| Hotline: 0983.970.780

Nghề... ngậm chì

Thứ Sáu 30/12/2011 , 11:36 (GMT+7)

Sau bao cuộc “lên bờ”, những cư dân vạn đò ven phá Tam Giang (tỉnh TT- Huế) vẫn mang theo cho mình một nghề khá độc đáo, đó là nghề cắn chì...

Vợ chồng ông Tần Huyến và bà Nguyễn Thị Thu mưu sinh với nghề ngậm chì

Sau bao cuộc “lên bờ” chấm dứt một đời lênh đênh sông nước, những cư dân vạn đò ven phá Tam Giang (tỉnh TT- Huế) vẫn mang theo cho mình một nghề khá độc đáo, đó là nghề cắn chì. Để có những vuông lưới bạc, chắc bền bao năm trầm mình trên đầm phá đánh bắt cá tôm, ngư phủ miền sông nước phải đối diện với bao hệ lụy từ việc ngậm miệng đính chì lên lưới…

Làng môi đen

Trong những ngày rong ruổi đi dọc miền phá Tam Giang - Cầu Hai, đến những ngôi làng nằm nép mình bên đầm phá, đâu đâu cũng thấy người dân làng chài làm nghề ngậm chì mưu sinh. Thậm chí, có làng có hẳn một đội cắn chì thuê, làm lưới bán cho ngư dân vùng đầm phá.

Nghé chân vào xóm Gò (xã Quảng Ngạn, huyện Quảng Điền), hỏi người có thâm niên làm “nghề độc”, bà lão đầu thôn miệng móm mén nhai trầu bảo: “Chú đi hết con đường thôn ni, đến cuối xóm, thấy nhà nào từ thanh niên, phụ nữ ngồi từng hàng vốc chì mà cắn thì đó là nhà ông Long, người lâu năm nhứt làng làm nghề ni".

Theo hướng chỉ tay bà cụ, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Long. Trước sân nhà, 2 tay lưới bạc chừng 140m căng ngang, được cả gia đình ông Long nhận làm từ một người dân ở xã Quảng Lợi. Ngồi cúi gầm mặt, không trò chuyện cùng ai, chốc chốc, ông Long vốc cả trăm miếng chì  bỏ vào miệng, dùng lưỡi lừa từng miếng chì ra đính lên lưới bạc. Thấy miệng đã nhám, hết một “ngụm” chì, ông Long nhấp miếng nước chè, nhổ toẹt, mạt chì váng đen giữa sân. Thấy tôi ái ngại, ông cười, để lộ hàm răng với nướu đem nhẻm: “Cả xóm ni làm nghề cắn chì đã mấy chục năm rồi chú à. Mỗi ngày cả gia đình tui làm được 2 sải lưới bạc (khoảng 140m) cũng được 80 nghìn đồng. Không có người đặt làm thì mình làm lưới nổi, đánh bắt cá cồi, cá đối. Kiếm nghề phụ thêm chứ mần chài lưới quanh năm cũng không đủ miếng ăn chú à".

Có ngót gần 40 năm làm nghề cắn chì, đến ông Long đã là thế hệ thứ 3. Nhìn đôi tay thuần thục, những mẫu chì cắt nhỏ được đưa vào miệng rồi dùng lưỡi lừa ra đính lên lưới, từng động tác chính xác đến hơn cả máy dập. Theo ông Long, nghề cắn chì lưới bạc đã có từ xưa, những cuộc “di dân” sau những trận bão, người dân làng chài mất hết thuyền, ngư lưới cụ, họ lên định cư ven đầm phá Tam Giang, nơi nào có thể đánh bắt cá tôm mưu sinh họ đều đặt chân đến. Những năm mới lên bờ, ngư lưới cụ dân làng chài đều tự sắm lấy. Nghề cắn chì cũng có từ đó. Lưới chì dùng miệng cắn đẹp, chắc bền và hiệu quả đánh bắt thủy sản cao hơn nhiều so với chì dập bằng máy nên dù dưới phố có bán lưới đính chì sẵn người dân vẫn không mấy mặn mà.

Rời làng chài nơi xóm Gò xã Quảng Ngạn, chúng tôi tìm đến xã Quảng Lợi bên kia bờ phá Tam Giang. Quảng Lợi là địa phương có hàng trăm hộ gia đình làm nghề ngậm chì kiếm cơm, tập trung ở hai thôn Hà Công và Ngư Mỹ Thạnh. Ông Tần Huyến (51 tuổi), một thợ cắn chì ở làng chài Ngư Mỹ Thạnh, cho biết: “Sau lụt là làng chài bắt đầu bước vào vụ cá, lưới bạc từ các nơi đổ về làng thuê làm không kịp. Từ sáng đến giờ hai vợ chồng tui mới làm được nửa tay lưới. Làm cái nghề ni cũng cực lắm chú à. Sinh nghề tử nghiệp như chơi, mỗi buổi cắn chì cả hai vợ chồng cơm nuốt không vô vì kiên răng, đau nướu. Nhưng không làm nghề ni thì biết lấy chi mà sống vì trong làng không có ruộng". Từ ngoài sân, vợ ông - bà Nguyễn Thị Thu (45 tuổi) vừa xuống thị trấn mua chì về. Bà Thu cho hay, để đính chì cho một tay lưới đạt yêu cầu phải chuẩn bị từ trước. Chì trước khi cắn phải được ngâm vào trong nước cho “mềm” ra. Lấy kéo cắt từng mẫu nhỏ vào đĩa. Một ấm nước chè để “rửa miệng” luôn để sẵn. Mỗi lần cắn vốc hàng trăm miếng chì cho vào miệng, dùng lưỡi lừa dần ra mà đính lên lưới. Sau mỗi lần cắn, mạt chì loang ra cả miệng, mình phải dùng nước chè mà súc rửa không nuốt vào dạ dày dễ sinh bệnh. “Trước đây, người làng không ai dùng đến nước súc miệng vì mất công, mất thời gian, nhưng đến giờ nhiều người đau dạ dày, viêm họng dữ quá nên cũng sợ", bà Thu nói.

Theo thợ cắn chì Tần Huyến, nghề cắn chì ở làng Ngư Mỹ Thạnh làm quanh năm, trước đây hai người con trai của ông sau khi nghỉ học cũng theo nghề của cha nhưng giờ không làm nổi vì quá đau răng, nhức nướu. Nhiều khi triệu chứng đau lan lên cả hai thái dương. Mặc dù xã đã có trang bị máy dập chì nhưng người dân làng chài vẫn làm nghề đính chì theo phương thức thủ công bởi lưới đính chì bằng miệng thường đều, đẹp và bền. Mua lưới đính chì sẵn từ dưới phố lên, chỉ cần bủa vài mẻ cá là búi, hỏng ngay. Làm nghề ngư mà lưới cứ hư suốt, sắm lại lưới thì lấy gì mà ăn…

Trôi tọt chì vào bụng

Về các làng chài ven phá Tam Giang, chúng tôi được nghe những câu chuyện “sinh nghề tử nghiệp” của những ngư phủ làm nghề cắn chì mưu sinh. Nhìn những nụ cười méo xệch với hàm răng, nướu đen nhẻm của nhiều ngư dân ở đây mới thấy được tính chất nguy hiểm của người làm nghề đính chì bằng miệng.

Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo từ cơ quan y tế, nhưng với người dân làng chài, đây là một nghề truyền thống, để họ bỏ nghề không phải là chuyện một sớm một chiều. Theo ông Tần Huyến, nếu tính ra, mỗi ngày làm từ sáng đến trưa, một người thợ cắn chì có thể hoàn thành xong một tay lưới 70m, tiền công thuê chừng 40 nghìn đồng. Để có được số tiền ít ỏi đó với người dân làng chài, họ phải ngậm chì liên tục trong nhiều giờ đồng hồ. Tính ra mỗi năm, họ ngậm cả tạ chì trong miệng.

"Từ xưa, làng chài Ngư Mỹ Thạnh có người gọi với cái tên tếu táo nhưng ngẫm lại mà đau xót là “làng môi đen”. Tôi suốt một đời làm nghề ngậm chì, dọc ngang trên đầm phá. Giờ muốn lớp con cháu không phải theo cái nghề độc hại này nữa, nhưng xem ra cái ước muốn đó cũng không thể thành hiện thực nữa rồi bởi cũng vì mưu sinh cả", cụ ông Tần Lâm, một người dân làng chài, tâm sự.

Nhiều thợ cắn chì sơ ý vừa làm vừa nói chuyện, mẫu chì trôi vào bụng, phải nhập viện cấp cứu vì ngộ độc. Nhiều thợ cắn chì như ông Tần Chường, làng Ngư Mỹ Thạnh, trước đây mỗi ngày ông cắn được khoảng 1,5 tay lưới là chuyện thường, nhưng giờ răng mẻ dần, mỗi lần cắn hai thái dương đau nhức không chịu nổi nên đành bỏ nghề. Ông Chường cho hay: “Biết làm nghề ni là nguy hiểm nhưng dân làng chài vẫn phải làm. Bởi từ xưa đến nay, bà con sống dựa vào đầm phá, trong làng không lấy đâu ra công ruộng mà cắm dùi. Nếu đầu tư máy dập thì phải cải tiến, vì theo tôi biết như hiện nay, máy dập lưới, chì không đẹp, không chắc. Làm nghề vài bữa là hư ngay nên bà con phải tự lực cánh sinh thôi”.

Cạnh nhà thợ cắn chì Tần Huyến, có hai anh em ông Tần Tân và Tần Dũng cũng làm nghề cắn chì mấy chục năm nay. Đầu năm 2011, ông Tân sau buổi cắn chì ở nhà, đến giờ trưa đi nghỉ thì bụng đau dữ dội, nôn mửa liên tục phải nhập Bệnh viện Trung ương Huế. Sau khi thăm khám, các bác sỹ cho biết ông Tân bị ngộ độc chì. Mặc dù được khuyến cáo không được tiếp xúc với chì từ miệng nữa nhưng vì mưu sinh ông Tân đến nay phải làm nghề ngậm chì. Theo ghi nhận của chúng tôi, ở làng chài Ngư Mỹ Thạnh cũng như các làng chài khác ven phá Tam Giang, không phải người dân không biết đến độc hại của nghề ngậm chì, nhưng họ vẫn phải theo nghề. Bởi cuộc sống dựa vào đầm phá đã không cho phép họ bỏ nghề, có chăng là người dân làng phiêu bạt xứ người kiếm sống mới “tránh xa” được nghề “ngậm chất độc” này.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm