| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An: Thiếu hụt kinh phí, hàng trăm công trình thủy lợi kêu cứu

Thứ Năm 28/11/2019 , 11:10 (GMT+7)

Nghệ An có 2 hệ thống thuỷ nông lớn, gồm thuỷ nông Bắc và thuỷ nông Nam. 

09-08-03_1
Nhiều hồ chứa trên địa bản tỉnh không đảm bảo an toàn. Ảnh: Việt Khánh.

Tỉnh Nghệ An là địa phương có hệ thống công trình thủy lợi dày đặc, hàng năm đảm bảo nước tưới, giải quyết tiêu úng cho hơn 262.000 ha cây trồng, đồng thời cung cấp nước cho các ngành kinh tế và sinh hoạt thường ngày của người dân. Tác động rất lớn đến quá trình phát triển KT-XH toàn tỉnh, tuy nhiên hiện trạng lúc này của các công trình thực sự đáng lo ngại.
 

Nguy cơ tiềm ẩn

Nghệ An có 2 hệ thống thuỷ nông lớn, gồm thuỷ nông Bắc và thuỷ nông Nam. Toàn tỉnh có hơn 625 hồ chứa (doanh nghiệp quản lý 96 hồ, địa phương 529 hồ), 615 trạm bơm, hàng trăm cống tưới, tiêu lớn nhỏ cùng 5.950 km kênh mương.

Trên địa bàn có 6 hồ đảm bảo dung tích trữ từ 10 triệu m3 trở lên (Vực Mấu, Vệ Vừng, Khe Đá, Sông Sào, Xuân Dương và Bàu Gia), 6 hồ khác có dung tích trữ từ 5 triệu đến dưới 10 triệu m3, riêng dung tích trữ ít hơn 1 triệu m3 chiếm đến hơn 550 hồ.

Qua khảo sát, phần lớn chất lượng các công trình không đảm bảo, luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là khi xảy ra thiên tai. Trong số này, hệ thống đập đất thô sơ, xây dựng từ lâu năm chiếm phần đa.

Điểm chung của các công trình là không đủ mặt cắt theo tiêu chuẩn, chất lượng thi công kém, điều này gây nên hiện tượng thẩm thấu mạnh, làm sủi nước trong phạm vi thân đập. Cùng với đó là tình trạng rò rỉ, thấm sâu hai bên vai đập, qua thời gian sẽ hình thành nhiều tổ mối gây ra sạt trượt và xói lở nghiêm trọng.

Theo chuyên gia, các hồ nhỏ dung tích dưới 1 triệu m3 chỉ đảm bảo ở mức tần suất lũ 5 - 10%, chưa kể những công trình do nhân dân xây dựng và quản lý mức độ thấp hơn nhiều, khi gặp mưa lũ lớn thường bị nước tràn qua, từ đó dẫn đến sự cố vỡ đập ở một số công trình.

Thật đáng quan ngại khi biết rằng, trong số hàng trăm hồ chứa lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh Nghệ An, cơ bản chỉ có Vực Mấu (phường Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai) là đáp ứng được tiêu chí của WB về tần suất lũ kiểm tra 0.01%.

Dù vậy xét mức độ an toàn cũng khá khiên cưỡng, công trình này có tuổi thọ hơn 40 năm, qua tác động thời gian nhiều hạng mục đã xuống cấp thấy rõ. Mặc dù các cấp ngành đã có động thái vào cuộc nhằm gia cố, tuy nhiên cơ bản chưa khắc phục được triệt để. Sống ngay cạnh “quả bom nước”, thành thử nhân dân sống trong vùng, đặc biệt là khu vực hạ lưu luôn canh cánh nỗi âu lo.

09-08-03_2
Đập Vực Mấu dù đáp ứng chỉ tiêu của WB về tần suất lũ nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ảnh: Quang Bửu.

Trong khi đó, thực trạng tại 5 hồ chứa thuộc nhóm ưu tiên số 1 cần xử lý cấp bách tình hình cũng rất đáng lưu tâm. Khảo sát tại hồ Khe Thị (xã Nghi Công, huyện Nghi Lộc) cho thấy phần mái thượng lưu bị sạt trượt, nước thấm nhiều ra phần mái hạ lưu, cống không có dàn công tác, tràn xả lũ xây tạm hiện đang bị xói lở mạnh.

4 hồ còn lại là Khe Cua (Châu Thuận, Quỳ Châu), Về Vừng (Đồng Thành, Yên Thành), Cầu (Minh Thành, Yên Thành) và Rú Giang (Kỳ Tân, Tân Kỳ) cũng gặp phải một số vấn đề tương tự.

Đến lúc này toàn tỉnh mới tiến hành sửa chữa, nâng cấp được 107 hồ chứa, phần còn lại chưa hề đả động do… đói vốn trầm trọng. Mặc dù địa phương đã triển khai một số giải pháp nhưng chẳng khác nào muối bỏ bể, nhìn chung nếu không có nguồn hỗ trợ kịp thời từ các cấp ngành Trung ương thì tình hình sẽ rất cam go.

Để chủ động công tác ứng phó trước mùa mưa bão năm nay, dù muốn hay không tỉnh Nghệ An buộc phải tự thân vận động để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy đến.

Trên tinh thần đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo thông qua những nội dung trọng tâm sau: xử lý sự cố, thực hiện quy trình vận hành công trình thủy lợi; đôn đốc các địa phương, đơn vị triển khai nghiêm túc công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng trên diện rộng, đặc biệt là các hồ chứa, các đầu mối tưới, tiêu lớn; rà soát các bộ phận xung yếu của công trình (tràn xả lũ, cống dưới đập, cửa van, máy đóng mở, xích cáp, thân đập, mang cống)... và các dự án mới được sửa chữa (hoặc xây dựng mới) chưa qua thử thách.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng xây dựng cơ chế phối hợp cụ thể giữa chính quyền địa phương với từng chủ hồ chứa thủy lợi, thủy điện, qua đó quy định rõ trách nhiệm trong công tác thông tin, vận hành, giám sát điều tiết và xả lũ phù hợp với các quy định hiện hành. Đồng thời kiên quyết xử lý đối với các trường hợp vi phạm dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản của nhân dân, của nhà nước.
 

Đẩy nhanh tiến độ dự án điểm

Từ 2014 đến nay, nhờ sự quan tâm của Bộ NN- PTNT, UBND tỉnh Nghệ An đã tập trung để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn (hồ chứa nước Bản Mồng; cống Nam Đàn 2; Dự án Sông Sào giai đoạn 2; dự án Quản lý rủi ro thiên tai WB3, WB5; Sửa chữa nâng cấp hệ thống tiêu Vách Nam và sông Bùng, Hệ thống tiêu Diễn - Yên 2...)

Trong số này, công trình hồ chứa nước Bản Mồng nhận được nhiều kỳ vọng. Dự án điểm nói trên được Bộ NN-PTNT phê duyệt tại quyết định số 1478/QĐ-BNN-XD ngày 26/5/2009, sau đó phê duyệt điều chỉnh, bổ sung một số nội dung thiết kế cơ sở và phê duyệt điều chỉnh TKKT-DT cụm công trình đầu mối tại quyết định số 3763/QĐ-BNN-XD ngày 20/9/2017.

Hồ chứa thủy lợi Bản Mồng thực hiện cùng lúc nhiều nhiệm vụ quan trọng, công trình khi đi vào hoạt động không chỉ cấp nước tưới cho 18.670 ha ven sông Hiếu (tưới tự chảy 4.446 ha, còn lại tưới động lực) và cấp nước cho hệ thống sông Cả về mùa kiệt khoảng 23 m³/s mà còn phục vụ hiệu quả cho công nghiệp dân sinh và chăn nuôi trong vùng hưởng lợi.

Ngoài ra, dự án còn góp phần quan trọng phát triển ngành nghề nuôi trồng thuỷ sản, tham gia cải tạo môi trường và trực tiếp cắt, giảm lũ cho hạ du sông Hiếu.

09-08-03_3
09-08-03_4
Công trình hồ chứa thủy lợi Bản Mồng đang được đẩy nhanh tiến độ. Ảnh: Việt Khánh.

Toàn bộ dung tích của hồ chứa Bản Mồng đạt 224,78.106m3, tổng mức đầu tư trên 3.744 tỷ đồng. Trong đó vốn xây dựng công trình đầu mối 1.915 tỷ đồng do Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 4 làm chủ đầu tư (gọi tắt là Ban 4) Phần vốn GPMB (1.452,458 tỷ đồng) do Sở NN- PTNT Nghệ An quản lý…

Quá trình triển khai đối mặt với không ít khó khăn, thách thức nhưng với sự nỗ lực không ngừng của các bên liên quan, tiến độ dự án đến thời điểm này cơ bản đảm bảo theo chỉ tiêu đề ra. Hiện gói thầu số 36 đạt khoảng 70%, gói thầu số 42 đạt 30%.

Kế hoạch tiếp theo sẽ thực hiện di dời trạm thủy văn Quỳ Châu và xây dựng mới trạm thủy văn cấp I Châu Thắng. Tiến hành gia công, lắp đặt cơ khí các hạng mục chính (cống xả sâu kết hợp xả cát, khe van tràn, cống lấy nước), phấn đấu hoàn thành thử khô cửa van cống xả sâu kết hợp xả cát trước khi chặn dòng đợt 2. Tương tự sẽ hoàn thành, phê duyệt hồ sơ thiết kế BVTC điều chỉnh chiều sâu chân khay đáy móng đập phụ trước 15/12/2019.

Với tình hình hiện tại, kế hoạch chặn dòng đợt 2 vào đầu tháng 12/2019, sau đó chính thức vận hành vào năm 2021 là mục tiêu hoàn toàn nằm trong tầm tay.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Giám đốc Ban 4 cho biết thêm, dựa trên kết quả tính toán kèm theo hồ sơ thiết kế do HEC2 lập, sau khi tiến hành chặn dòng đợt 2 và dẫn dòng qua 2 cống xả sâu kết hợp xả cát thì mực nước thượng lưu hồ Bản Mồng là +48,30m (ứng với tần suất p= 5%), về cơ bản không làm thay đổi nhiều đến mực nước tự nhiên.

Do đó mùa kiệt 2020 chưa ảnh hưởng quá lớn đến công tác giải phóng mặt bằng lòng hồ, tuy nhiên về lâu dài cần chủ động kế hoạch thực hiện để đáp ứng tối thiểu theo các mực nước lũ tần suất p = 5%.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Chi cục Thủy lợi Nghệ An đề nghị Trung ương, địa phương kịp thời bố trí nguồn vốn để các tổ chức khai thác hiệu quả các công trình thủy lợi nhằm củng cố năng lực và thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Tương tự, hàng năm có phương án hỗ trợ kinh phí duy tu các công trình xung yếu trước và sau mùa lụt bão.

Riêng giai đoạn 2019-2020, dự kiến cần 271 tỷ đồng để sửa chữa, nâng cấp tổng cộng 30 hồ chứa, trong đó nhóm ưu tiên số 1 có 5 công trình (72 tỷ đồng), nhóm ưu tiên 2 là 25 công trình (199 tỷ đồng).

Xem thêm
Chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt cho hộ nghèo ở Thanh Hóa

Tập đoàn Mavin và Tổ chức Tầm nhìn Thế giới Việt Nam (World Vision) vừa tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi vịt tại huyện Thường Xuân, Thanh Hóa.

Số hóa quản lý chó, mèo để phòng, chống bệnh dại

Để công tác phòng, chống bệnh dại có hiệu quả, chó, mèo nuôi ở các địa phương cần được quản lý chặt chẽ, nhất là thông qua việc áp dụng số hóa.

Cao điểm phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa xuân vào dịp nghỉ lễ 30/4

Theo Trung tâm BVTV phía Bắc, thời điểm phòng trừ tập trung sâu cuốn lá nhỏ từ 25/4 - 5/5. Sau khi phun lần 1, nếu mật độ còn cao tổ chức phun trừ lần 2.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm