| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An thắt chặt nguy cơ dịch tả lợn Châu Phi

Thứ Năm 16/12/2021 , 00:02 (GMT+7)

Bệnh dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn Nghệ An cơ bản được khống chế. Tuy nhiên nguy cơ dịch bệnh dịp cuối năm rât cao, cần thắt chặt kiểm soát.

Chi cục chăn nuôi thú y Nghệ An tăng cường kiểm tra, khuyến cáo người dân làm tốt công tác phòng dịch. Ảnh: Viết Lương.

Chi cục chăn nuôi thú y Nghệ An tăng cường kiểm tra, khuyến cáo người dân làm tốt công tác phòng dịch. Ảnh: Viết Lương.

Chăn nuôi nông hộ khó kiểm soát dịch bệnh

Theo Chi cục Chăn nuôi – Thú y Nghệ An, bệnh dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn. Bệnh gây sốt cao, xuất huyết nặng và có thể gây chết 100% số lợn mắc bệnh. Bệnh chỉ lây nhiễm trên loài lợn (bao gồm lợn rừng và lợn nhà), không gây bệnh cho các động vật khác. Bệnh DTLCP không lây sang người.

Bệnh lây chủ yếu trực tiếp từ lợn mắc bệnh sang lợn khỏe mạnh. Ngoài ra, bệnh có thể lây lan gián tiếp thông qua thức ăn thừa dùng để chăn nuôi, phương tiện, dụng cụ chăn nuôi, quần áo có chứa chất mang virus. Loài ve mềm cũng có thể làm lây truyền virus sang lợn.

Virus gây bệnh DTLCP có sức đề kháng cao với môi trường. Ở nhiệt độ phòng, virus trong huyết thanh lợn sống được 18 tháng. Virus trong máu giữ trong tủ lạnh có thể sống đến 6 năm. Ở nhiệt độ càng lạnh, virus càng tồn tại lâu. Hiện nay bệnh DTLCP chưa có vacxin phòng bệnh. Vì thế người chăn nuôi cần đề cao các biện pháp đã được cơ quan chuyên môn khuyến cáo, thực hiện tốt việc phòng chống.

Về nguyên nhân dịch vẫn âm ỉ, không hết, có thời điểm bùng phát mạnh trên diện rộng, cơ quan chuyên môn cho rằng, từ đầu tháng 9/2012 đến nay, do ảnh hưởng của các đợt mưa lớn, ngập lụt trên diện rộng nên mầm bệnh từ các hố chôn gia súc chết, các chất thải tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, phương tiện vận chuyển theo dòng nước phát tán ra môi trường.

Một số hộ chăn nuôi còn dấu dịch. Khi vật nuôi mắc bệnh, không khai báo mà tự ý lấy mẫu gửi xét nghiệm, cố tình giết mổ để tiêu thụ.

Lực lượng kiểm dịch động vật của Nghệ An đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật qua địa bàn nhằm siết chặt nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Ảnh: V. Lương

Lực lượng kiểm dịch động vật của Nghệ An đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển động vật qua địa bàn nhằm siết chặt nguy cơ lây lan dịch bệnh trên địa bàn. Ảnh: V. Lương

Công tác phòng chống dịch bệnh động vật thời gian qua bị ảnh hưởng lớn do dịch bệnh Covid-19 nên bệnh DTLCP bùng phát ở Nghệ An. Tuy nhiên, hiện dịch chỉ còn phát sinh một số nơi nhỏ lẻ tại các hộ chăn nuôi nông hộ không đảm bảo điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, thời gian tới, dịch sẽ phát sinh, lây lan mạnh, vì Nghệ An chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, nông hộ, không đủ điều kiện vệ sinh thú y, mầm bệnh tồn tại trong cơ thể lợn, lưu hành rộng rãi trong môi trường.

Bên cạnh đó, lưu lượng vận chuyển lợn trong dịp Tết Nguyên đán tăng cao; thời tiết diễn biến bất lợi như mưa, rét, chênh lệch giữa ban ngày với ban đêm lớn... Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật tại một số địa phương thời gian qua chưa được quan tâm.

