| Hotline: 0983.970.780

Nghề... đổ máu

Thứ Hai 08/07/2013 , 09:47 (GMT+7)

Không biết từ bao giờ, ở ấp Tân Hiệp (xã Tân Bình, Dĩ An, Bình Dương), có một xóm cư dân nghèo từ các tỉnh ở cả 3 miền tụ về, mưu sinh bằng nghề gom nhặt kiếng (kính) vỡ. Cái nghề không phải ai cũng đủ gan làm, bởi nó khiến họ thường xuyên đổ máu.

Không biết từ bao giờ, ở ấp Tân Hiệp (xã Tân Bình, Dĩ An, Bình Dương), có một xóm cư dân nghèo từ các tỉnh ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam tụ về, mưu sinh bằng nghề gom nhặt kiếng (kính) vỡ. Cái nghề không phải ai cũng đủ gan làm, bởi nó khiến họ thường xuyên đổ máu.

Lúc hỏi thăm đường vào xóm kiếng, một người dân đã nửa đùa nửa thật “đe” tôi: "Vào đó coi chừng đổ máu nha”, khiến tôi không khỏi băn khoăn. Thực ra, tìm vào xóm kiếng không khó, bởi hai bên con đường đất nhỏ, ngoài những bao kiếng xếp la liệt, còn có rất nhiều mảnh kiếng vỡ vương vãi khắp nơi.


Đường vào xóm kiếng

Lời cảnh báo của người chỉ đường không hẳn là hù dọa. Bởi, con đường vào xóm đã xuống cấp vì những ổ trâu, ổ gà, lại thêm những mảnh kính vỡ vụn càng khiến cho các phương tiện lưu thông trên đường gặp nhiều khó khăn, chỉ cần tay lái không chắc là té ngã. Khi đó, mảnh kiếng vỡ đâm toạc da thịt là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra!

Xóm kiếng là một bãi đất trống, trên đó có hơn chục căn phòng nhỏ tuềnh toàng, “hàng rào” làm ranh giới giữa các phòng là những bao tải đựng kiếng vỡ dựng sát vách. Trong cái nắng gay gắt buổi trưa, những người thợ kiếng đầu đội nón lá, tay đeo găng bảo hộ, khuôn mặt đầm đìa mồ hôi, đỏ lựng, vẫn đang miệt mài làm việc.


Xưởng sản xuất bên trong xóm kiếng, ngổn ngang kiếng vỡ

Một phụ nữ bịt khẩu trang kín mít, đôi tay đeo găng đang thoăn thoắt hốt từng bụm kiếng vụn bỏ vào bao. Thấy tôi, chị dừng tay: “Anh đi đâu vậy? Coi chừng mảnh kính, sắc lắm đấy”. Tôi rón rén bước từng bước tránh mảnh kiếng vỡ nằm la liệt dưới đất, lại gần chị làm quen.

Chị cho biết tên Trang, 34 tuổi, quê Nghệ An. Làm nghề kiếng vỡ từ 4 năm nay. Gom xong đống kiếng vỡ vào bao tải, chị ngồi xuống, dùng búa tiếp tục đập những tấm kiếng khác cho nát vụn. Tiếng búa chan chát, tiếng kính vỡ loảng xoảng, âm thanh khô khốc, mảnh kiếng vụn văng tứ tung khiến tôi nổi da gà.

Chị Trang cho biết, xóm kiếng hình thành cách đây hơn chục năm. Ban đầu chỉ có mấy hộ ở miền Trung vào, đến giờ tăng lên gần 3 chục hộ rồi. Tôi nhìn quanh, những căn phòng lợp tôn, thấp tè. Chị Trang như hiểu ý tôi, nói: “Phòng này trời nắng thì nóng như lửa đốt, trời mưa thì ồn không chịu được nhưng được cái gần bãi kiếng nên cũng ráng ở. Trời nóng nực thế này, ở ngoài trời dễ chịu hơn chui vào phòng đấy”.


Rửa kiếng vỡ trước khi đập vụn

Chị Trang cho biết, mỗi ngày, từ sáng sớm, đàn ông trong xóm đạp xe ba gác tỏa đi khắp nơi để gom kiếng vỡ đến chiều tối mới về. Hôm sau, những người phụ nữ ở nhà sẽ làm công việc phân loại kiếng rồi lau chùi, cắt, đập… Trước khi chở đi bán cho các nhà máy kính, để được trả giá cao, kính vụn phải được phân loại và làm sạch. Sau khi phân loại, kính phải được làm sạch bằng nước, hóa chất, tùy theo độ bẩn.

“So với đàn ông, cánh nữ tụi tôi còn nhàn chán. Chứ hàng ngày chồng em và mấy người đàn ông trong xóm này đi mấy chục cây số, đến mọi nơi, từ bãi rác đến công trường xây dựng để gom kiếng, vất vả lắm”. Làm vất vả là thế nhưng thu nhập chẳng bao nhiêu. “Ngày nào khá thì hai vợ chồng cũng được chừng 2 trăm ngàn. Nhiều khi đi cả ngày mà chỉ được bốn, năm chục ngàn, không đủ tiền xăng và ăn uống. Đấy là trời nắng đẹp, chứ mưa thì đói luôn”.

