| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Nguy cơ thiếu nước tưới

Thứ Năm 13/02/2020 , 09:24 (GMT+7)

Thông qua công tác dự báo, nhiều khả năng Nghệ An sẽ đối mặt với nguy cơ hạn hán cục bộ và xâm nhập mặn trong thời gian tới.

Mùa khô năm nay Nghệ An nhiều khả năng đối diện với hạn nặng.

Mùa khô năm nay Nghệ An nhiều khả năng đối diện với hạn nặng.

Đáng lo ngại

Thống kê từ Chi cục Thủy lợi – Sở NN-PTNT Nghệ An cho thấy, tổng lượng mưa trung bình năm 2020 (tính đến 31/1) chỉ đạt 11,0 mm, thấp hơn nhiều so với trung bình nhiều năm (15,7 mm). Với thực trạng nguồn nước trong vài tháng trở lại đây, nhiều khả năng trên địa bàn sẽ xảy ra hạn hán, thiếu nước và xâm nhập mặn vào mùa khô.

Diễn tiến lúc này thực sự đáng quan ngại, trong số gần 650 hồ chứa thủy lợi do doanh nghiệp và các xã, HTX quản lý chỉ vỏn vẹn… 28 hồ đầy nước.

Tại các đầu mối chính (thượng lưu cống Nam Đàn, cống Bến Thủy, Nghi Quang, Diễn Thủy, Mụ Bà, Đô Lương) tình hình cũng không mấy khả quan. Hiện mực nước sông Lam xuống thấp buộc một số trạm bơm phải hoạt động cầm chừng, đặc biệt là các trạm tại 2 huyện Đô Lương và Thanh Chương.

Lượng nước thiếu hụt nhiều tháng nay.

Lượng nước thiếu hụt nhiều tháng nay.

Lượng nước từ thượng nguồn đổ về nhỏ giọt suốt thời gian dài khiến các nhà máy thủy điện trên địa bàn trải qua nhiều phen lao đao, từ đó ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất trong năm.

Trao đổi với PV NNVN, ông Tạ Hữu Hùng, Giám đốc Công ty Thủy điện Bản Vẽ cho biết: “Các tháng cuối năm 2019 lưu lượng nước đổ về hồ chứa thấp hơn nhiều so với bình quân nhiều năm, tương ứng với tần suất 99%, con số thấp nhất trong 60 năm qua. Vừa qua đơn vị đã làm việc với Sở NN-PTNT để chủ động giảm tối đa sản lượng phát, tích dần nước để đảm bảo cấp đủ cho mùa cạn năm nay”.

Theo ông Hùng, mùa cạn 2020 tình hình thuỷ văn tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều khả năng sẽ duy trì chuỗi dòng chảy kiệt kéo dài như những tháng trước đó. Để đối phó, từ tháng 2/2020 nhà máy đã thực hiện điều tiết hồ chứa theo Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Cả, qua đó cấp đủ nhu cầu nước tối thiểu cho vùng hạ du, đồng thời giữ mực nước trong hồ.

Chủ động phương án

Theo nhận định của cơ quan chuyên ngành, thời gian tới hàng loạt huyện vùng trung du, miền núi là Tân Kỳ, Anh Sơn, Thanh Chương, Đô Lương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Quỳnh Lưu… nhiều khả năng hạn nặng.

Khu vực bơm điện và vùng tự chảy thuộc Hệ thống thủy lợi Bắc cũng đối mặt với tình cảnh tương tự, lưu lượng đầu vào thiếu hụt kéo theo hệ thống kênh cấp 1, cấp 2 không có đủ nguồn nước theo thiết kế, dần dà dẫn đến khô hạn ở vùng cuối kênh N2, N8, N20, N22, N22D, N24, N26, N28, N13... thuộc địa phận các huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Yên Thành và thị xã Hoàng Mai.

Nhiều diện tích cây trồng sẽ thiếu nước.

Nhiều diện tích cây trồng sẽ thiếu nước.

Đánh giá tổng quan, ông Nguyễn Văn Lập, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT khẳng định: “Thời tiết không thuận lợi đã tác động không nhỏ đến kế hoạch chung, tuy nhiên ngành nông nghiệp cùng các đơn vị liên quan đã cho thấy sự linh hoạt, kịp thời bố trí phương án phù hợp theo đòi hỏi của tình hình thực tế. Vụ Xuân trước mắt chưa quá đáng lo, trong khi vụ Hè Thu được dự báo sẽ vô cùng khó khăn".

Trong khi đó, tại hệ thống thủy lợi Nam có thể xuất hiện nhiều “điểm nóng”, bao gồm công trình trạm 2, trạm 3 (xã Nam Lĩnh); trạm Bàu Nón (xã Nam Anh); trạm 4 AC (xã Hùng Tiến), trạm Nam Đông (xã Nam Kim), trạm Vân Diên của huyện Nam Đàn; trạm Hưng Châu; trạm bơm chuyền 12/9; trạm Cầu Bần của huyện Hưng Nguyên…

Nhằm chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn, đảm bảo cấp nước tưới cho vụ Xuân 2020, Chi cục Thủy lợi đã chủ động xây dựng phương án tưới, tiêu trên cơ sở cân đối nguồn nước (khi kết thúc mùa mưa), cũng như điều chỉnh kế hoạch sản xuất và cấp nước khi nguồn nước thay đổi.

Quá trình thực hiện, chính quyền địa phương và nhà nông phải sẵn sàng phương án dự trữ khi các nhà máy thủy điện tiến hành xả. Phải chủ động gieo cấy đúng kế hoạch, không triển khai ở khu tưới của những hồ chứa không đảm bảo dung tích. Phải gấp rút thực hiện các biện pháp ngăn mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.

Kế hoạch tưới vụ Xuân của Nghệ An trên 117.000 ha, trong đó diện tích lúa chiếm hơn 87.000 ha, còn lại là các loại rau màu khác. Hiện toàn tỉnh đã cơ bản hoàn thành việc gieo cấy.

Khó khăn đang chờ đón người nông dân phía trước.

Khó khăn đang chờ đón người nông dân phía trước.

Xem thêm
Nghề nuôi đà điểu gặp khó khăn chưa từng có

Hà Nội Trong trang trại của ông Tài, đàn đà điểu vục đầu ăn ở máng xong một con co chân chạy là tất cả các con khác cùng chạy theo, bụi cuốn bay mù mịt.

Mua heo không được lại gần chuồng xem heo

BÌNH ĐỊNH Một thợ chuyên mua heo thịt tại Bình Định chia sẻ, hiện người dân không còn cho thương lái vào chuồng như trước để tránh lây lan dịch bệnh từ ngoài vào trang trại.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.