Ở tỉnh Sóc Trăng, huyện Thạnh Trị có diện tích sản xuất lúa hàng năm trên 55.000 ha. Sau mỗi vụ lúa, lượng rơm rạ để lại rất dồi dào. Từ lâu, nông dân đã quen nghề trồng nấm rơm. Phong trào trồng nấm rơm khá thịnh.
Tuy có lúc thăng trầm, có một dạo từ sau năm 2015 do ứng dụng cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa, khâu gom rơm gặp khó nên có lúc nghề trồng nấm có phần giảm sút. Thế nhưng mấy năm gần đây, nông dân trồng nấm rơm không còn gặp khó nhờ vào thiết bị máy cuốn rơm cuộn. Nghề trồng nấm rơm dần dần khôi phục và phát triển mạnh trở lại.
Theo cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Thạnh Trị, việc tận dụng phụ phẩm rơm rạ sau mỗi vụ lúa được người dân quan tâm đúng mức. Rơm vừa làm thức ăn cho chăn nuôi gia súc, trồng rau màu, vừa trồng nấm rơm tạo nguồn thu nhập tăng thêm. Đồng thời rơm rạ sau trồng nấm tạo ra được lượng phân bón hữu cơ cho cây trồng.
Hơn nữa, nấm rơm là một trong những loại thực phẩm tươi giàu dinh dưỡng, phòng ngừa bệnh hiệu quả. Riêng tại tỉnh Sóc Trăng, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, nguồn nguyên liệu rơm rạ dồi dào, nghề trồng nấm có điều kiện phát triển vì tận dụng được lao động nông nhàn. Nấm rơm là sản phẩm nông nghiệp an toàn, góp phần xóa đói giảm nghèo và có thể hướng tới sản xuất nấm quy mô công nghiệp cung cấp cho thị trường tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Nấm rơm là loại nấm ưa nhiệt nên được trồng chủ yếu vào mùa nắng, nóng. Nhiệt độ thích hợp 30 - 35 độ C, độ ẩm không khí từ 80%. Chọn rơm khô, xử lý rơm 7 - 8 ngày, xếp mô, cấy giống. Rơm khô, chất lượng tốt, tối thiểu 1 đống ủ từ 300 kg rơm khô trở lên. Rơm được làm ướt trong nước vôi Ca(OH)2 có pH từ 12-13 (3,5 kg vôi pha cho 1 m3 nước).
Rơm đã xử lý qua vôi chất thành đống ủ. Chọn địa điểm trồng nấm rơm nơi cao ráo, không bị đọng nước, ngập lụt, đủ ánh sáng, có nguồn nước và không khí không bị ô nhiễm, chọn nơi có nhiều bóng cây xanh, cách xa các nguồn gây bệnh như: Cống rãnh, bãi rác thải, chuồng trại chăn nuôi, phế phải trồng nấm… Chuẩn bị đất kỹ trước khi xếp mô: Xới nhẹ đất, tưới nước và rải thuốc diệt côn trùng, tạo rãnh thoát nước hai bên và lấy đất đấp vào giữa tạo sóng lươn.
Vừa qua, trong khuôn khổ dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) tỉnh Sóc Trăng, vụ thu đông 2020, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng phối hợp với Tổ thực hiện dự án huyện đã tổ chức lớp tập huấn gắn với xây dựng mô hình trình diễn “Tận dụng phụ phẩm rơm rạ trồng nấm” do hộ ông Danh Hoàng ở ấp Trung Hòa, xã Tuân Tức, huyện Thạnh Trị thực hiện.
Với diện tích mô hình 180 m2, nguyên liệu để trồng là 150 cuộn rơm/150 chai meo. Năng suất thu hoạch bình quân khoảng 1,5 – 1,7 kg nấm/bịch phôi, sản lượng 245 kg, giá bán tại dao động từ 50.000 đồng/kg, tổng thu nhập trên 12 triệu đồng.
Sau khi trừ hết các chi phí, nông dân lãi khoảng 50%, tương đương 6 triệu đồng/150 cuộn rơm. Mô hình lan tỏa, đa số bà con lân cận hộ ông Danh Hoàng đã thấy được hiệu quả. Còn ông Danh Hoàng cho biết sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng quy mô trồng nấm rơm trong thời gian tới.
Việc trồng nấm rơm ngoài trời chứng minh mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, nếu có điều kiện nên thiết kế mô hình trồng nấm rơm trong nhà kín để khắc phục một số hạn chế và thích ứng với biến đổi khí hậu là hướng đi phù hợp trong thời gian tới.
Để nhân rộng và phát triển bền vững mô hình trồng nấm rơm, Trung tâm Khuyến nông Sóc Trăng khuyến cáo:
- Nền phải tráng xi măng để thuận tiện cho vệ sinh sau mỗi đợt trồng, thiết kế kệ bằng sắt nhiều tầng hay làm trụ để tận dụng diện tích, mái lợp tôn hay tấm bạc đen, phía trên có thể bố trí hệ thống phun sương giải nhiệt, xung quanh nhà che kín bằng cao su, treo bóng đèn cung cấp ánh sáng, trang bị nồi hơi cấp nhiệt và thanh trùng nhà nấm khi nhiệt độ thấp và sau mỗi đợt trồng.
- Xây dựng mô hình chuẩn và quy trình trồng để tuyên truyền vận động nông dân thay đổi nhận thức về mô hình mới thông qua công tác tập huấn chuyển giao công nghệ, tham quan hội thảo.
- Thường xuyên quan sát từng giai đoạn phát triển của tơ nấm xem tơ nấm có bị thiếu phân, bị nhiễm nấm dại hay phát triển không đều để chăm sóc và xử lý kịp lúc; sử dụng ẩm kế, nhiệt kế để kiểm tra môi trường.
- Phát triển sản xuất nấm tập trung để hình thành nên một nghề sản xuất hàng hóa mới, từng bước phát triển với qui mô lớn, hình thành trang trại, góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.