Nói về nghề thu gom kiếng vỡ, ông Nguyễn Văn Bền (52 tuổi, quê An Giang), một trong những người đầu tiên là nghề đập kính “đúc kết” bằng một câu cụt ngủn: "Cực khổ và nguy hiểm". Cực vì đập kiếng chỉ có thể làm dưới trời nắng. Nguy hiểm vì chỉ cần một sơ suất nhỏ, họ cũng phải trả giá bằng máu và những vết sẹo trên cơ thể, suốt cuộc đời. Thậm chí phải đánh đổi bằng một phần cơ thể.


Trên tay, chân những người làm nghề gom kiếng vỡ, chỗ nào cũng có sẹo

Nói rồi ông chìa bàn tay cho tôi xem, những đầu ngón tay nát tươm vì sẹo, vết cũ vừa lành, đã có vết mới đè lên. Cổ tay, cánh tay ông cũng chẳng ít sẹo hơn “Sao chú không mua một đôi găng tay dày cho an toàn?”, tôi hỏi. “Kiếm đủ tiền mua gạo, mắm muối ngày 2 bữa là may rồi, lấy đâu ra mà mua bảo hộ. Nghề này kiếm tiền thì khó chứ kiếm vài “nhát” kiếng đâm trên da thịt thì dễ”, ông Bền cười chua chát.


Những đầu ngón tay nát tươm vì kiếng vỡ cứa

Anh Nguyễn Văn Ngọc, chồng chị Trang bảo: “Cực chẳng đã mới phải làm cái nghề này, chứ nguy hiểm lắm. Có người mù mắt vì mảnh kính bắn vào rồi đấy”. Gần đó, một phụ nữ khác trẻ hơn, mang bụng bầu khá to, cũng đang đập kiếng, chị tên Tình, 30 tuổi. Theo chồng vào đây làm nghề kiếng này từ hơn 1 năm nay.

 Đưa cánh tay có vết sẹo lồi khá to, chị nói: “Hồi đầu chưa quen, bị kiếng đâm, cứa chảy máu hoài. Giờ chân tay tôi đầy sẹo”. Chỉ tay vào người phụ nữ gần đó, chị Tình nói: “Chị ấy còn nhiều sẹo hơn tôi nữa. Có vết ở chân dài cả nửa gang tay”. Tôi hỏi: “Chị có bầu vậy mà cứ phải ngồi vậy chắc vất lắm?”. Chị đáp: “Biết làm sao được, một ngày kiếm mấy chục ngàn, không làm lấy gì ăn?”.

Anh Đặng Văn Đông (35 tuổi, quê Hà Tĩnh), theo nghề đập kiếng vài năm nay, kể: Nhiều hôm về, cởi áo ra giặt mới thấy rất nhiều vết máu đã khô, mới thấy sao cái nghề cực khổ, nguy hiểm quá, muốn bỏ nghề nhưng nghĩ nát óc mà chẳng nghĩ ra làm gì. Cuối cùng, lại tiếp tục cái nghề “đổ nhiều máu” này.


Kiếng đập vụn xong, gom vào bao mang đi bán

Ở xóm kiếng, ai cũng xót xa, tiếc cho cô gái trẻ Cao Thị Hương khi mới 19 tuổi đã bị mảnh kiếng làm hư một bên mắt trái. Cách đây chưa lâu, chiếc xe ba gác chở đầy kiếng của anh Nguyễn Huynh (33 tuổi, quê Nghệ An), bị nghiêng, anh dùng tay chống, do xe nặng nên anh bị ngã, gãy tay, mảnh kiếng đâm tứ tung trên người. Bác sĩ nói anh phải nghỉ không làm nặng ít nhất 1 tháng, nhưng rồi, mới nghỉ vài ngày anh đã “lọ mọ” đi làm.

“Ngồi ở nhà một tháng thì chết đói. Vợ đi làm công nhân cũng đủ trả tiền nhà và gửi về quê chút đỉnh cho đứa con nhỏ. Thôi thì mình cứ nai lưng ra làm, được đồng nào đỡ đồng đó”, anh Huynh phân trần.

Nhắc đến những “tai nạn nghề nghiệp”, ông Bền cho biết, giáp tết năm ngoái, xóm kiếng đã lặng người khi chứng kiến một nữ đồng nghiệp mang bầu, vì làm kiệt sức mà cả mẹ và con đều không sống nổi. “Mang bầu sắp đến ngày sinh mà vẫn phải ngồi làm quần quật từ sáng đến tối. Ăn uống lại không đủ chất. Có lẽ vì thế mà đến khi sinh thì mẹ kiệt sức, con cũng không cứu được”, ông Bền ngậm ngùi nói.

Buổi trưa, mặt trời ở ngay trên đỉnh đầu, không khí càng thêm nóng bức. Ánh nắng rọi thẳng xuống những mái đầu được che chắn bằng chiếc nón lá cũ, rách. Họ “lỳ lợm” đối mặt với những mảnh kiếng vỡ đủ mọi hình thù, nhọn hoắt, sắc hơn dao, chĩa về mọi hướng, như đe dọa da thịt con người.

Do môi trường không an toàn nên ở xóm kiếng không có bóng dáng trẻ em. Những đứa trẻ đều được cha mẹ chúng gửi về quê, nhờ ông bà chăm sóc.

“Nghĩ đến mấy đứa nhỏ là lòng dạ bồn chồn, không làm gì được vì nhớ. Muốn cho con vào đây ăn học để gần bố mẹ hơn, nhưng ở đây nguy hiểm quá, với lại, thu nhập thế này, hàng tháng có tiền để gửi về cho con đã là tốt lắm rồi”, nét mặt thẫn thờ, chị Trang nói.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm