| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Nhiều diện tích cao su bị phá bỏ để trồng cây khác

Thứ Tư 05/04/2023 , 06:45 (GMT+7)

Từng được ví như 'vàng trắng', nhưng những năm gần đây, ngày càng có nhiều diện tích cây cao su bị người dân ở Nghệ An phá bỏ để chuyển sang cây trồng khác.

Cây cao su có mặt trên vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ của Nghệ An từ thời Pháp thuộc. Ngày ấy, ở đây đã có đồn điền cao su Phủ Quỳ, nhưng quy mô chưa đầy 1.000ha. Sau ngày hoà bình lập lại, nhất là từ những năm 1960 của thế kỷ trước, cây cao su ở vùng Phủ Quỳ được phát triển lên đến gần 9.000ha, tập trung ở các huyện Nghĩa Đàn, Thị xã Thái Hoà, Quỳ Hợp và Tân Kỳ, trong đó nhiều nhất là Nghĩa Đàn với trên 2.500ha.

Vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ có diện tích khoảng 12.400ha, rất thích hợp cho việc trồng các loại cây ăn quả, cây công nghiệp lâu năm như cao su, cà phê, cam, chè… Riêng cây cao su những năm trước đây thu nhập khá ổn định cho người dân vùng miền núi. Nhưng những năm gần đây, cây cao su đi vào thế thăng trầm, nhiều diện tích bị đốn hạ để chuyển sang trồng cây khác.

Cao su từng là cây trồng mang lại ấm no cho người dân miền núi Nghệ An.

Cao su từng là cây trồng mang lại ấm no cho người dân miền núi Nghệ An.

Nhiều diện tích bị chặt bỏ

Bà Nguyễn Thị Hằng ở xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn bắt đầu tiến hành chặt bỏ gần 0,6ha cây cao su đang ở thời kỳ khai thác mủ. Được hỏi vì sao phải chặt bỏ những cây cao su đẹp như vậy, bà Hằng thở dài nói: "Có lẽ, vườn cao su của nhà tôi trồng phải giống kém hay sao mà cạo cả vườn gần 0,6ha chỉ được 35 – 40kg mủ, quá ít.

Mấy năm trước đây, tuy năng suất mủ không cao, nhưng còn bán được với giá từ 7.000 – 8.000 đồng/kg mủ, sau đó giá mủ cứ giảm dần và nay chỉ còn bán được với giá 4.000 – 5.000 đồng/kg. Tính ra cả vườn cao su mỗi ngày chỉ thu được 200.000 đồng, thu nhập không đủ để trả ngày công lao động, chưa kể các chi phí khác. Sau khi chặt bỏ hết cây cao su, nhà tôi sẽ chuyển sang trồng ổi, vừa dễ trồng, vừa là cây cho thu nhập cao hiện nay ở vùng này".

Ông Hồ Sỹ Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hồng cho biết: Nghĩa Hồng là xã trồng cây cao su nhiều nhất huyện Nghĩa Đàn. Những năm 2007 – 2009, giá mủ cao su ở mức 14.000 – 15.000 đồng/kg, người dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng lên đến gần 700ha.

Trong cơ chế thị trường hiện nay, việc giá cả lên xuống là chuyện bình thường. Thế nhưng, có thời điểm giá thu mua chỉ còn 4.000 – 5.000 đồng/kg, gây tâm lý chán nản đến người trồng. Hai năm nay, giá mủ cao su lại tăng lên 7.000 – 8.000 đồng/kg. Nhưng với giá đó, người trồng vẫn không có lãi, do giá ngày công đi thu hoạch và vật tư đầu vào tăng quá cao, trong khi năng suất mủ cũng thấp, nên rất nhiều hộ dân đã chặt bỏ những vườn cao su đang thời kỳ khai thác mủ để chuyển sang trồng cây ăn quả các loại để mong có thu nhập cao hơn.

Nhiều gia đình ở xã Nghĩa Hồng, Nghĩa Đàn chuyển diện tích trồng cao su qua trồng ổi

Nhiều gia đình ở xã Nghĩa Hồng (huyện) Nghĩa Đàn phá vườn cao su chuyển sang trồng ổi. Ảnh: Phú Hương.

Chính vì vậy, diện tích cao su của xã Nghĩa Hồng từ gần 700ha, nay chỉ còn lại 337ha. Theo ông Hồ Sỹ Minh, việc chặt bỏ nhiều cây cao su hiện nay để chuyển sang trồng cây khác có trách nhiệm của các nông trường chưa thực sự đồng hành cùng gắn bó với người sản xuất để chỉ đạo họ, hướng dẫn họ thực hiện tốt quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc… để cây cao su cho năng suất mủ cao, giúp người sản xuất có thu nhập khá hơn…

Điển hình nhất như gia đình chị Đinh Thị Lan ở xóm Hồng Trường (xã Nghĩa Hồng) cách đây gần 10 năm chuyển 0,5ha cam sang trồng cây cao su, đến tháng 6 năm 2022 cho thu hoạch mẻ mủ cao su đầu tiên. "Thời gian cạo mủ chỉ kéo dài được 6 tháng, năng suất lại quá kém, mỗi ngày trên diện tích 0,5ha ấy chỉ thu về được 7 – 8kg mủ, chất lượng mủ lại kém nên giá bán chỉ có 5.000 – 6.000 đồng/kg, thậm chí có hôm chỉ bán được từ 3.000 – 4.000 đồng/kg, thật không bỏ công đi cạo mủ từ khi trời chưa sáng", chị Lan ngán ngẩm.

Trước tình hình nhiều vườn cao su đang có nguy cơ bị chặt bỏ để chuyển đất sang trồng cây khác, ông Lê Đại Nhân, Phó Giám đốc Nông trường Cờ Đỏ cho biết, hiện nông trường có 646ha đất, trong đó có gần 300ha cao su. Một số vườn cây năng suất mủ thấp, thu nhập kém, nếu người dân có nhu cầu phá bỏ để chuyển sang trồng cây ăn quả, nông trường sẽ tạo điều kiện.

Cây cao su một thời được ví như

Cây cao su một thời được ví như "vàng trắng", nay bị đốn hạ để chuyển sang cây trồng khác. Ảnh: Phú Hương.

Tình trạng người dân chặt bỏ cây cao su để trồng cây ăn quả như ổi, quýt… đã và đang xẩy ra hàng ngày ở vùng Phủ Quỳ và hiện nay chưa có hồi kết. Theo báo cáo của Phòng NN-PTNT Nghĩa Đàn, chỉ riêng từ năm 2020 lại nay, diện tích cây cao su trên địa bàn huyện từ 1.500ha hiện chỉ còn khoảng 900ha.

Không riêng gì huyện Nghĩa Đàn, các địa phương khác như Thị xã Thái Hoà, huyện Quỳ Hợp, huyện Tân Kỳ… cũng diễn ra tương tự.

Giải pháp nào cho cây cao su hiện nay?

Cho dù thăng trầm như thế nào đi nữa, cây cao su vẫn được ví là “vàng trắng”, nó được xem là một trong 4 nguyên liệu chủ chốt trong ngành công nghiệp (than đá, sắt thép, dầu mỏ, cao su). Cây cao su không những đem lại nguồn thu nhập cho người dân ở vùng miền núi Nghệ An trong suốt thời gian vừa qua, mà nó còn là cây đóng góp rất tốt vào việc bảo vệ đất, chống xói mòn, chống biến đổi khí hậu, tạo môi trường sinh thái tốt…

Cây cao su sau nhiều năm khai thác kinh tế phải thanh lý, phần gỗ cây cao su cũng cho giá trị cao và hiện nay được xem là nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp, thủ công nghiệp trong việc sản xuất các mặt hàng từ gỗ như ván gỗ ép, bàn, ghế, đồ gia dụng…

Người dân Nghĩa Đàn phá cao su để trồng cây ngắn ngày. Ảnh: Hoàng Trinh.

Người dân Nghĩa Đàn phá cao su để trồng cây ngắn ngày. Ảnh: Phú Hương.

Những năm gần đây, đã có nhiều vườn cây cao su bị đốn hạ do nhiều nguyên nhân. Từ đó, lãnh đạo các địa phương, các doanh nghiệp và người trồng cao su cần rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục phát triển cây cao su ở vùng đất đỏ bazan Phủ Quỳ nhằm đem lại nhiều giá trị cho hôm nay và mai sau. Cụ thể:

Một: Theo kế hoạch của tỉnh Nghệ An, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh có 17.000ha cao su. Để đạt được mục tiêu này, ngoài việc phải có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh và lãnh đạo của các địa phương, ngành chủ quản là Sở NN-PTNT phải có quy hoạch rõ ràng, cụ thể về vùng đất trồng cây cao su trên loại đất nào, ở đâu, quy mô diện tích là bao nhiêu, thời gian trồng và diện tích trồng từng năm là bao nhiêu để đến năm 2025 có được 17.000ha như kế hoạch đề ra.

Nếu không có quy hoạch cụ thể thì rất dễ xẩy ra tình trạng tranh chấp đất đai giữa cây cao su với các loại cây trồng khác như đã xẩy ra hiện nay và chính không có quy hoạch cụ thể thì người trồng, chủ sử dụng đất đai sẽ trồng cây gì tuỳ ý họ.

Hai: Lựa chọn cây giống cây cao su thích hợp với đặc thù khí hậu ở Nghệ An, đó là khả năng chống chịu rét, nắng nóng gió Lào, gió bão, sinh trưởng tốt và cho năng suất cao. Qua kinh nghiệm và từ thực tế sản xuất cho thấy ở Nghệ An nên trồng các giống cây cao su như: RRI V1, RRI V3, RRIC 121, LH 83/85, GT1, Lai Hoa…

Nhiều diện tích cao su ở xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hoà đã được người dân chuyển sang trồng mía. Ảnh: Phú Hương.

Nhiều diện tích cao su ở xã Tây Hiếu, thị xã Thái Hoà đã được người dân chuyển sang trồng mía. Ảnh: Phú Hương.

Ba: Về công nghệ chế biến mủ cao su, phần lớn các nông, lâm trường và các cơ sở sản xuất cây cao su ở Nghệ An hiện nay đều có cơ sở chế biến mủ cao su, nhưng nên lựa chọn công nghệ chế biến mủ cao su cốm có thành phẩm RSV 3L, RSV 5L, RSV 10L…, tuy suất đầu tư khá cao, nhưng chi phí vận hành lại rẻ (chỉ bằng 60% chi phí theo công nghệ chế biến mủ từ xông khói), hơn nữa sản phẩm làm ra có thị trường tiêu thụ rộng rãi.

Bốn: Về công tác khuyến nông, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị làm công tác chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật với các cơ sở sản xuất cây cao su để tập huấn, hướng dẫn người trồng, chế biến mủ cao su nắm vững kỹ thuật trồng, thâm canh, chăm sóc, phòng chống sâu bệnh và chế biến mủ cao su đúng quy trình kỹ thuật để đạt được năng suất mủ cao, chất lượng sản phẩm tốt, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Năm: Cần tuyên truyền đến tận người trồng cây cao su hiểu và biết trồng cây gì, nuôi con gì trong cơ chế thị trường hiện nay phải luôn luôn có ý thức phấn đấu, vừa đảm bảo đạt được năng suất cao, vừa đảm bảo đạt được chất lượng tốt, được thị trường chấp nhận thì sản xuất mới có hiệu quả. Chừng nào người sản xuất chưa tập trung vào đầu tư thâm canh, đầu tư vào chất lượng sản phẩm, mà chạy theo tình hình giá cả thị trường trong ngắn hạn để phát triển sản xuất thì sẽ còn tình trạng chặt phá, rồi lại trồng… cứ dẫm chân vào vòng luẩn quẩn ấy không bao giờ thành công.

Những vườn cao su bị người dân đốn hạ chuẩn bị chuyển sang trồng cây khác. Ảnh: Phú Hương.

Những vườn cao su bị người dân đốn hạ chuẩn bị chuyển sang trồng cây khác. Ảnh: Phú Hương.

Sáu: Đề nghị tỉnh Nghệ An và các ngành có liên quan như tài chính, ngân hàng… có cơ chế chính sách về tín dụng cho người trồng cao su, như: Được vay vốn ưu đãi để đầu tư trồng cao su với lãi suất thấp, thời gian trả nợ kéo dài năm thứ 8 đến năm thứ 15, khi đó là thời điểm cây cao su bước vào giai đoạn kinh doanh có lãi.

Đồng thời hỗ trợ xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu, giới thiệu sản phẩm cao su Nghệ An đến người tiêu dùng nội địa và quốc tế thông qua tổ chức triển lãm, hội nghị, hội thảo, tham gia hội chợ…

Xem thêm
Chăn nuôi Bắc Kạn vượt khó: [Bài 1] Cứu cánh từ đàn đại gia súc

Trong bối cảnh dịch tả lợn Châu Phi hoành hành gây thiệt hại lớn, chăn nuôi đại gia súc trở thành cứu cánh của nhiều người dân, hợp tác xã ở tỉnh Bắc Kạn.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.