| Hotline: 0983.970.780

Nghề trồng hoa phải chấp nhận 'ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ'

Thứ Tư 28/02/2024 , 07:45 (GMT+7)

HÀ NỘI Anh Toàn bảo, đã gắn bó với nghề trồng hoa thì phải chấp nhận 'ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ, chăm sóc tỉ mẩn cây như nuôi con mọn'.

Với quyết tâm làm giàu ngay tại quê hương, anh Dương Mạnh Toàn ở thôn Phúc Lâm Hạ, xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) đã “liều mình” vay vốn, thuê đất trồng các loại hoa như lay ơn, hoa cúc, hoa ly và gặt hái nhiều thành công với mức thu nhập hàng năm khoảng 400 triệu đồng.

Bén duyên nghề trồng hoa từ một lần đi chợ

Vừa đón tiếp chúng tôi với chén trà nóng hổi mới pha, vửa tất bật chăm sóc vườn hoa xanh mướt để phục vụ dịp Tết, anh Toàn hồ hởi chia sẻ về cơ duyên đến với nghề trồng hoa. Năm 2014, trong một lần tình cờ ra chợ cùng vợ để sắm Tết, anh thấy một người bạn tất bật, mỏi tay bán hoa cho khách mà không đủ hàng.

Sau lần đó, anh nhận thấy trồng hoa đầu ra tương đối ổn định, giá bán cao, mặt khác, ruộng đồng ở địa phương quanh năm chỉ trồng lúa, ngô, khoai, thu nhập bấp bênh. Vì vậy, với số vốn 4 triệu đồng tiết kiệm, anh Toàn bàn bạc với vợ mua 200 củ giống hoa ly về trồng thử. Sau 3 tháng trồng tại vườn, anh bán được hơn 10 triệu đồng, trừ chi phí, đợt trồng đầu tiên cho thu lãi gần 5 triệu đồng.

Hoa cúc là một trong những loài hoa chủ lực tại vườn hoa của anh Toàn. Ảnh: Trần Toản.

Hoa cúc là một trong những loài hoa chủ lực tại vườn hoa của anh Toàn. Ảnh: Trần Toản.

“Cũng từ đó, tôi bắt đầu đam mê với nghề trồng hoa, đặc biệt là với loài hoa lay ơn, hoa ly và hoa cúc. Để có kiến thức, tôi đã tìm đến các chủ vườn lớn trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm cũng như nhập giống hoa về trồng, tìm hiểu thị trường đầu ra. Đồng thời tìm hiểu qua sách, báo, nhất là tài liệu về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cách chọn cây giống, ươm mầm giống, các loại sâu bệnh thường gặp... để hiểu hơn về đặc điểm của từng loài hoa mình đang trồng nhằm gắn bó lâu dài với nghề trồng hoa”, anh Toàn tâm sự.

Từ hiệu quả ban đầu cho thấy so với trồng lúa và rau màu truyền thống thì trồng hoa mang lại lợi nhuận cao hơn hẳn, vì vậy cuối năm 2015, anh Toàn đã mạnh dạn vay vốn của ngân hàng 200 triệu đồng, chuyển đổi diện tích đất cấy lúa kém hiệu quả của gia đình và đấu thầu thêm của các hộ bên cạnh lên tới 6.000m2 để cải tạo lại mặt ruộng, cải tạo chất đất và xây dựng hạ tầng nhà màng để trồng các loại hoa.

Anh Toàn bộc bạch, đã xác định theo nghề nông nghiệp, đặc biệt là trồng hoa thì phải kiên trì, đôi khi còn phải liều mình mới có thể thành công.

Phải chăm sóc tỉ mẩn như nuôi con mọn

Theo anh Toàn, ưu điểm vượt trội của mô hình trồng hoa trong nhà màng là che được nắng, che được mưa, tỷ lệ cây sống cao, không phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Ngoài ra, trồng hoa trong nhà màng có thể trồng ở mọi thời vụ trong năm, ra hoa theo ý muốn và cho hoa nở một cách đồng đều. Người trồng giảm được chi phí nhân công, chi phí phân bón, nước tưới, hạn chế được một số loại nấm bệnh trên cây hoa, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tận dụng được thời gian để quay vòng đất.

Các khu vực trồng hoa được anh Toàn ghi chép nhật ký sản xuất rất cẩn thận. Ảnh: Trần Toản.

Các khu vực trồng hoa được anh Toàn ghi chép nhật ký sản xuất rất cẩn thận. Ảnh: Trần Toản.

Bên cạnh đó, trồng hoa trong nhà màng còn giữ được giống hoa bố mẹ, bảo tồn giống, tiện lợi cho thu hái, đóng gói, bảo quản hoa được sạch sẽ khi cung cấp cho thị trường. Chính vì vậy, hiệu quả đem lại cao hơn rất nhiều so với trồng hoa ngoài tự nhiên.

Qua 8 năm phát triển kinh tế gia đình từ trồng hoa, anh Toàn rút ra được nhiều kinh nghiệm, bài học trong kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại hoa, đặc biệt việc làm cho hoa nở đúng vào dịp lễ, Tết là công đoạn khó khăn nhất. Điều đó đòi hỏi người trồng hoa phải tính toán cẩn thận, nghe ngóng thời tiết, thậm chí có những thời điểm người trồng “ăn không đúng bữa, ngủ không đúng giờ, chăm sóc tỉ mẩn cây như nuôi con mọn”. Chỉ cần lơ là là hoa không nở, hoặc nở ra còi cọc, xấu mã, bán mất giá, nhất là giống hoa ly.

Về kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây hoa ly, lay ơn và hoa cúc, anh Toàn chia sẻ: “Nghề trồng hoa đòi hỏi nhiều công phu, từ công đoạn làm đất đến kỹ thuật chăm sóc phải đi sâu tìm hiểu đặc tính của từng loài hoa để có phương pháp phòng trừ sâu bệnh hại phù hợp. Để các loài hoa ly, lay ơn, hoa cúc sinh trưởng và phát triển tốt, cần xuống giống khi trời mát, mặt luống rộng từ 1 - 1,2m, cao 25 - 30cm, khoảng cách giữa các cây từ 15 - 20cm và mật độ 20 - 40 củ giống/m2.

Để hoa đạt chất lượng tốt, phải mua củ giống đạt tiêu chuẩn, khỏe mạnh, không bị sứt sẹo. Đất trồng cũng phải làm rất cẩn thận, băm nhỏ tạo sự tơi xốp, bằng phẳng, thoát nước tốt, độ pH 6 - 7. Trước khi trồng cần trộn phân chuồng hoai mục, phân vi sinh, sau đó thường xuyên sử dụng phân bón hữu cơ trộn với phân vô cơ nguyên chất theo tỷ lệ nhỏ nhất định để cho hoa nở đồng đều, bền đẹp, cánh hoa dày”.

Ngoài trồng trong nhà màng, anh Toản còn thuê đất của các hộ dân xung quanh để trồng hoa theo thời vụ. Ảnh: Trần Toản.

Ngoài trồng trong nhà màng, anh Toản còn thuê đất của các hộ dân xung quanh để trồng hoa theo thời vụ. Ảnh: Trần Toản.

Để chủ động trong khâu sản xuất, chăm sóc, anh Toàn đã đầu tư xây dựng nhà màng, nhà lưới, trang bị hệ thống tưới tiêu để đảm bảo độ ẩm, nhiệt độ cho vườn hoa; mua máy phun thuốc, máy bơm nước, máy cày mini, hàng trăm bóng đèn, xây dựng kho lạnh rộng 30m2 để vừa bảo quản củ giống hoa vừa bảo quản hoa tươi thương phẩm.

Bên cạnh đó, việc phòng trừ sinh vật gây hại cây hoa cũng được anh Toàn chú trọng, nhất là một số sâu bệnh hại thường gặp như sâu xám, sâu khoang ăn lá, rầy xanh, bọ trĩ, bệnh trắng lá, bệnh rỉ sắt, rệp... Mỗi loại sâu bệnh phải được sử dụng từng loại thuốc phù hợp, phòng trừ kịp thời. Quy trình từ khâu làm đất, ngày trồng, chăm sóc như bón phân, phun tưới nước, phòng trừ sâu bệnh cho đến thu hoạch, bảo quản đều được anh Toàn ghi chép vào sổ sách rõ ràng, tỉ mỉ.

Để có được thành quả như bây giờ, bước đầu gia đình anh Toàn cũng gặp không ít khó khăn, nhất là đầu ra sản phẩm. “Ban đầu, gia đình tôi phải lặn lội đi tìm thị trường tiêu thụ khắp nơi, nhưng về sau nhờ chất lượng hoa tốt, làm ăn giữ uy tín nên thương lái trong và ngoài tỉnh như tận Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình... cũng tìm đến tận vườn để đặt hàng, có thời điểm vườn nhà tôi không đủ hoa cung ứng cho các thương lái và người tiêu dùng”, anh Toàn kể.

Nhờ hệ thống nhà màng được đầu tư bài bản nên việc trồng hoa giảm được rủi ro, mẫu mã đẹp. Ảnh: Trần Toản.

Nhờ hệ thống nhà màng được đầu tư bài bản nên việc trồng hoa giảm được rủi ro, mẫu mã đẹp. Ảnh: Trần Toản.

Hiện tại, tại trang trại hoa của gia đình anh Toàn đang trồng các loại hoa cúc, hoa lay ơn Hà Lan, hoa ly (giống Tabledance, giống Pavia, giống Tarango). Thời gian từ trồng tới thu hoạch của hoa cúc từ 85 - 90 ngày, hoa ly và hoa lay ơn từ 55 - 60 ngày. Hoa được gia đình anh thu hoạch vào sáng sớm hoặc chiều muộn để bông hoa không bị héo, đồng thời tránh cho cây không bị mất nước.

Trung bình mỗi năm, sau khi trừ tất cả chi phí, vườn hoa rộng 6.000m2 của gia đình anh Toàn cho lãi khoảng 400 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh còn tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động địa phương với thu nhập 300.000đ/người/ngày.

Thời gian tới, anh Toàn mong muốn mở rộng diện tích hơn nữa để trồng hoa. Anh cũng sẵn sàng chia sẻ, hỗ trợ mọi người khi có nhu cầu học hỏi về kinh nghiệm trồng hoa để cùng phát triển.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất