, 10 trên các sông có khả năng xuất hiện 1-2 trận lũ vừa và nhỏ.
Theo Sở NN-PTNT Khánh Hòa, đến thời điểm hiện nay, dung tích tích trữ tại các hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh trung bình đạt 79% so với thiết kế. Để chuẩn bị tốt cho vụ hè thu, vụ mùa năm 2022, ngành nông nghiệp tỉnh đề nghị các địa phương cần nhanh chóng rà soát, đánh giá tình hình cung ứng giống, vật tư nông nghiệp tại các hợp tác xã, cơ sở kinh doanh trên địa bàn trước vụ sản xuất. Nếu nguồn cung ứng giống, vật tư không đủ cần báo cáo ngay về Sở NN-PTNT để có giải pháp tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Về cơ cấu giống chủ lực sản xuất vụ hè thu trên địa bàn tỉnh gồm ML48, ML202, ML214, OM 4900 và các giống bổ sung như TH41, TH6, OM 7347, OM 6979 và Đài thơm 8; còn vụ mùa ML202, ML48 và TH41.
Để tránh các yếu tố bất thuận của thời tiết và sâu bệnh trong vụ hè thu, ngành nông nghiệp tỉnh đưa ra khung thời vụ gieo sạ từ ngày 21/4 đến 30/4 (trà 1) và từ 25/5 đến 5/6 (trà 2); còn vụ mùa từ ngày 5/10 đến 15/10.
Ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa lưu ý trên một cánh đồng cần bố trí cơ cấu giống lúa với tỷ lệ hợp lý, mỗi giống không quá 30% diện tích.
Các địa phương phải chỉ đạo gieo sạ tập trung để tránh các đợt cao điểm phát sinh sâu bệnh hại, cũng như giúp dễ điều tiết nước tưới, thu hoạch cơ giới được thuận lợi. Riêng các huyện, thành phố phía Nam của tỉnh, ít bị ảnh hưởng của gió nóng trong vụ hè thu thì có thể gieo sạ lúa tập trung từ 10/5 đến 25/5 ở vùng chủ động nước.
Đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng
Ngoài những vấn trên, ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa còn khuyến cáo các địa phương trong chỉ đạo sản xuất là vùng chủ động và an toàn nguồn nước cần bố trí lịch thời vụ đúng kế hoạch, đầu tư thâm canh sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao; gieo sạ tập trung vào trà chính vụ.
Còn vùng không chủ động hoàn toàn nguồn nước, có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ cần xây dựng kế hoạch chống hạn để chủ động khai thác sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả, kết hợp với việc gieo sạ sớm, sử dụng các giống chịu hạn, giống ngắn ngày hoặc chuyển đổi sang cây rau màu có thời gian sinh trưởng ngắn để hạn chế đến mức thấp nhất do hạn hán gây ra. Vùng không có khả năng tưới thực hiện chuyển đổi mùa vụ hoặc dừng sản xuất tránh thiệt hại do nắng hạn.
Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp khuyến khích luân canh, xen vụ với cây trồng cạn ngắn ngày trên đất trồng lúa chủ động tưới tiêu. Chẳng hạn như lúa đông xuân sớm- bắp, rau đậu các loại xuân hè - lúa hè thu; lúa đông xuân sớm- lúa xuân hè - bắp, rau đậu các loại hè thu.
Tuy nhiên đối với vùng chuyển đổi cây trồng, luân canh, sản xuất cây trồng cạn ngắn ngày, các địa phương hướng dẫn cho nông dân chọn sử dụng giống như đậu xanh; lạc; bắp lại và một số giống bắp nếp.
Theo ông Lê Bá Ninh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Khánh Hòa, các địa phương cần khuyến cáo, vận động nông dân sử dụng các giống lúa cấp xác nhận, lượng giống sử dụng từ 100-120kg/ha; áp dụng chương trình “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng”, quản lý dịch hại tổng hợp, hạn chế phun thuốc trừ sâu cho cây lúa trước 45 ngày nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Cùng với đó quán triệt đến đến từng địa phương cụ thể về khả năng đảm bảo nguồn nước, không sản xuất diện tích vượt quá năng lực phục vụ của công trình thủy lợi. Gieo sạ tập trung theo từng khu vực, từng cánh đồng để rút ngắn thời gian gieo sạ và tiết kiệm nước tưới, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng tại những nơi có khả năng thiếu nước.