| Hotline: 0983.970.780

Nghề mây tre đan không còn lối thoát?

Thứ Ba 28/02/2012 , 09:50 (GMT+7)

Nghề mây tre đan ở Lưu Xuân, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, một thời từng được xem như nghề chính. Nhưng giờ sản phẩm bị tắc đầu ra, khiến nghề không còn "đất sống".

Nghề mây tre đan ở Lưu Xuân, xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An, một thời từng được xem như nghề chính. Nhưng giờ sản phẩm bị tắc đầu ra, khiến nghề không còn "đất sống".

Năm 2003, Lưu Xuân được chính thức công nhận là làng nghề truyền thống, gồm hơn 80 hộ tham gia với trên 100 thợ đan lành nghề. Những sản phẩm nổi tiếng một thời như lẵng hoa, giỏ đựng hoa... được kết bằng mây bán rất đắt khách.

Là một làng nghề có vị trí nằm sát thị trấn Lạt của huyện Tân Kỳ nên rất thuận lợi cho việc giao thương buôn bán. Đất canh tác ít, người dân nơi đây chủ yếu lấy nguồn thu nhập từ nghề mây tre đan làm nguồn sống. Sản phẩm là những dụng cụ phục vụ cuộc sống hàng ngày nên được khắp nơi đón nhận. Những ngày đầu, nguồn nguyên liệu phải nhập từ Nghĩa Đàn, Quỳ Châu. Khi đó nứa, mây còn nhiều nên giá thành rẻ, sản phẩm bán ra lại nhiều, giá ổn định nên cuộc sống của bà con phần nào bớt vất vả.

 Năm 2007 Cty TNHH Thái Đại Phong mở lớp dạy nghề mây tre đan XK miễn phí cho hơn 60 học viên trong xã. Người dân làng rất phấn khởi vì các sản phẩm truyền thống có cơ hội đến tay người tiêu dùng trên thế giới. Ngoài ra, làng nghề được Trung ương Hội Nông dân VN hỗ trợ 2 máy chẻ nan trị giá hơn 70 triệu đồng.

Thế nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, các sản phẩm mây tre đan  không còn thu hút được người tiêu dùng. Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, trong khi đó nguồn nguyên liệu ngày càng trở nên khan hiếm, giá đắt đỏ.

Ông Phạm Văn Mùi, Chi hội trưởng Hội Nông dân xóm Lưu Xuân cho biết: “Mây tre đan là một nghề cần sự tỉ mỉ và lành nghề, tuy nó không cho thu nhập cao nhưng đối với bà con được bám nghề là quý. Nhưng giờ họ đang chán nản, dần bỏ hết rồi”.

Từ 80 hộ gia đình làm nghề, đến nay chỉ còn lại 18 hộ đan lát, nhưng họ chuyển sang đan phên cho các chủ lò gạch ngói ở xã Nghĩa Hoàn. Số còn lại tham gia vào khai thác cát sỏi, hoặc lân la sang thị trấn làm nghề bốc vác, đạp xích lô. Anh Phạm Ngọc Minh chia sẻ: “Nghề này được duy trì trong gia đình chúng tôi từ rất lâu rồi, nay nguyên liệu thiếu, đầu ra không có nên đành phải bỏ nghề, tìm việc khác mưu sinh”.

Nếu như hai năm về trước, đến Lưu Xuân, đâu đâu người ta cũng có thể nhìn thấy cơ man nào là nứa, là mây cũng như không khí bà con đua nhau đan lát. Nay không khí đó không còn nữa, cả xóm vắng như chùa bà Đanh.  

Đây là nghề truyền thống, được duy trì nhiều năm nay, đời sống người dân ngày càng ổn định, xóm Lưu Xuân được bầu làm xóm văn hóa điển hình trong nhiều năm liền. Đùng một cái, cơ chế thị trường mở cửa cũng là lúc các sản phẩm máy móc lên ngôi. Nhờ đa dạng về mẫu mã và rẻ về giá thành nên đã đánh gục sản phẩm làm bằng thủ công ở Lưu Xuân. Đặc biệt với nghề mây tre đan, những sản phẩm làm ra phải trải qua rất nhiều công đoạn cũng như sự tỉ mỉ từ việc chuốt nan đến việc trang trí. Nhưng rồi vẫn ế chỏng chơ.

Bằng mọi cách, người dân Lưu Xuân hạ giá thành, chịu lỗ để sản phẩm có thể bán được, nhằm bảo tồn làng nghề nhưng họ đành vô vọng. Anh Minh nhớ lại: “Có bận sản phẩm làm ra nhiều mà người chủ đặt hàng không đến lấy, gọi điện thì họ bảo giờ hàng hóa không chạy nên không lấy được. Cực chẳng đã, bà con lại phải mang đi bán, nhưng đi cả ngày, lang thang gắp ngõ ngách mà chẳng bán được sản phẩm nào, đến đâu người ta cũng chế đắt nên phải mang về phơi phóng, không thì nan bị lên mốc, lên meo, hư hết”.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Tân cho biết: “Hầu hết người dân đã bỏ nghề để kiếm kế mưu sinh. Gần đây hội có vay tiền để hỗ trợ người dân vực lại làng nghề, nhưng đầu ra không có, không thu được lợi nhuận nên thất bại”.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.