Vừa phòng chống dịch bệnh, vừa đảm bảo nguồn cung thực phẩm

Để công tác phòng chống, kiểm soát bệnh dịch tả lợn Châu Phi kịp thời, hiệu quả, đảm bảo nguồn cung kịp thời cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành chỉ thị yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành, đơn vị liên quan tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định của Luật Thú y, các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của trung ương, của tỉnh. 

Tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn cho người dân nuôi áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thông tin kịp thời, chính xác cho người dân về tình hình dịch, nguy cơ tái phát, lây lan dịch, các biện pháp phòng, chống dịch theo nguyên tắc vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch, vừa bảo vệ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, tránh gây hoang mang trong xã hội. Quản lý tốt công tác giết mổ, tiêu thụ, vận chuyển, buôn bán động vật, sản phẩm động vật ra vào địa bàn. 

Sở NN-PTNT tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc phòng chống dịch tả lợn Châu Phi tại các địa phương; chỉ đạo chi cục chăn nuôi và thú y giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, cảnh báo sớm nguy cơ dịch bệnh. Đồng thời, phối hợp với UBND cấp huyện xử lý triệt để ổ dịch; triển khai các biện pháp phòng chống đói, rét cho vật nuôi; thực hiện tốt công tác kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển khỏi địa bàn tỉnh. 

Các phương tiện lưu thông được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ảnh: VL.

Các phương tiện lưu thông được cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An kiểm soát chặt chẽ nhằm giảm thiểu nguy cơ lây lan dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Ảnh: VL.

Các sở, ngành có liên quan, theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với Sở NN-PTNT, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh tả lợn Châu Phi.

Diễn Châu là một trong những huyện có bệnh dịch tả lợn Châu Phi lây lan khá nhiều. Hiện trên địa bàn dịch đang xảy ra tại 86 thôn/xóm tại 23 xã gồm: Diễn Lộc, Diễn Nguyên, Diễn Thái, Minh Châu, Diễn Phú, Diễn Thọ, Diễn Đồng, Diễn Quảng, Diễn Thành... Số lợn bị tiêu hủy do nhiễm dịch là 1.101 con, tổng trọng lượng gần 68 tấn lợn hơi.

Trước đây, dịch xảy ra trên cả lợn thịt, lợn nái, lợn giống, nhưng thời gian gần đây, dịch chủ yếu xảy ra trên đàn lợn nái đang mang thai, hoặc vừa sinh sản xong, nhất là các nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.

Tại huyện Yên Thành, dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 32/39 xã, thị trấn. Từ ngày 13/9 đến nay, bệnh dịch tả lợn Châu Phi xảy ra tại 416 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn 146 xóm, thuộc 32 xã, số lợn tiêu hủy 1.592 con, tổng trọng lượng gần 78 tấn.

Ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An cho biết, bệnh dịch tả lợn Châu Phi đang xảy ra tại 18 huyện, thị trên địa bàn Nghệ An.Hiện đã có 3 huyện hết dịch, gồm Kỳ Sơn, Nghĩa Đàn và Thị xã Cửa Lò.

Cũng theo ông Quỳnh, thời điểm cuối năm, sẽ cần nhiều lợn thịt vào dịp Tết, trong khi giá lợn đang bấp bênh, trong điều kiện chăn nuôi lợn nhỏ lẻ, không đảm bảo an toàn sinh học, người chăn nuôi cần quan tâm đến công tác phòng dịch nhằm đảm bảo an toàn cho đàn lợn.

Đối với các vật nuôi khác, mùa đông năm nay, người dân cần che chắn, vệ sinh chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn dự trữ cho trâu, bò. Đặc biệt, tiêm phòng vacxin bổ sung vụ thu cho đàn vật nuôi.

Xem thêm
Tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc

Ngày 3/5, tại phường Hải Xuân, TP Móng Cái, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện và tiêu hủy hơn 15.000 con vịt giống không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Điều ước của 'tỷ phú mía' xứ Thanh

THANH HÓA Theo ông Trần Ngọc Chế, để nông dân yên tâm gắn bó với cây mía, cần chính sách ưu đãi vay vốn của để mở rộng diện tích và cơ giới hóa đồng bộ.

Độ mặn trên hệ thống thủy lợi Tả Trạch đảm bảo cho sản xuất

Các đơn vị quản lý, khai thác kiểm tra độ mặn ở các trạm bơm, cống lấy nước trước khi vận hành để đảm bảo yêu cầu sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản.