Sôi động làng nghề tráng bánh
Trong các làng nghề truyền thống ở Bình Định, nghề tráng bánh là 1 trong những nghề lâu đời nhất. Có truyền thuyết cho rằng nghề tráng bánh có mặt tại Bình Định từ thời Tây Sơn, đây là món lương khô mà đội quân thiện chiến của Hoàng đế Quang Trung sử dụng trong cuộc hành quân thần tốc ra Bắc làm nên chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa vang danh lịch sử.
Ở Bình Định, nghề tráng bánh có mặt khắp các địa phương với đa dạng sản phẩm như bánh tráng gạo, bánh tráng mì giòn, bánh tráng nước dừa, bánh tráng khoai lang… thế nhưng người ta biết đến nhiều nhất là “bánh tráng Trường Cửu”. Bởi, làng Trường Cửu, xã Nhơn Lộc (TX An Nhơn) là nơi sản xuất bánh tráng tập trung và lâu đời nhất. Theo các bậc cao niên trong thôn, làng bánh tráng Trường Cửu được hình thành từ hàng trăm năm trước. Nghề tráng bánh ở đây chủ yếu được sản xuất bằng thủ công.
Khi nhắc đến bánh tráng Bình Định, người ta cũng nhắc nhiều đến xã Nhơn Phúc, bởi đây là địa phương đầu tiên ở TX An Nhơn “hiện đại hóa” nghề tráng bánh. Nếu như trước đây nghề tráng bánh ở Nhơn Phúc đều sản xuất bằng phương thức thủ công thì những năm gần đây đã được “hiện đại hóa” bằng máy. Nếu tráng bánh bằng phương pháp thủ công lò nào tráng nhiều lắm mỗi ngày nắng gắt cũng chỉ được 60 ràng bánh, mỗi ràng 25 bánh, vị chi 1.500 bánh/ngày. Thế nhưng khi đã chuyển sang tráng bánh bằng máy thì mỗi lò có thể sản xuất được 18.000 bánh/lò/ngày.
Hiện làng nghề bánh tráng Nhơn Phúc đang có khoảng gần 100 lò tráng bánh bằng máy, riêng 2 thôn An Thái và Mỹ Thạnh đã có đến gần 60 máy. “Đầu tư cho 1 lò bánh bằng máy khoảng 100 triệu đồng; trong đó, chi phí mua 1.000 tấm vỉ phơi bánh hết 50 triệu đồng (50.000đ/vỉ) và dây chuyền máy tráng bánh 50 triệu nữa. Nhờ đó lượng bánh tráng cung ứng ra thị trường tăng lên rất cao”, ông Hồ Tấn Minh (SN 1951) ở thôn Mỹ Thạnh (xã Nhơn Phúc), cho biết.
Nghề tráng bánh ở Bình Định sản xuất quanh năm, cứ có nắng là các lò bánh đỏ lửa. Sản phẩm không chỉ được tiêu thụ trong tỉnh mà còn được cung ứng đi khắp nơi trên các nước. Dịp tết, tiệc tất niên, giỗ chạp nhiều nên bánh tráng càng tiêu thụ mạnh.
“Thường ngày thì bánh tráng được nông dân làm món ăn sáng trước khi đi làm đồng, trong những đám giỗ đám tiệc, bánh tráng luôn là món “khai vị” trước khi vào tiệc. 3 bữa tết thì chẳng có mấy gia đình nấu cơm, cứ nhúng bánh tráng quấn với thịt heo thưng hoặc quấn với bánh tét chấm với nước mắm củ kiệu ăn cho tiện. Do đó, sức tiêu thụ bánh tráng trên thị trường không bao giờ giảm, những ngày tết mức cầu càng mạnh hơn”, ông Nguyễn Thiệp (62 tuổi) ở phường Bình Định (TX An Nhơn), chủ 1 lò bánh tráng thủ công cho biết.
Chạy đua với nắng
Những tháng cuối năm 2020 thời tiết ở Bình Định mưa nhiều hơn nắng, trời mà không có nắng nghề bánh tráng kể như “bó tay”. Bởi theo chị Dương Thị Diệp, chủ 1 lò tráng bánh thủ công ở khu vực Kim Châu, phường Bình Định (TX An Nhơn), bánh tráng xong được cho lên vỉ, mang ra phơi nắng mà gặp 1 cơn mưa bất chợt dù nhỏ thì những chiếc bánh cũng tự động rời khỏi tấm vỉ lúc còn ướt, bánh ấy thì chỉ… cho heo ăn chứ chẳng thể bán cho ai.
Trong khi đó, lượng bánh tráng sản xuất trong mùa nắng nóng đã được tiêu thụ hết. Đặc biệt, bánh tráng không thể dự trữ, bởi nếu để lâu sẽ trở nên giòn, rất dễ vỡ, bánh tráng mà vỡ thì chẳng ai mua nên các thương lái không dám dự trữ bánh tráng dù mùa nắng sản lượng bánh rất cao. Do đó, đến khi trời mưa thì bánh tránh lập tức lâm cảnh “cầu vượt cung”.
Những ngày đầu tháng 1/2021 thời tiết ở Bình Định vẫn còn lạnh, trời chưa nắng to nhưng không còn mưa, đây là điều kiện để các lò tránh bánh đỏ lửa. Nắng yếu, bánh phơi lâu khô, các lò tráng bánh không thể sản xuất số lượng nhiều, nhưng có sản phẩm cung ứng bạn hàng trong bối cảnh thị trường những ngày cận Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đang rất “khát” bánh tráng.
“Nếu trời nắng to, loại bánh mỏng 15.000đ/ràng (25 cái) phơi 1 tiếng đồng hồ là khô rốc thì trong cái nắng hanh hanh phải phơi đến 3 tiếng. Tráng bánh trong điều kiện thời tiết “nắng không ra nắng, mưa không ra mưa” cực khổ ghê lắm. Bởi sau khi phơi các vỉ bánh, mình phải túc trực tại bãi phơi 100% để nếu trời kéo mây, có khả xảy ra mưa rào thì phải chồng hết các vỉ bánh lại mang vô nhà, đến khi trời quang đãng mới mang ra phơi trở lại. Không chỉ có ngư dân đi biển mới theo dõi dự báo thời tiết sát sao, những hộ làm nghề bánh tráng đêm nào cũng đợi bản tin thời tiết trên ti vi, để nếu dự báo mưa thì đêm ấy không dám ngâm gạo để sáng mai xay bột tráng bánh”, chị Diệp cho hay.
“Bánh tráng trong những ngày cận tết giá có tăng chút đỉnh, ví như loại bánh mỏng trước đây bán 15.000đ/ràng (25 cái) thì nay tăng lên được 17.000đ-18.000đ/ràng. Thế nhưng giá gạo trước đây chỉ 10.000đ/kg thì nay đã tăng mạnh lên đến 15.000đ/kg, tính ra thì tráng bánh ngày tết thu nhập chẳng cao hơn so tráng bánh ngày thường. Tuy vậy, khi trời hé nắng là hầu hết các lò tránh bánh đều đỏ lửa, tranh thủ tráng để cung ứng cho bạn hàng và kiếm chút tiền sắm sanh tết cho gia đình”, chị Dương Thị Diệp, chỉ 1 lò tráng bánh thủ công, chia sẻ.