Sau thời gian bôn ba khắp nơi trong lĩnh vực xây dựng, năm 2018 anh Nguyễn Văn Tuyến, sinh năm 1974 ở xóm Đồng Tâm, xã Đồng Liên, TP Thái Nguyên, đã từ bỏ nghề này về làm nông nghiệp sạch.
Ban đầu anh bắt tay vào nuôi cá lóc được một thời gian nhưng không hiệu quả, anh tiếp tục mày mò và "lang thang" trên mạng tìm hiểu về kinh nghiệm trồng nấm. Có vài người bạn trong Nam đã từng làm và thành công với mô hình này, đã truyền lại kinh nghiệm cho anh.
Khởi điểm, anh mạnh dạn vay tiền ngân hàng để đầu tư nhà xưởng với kinh phí khoảng 600 triệu đồng rồi trồng nấm sò. Nhưng chỉ sau 3 tháng, nhận thấy loại nấm này không mang lại hiệu quả kinh tế cao, mà thời gian thu hoạch lại kéo dài, anh đã chuyển hẳn sang trồng nấm rơm. Lúc đầu khi mới bắt tay vào làm anh cũng gặp phải không ít khó khăn, suốt 5 tháng đầu tiên gần như anh không có thu nhập. Nhưng dần dần với sự kiên trì, ham học hỏi, tự mình mày mò kỹ thuật trồng và chăm sóc, anh đã bước đầu thành công và phát triển ổn định với mô hình này.
Anh Tuyến cho biết, để việc trồng nấm mang lại hiệu quả phải chú ý đến nhiều công đoạn. Trong đó điều quan trọng nhất là nguồn nước tưới phải thật sạch, duy trì nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Nhiệt độ thích hợp cho nấm rơm phát triển là từ 28 – 32 độ C và độ ẩm trung bình khoảng 80%.
Do đó để giữ được độ ẩm phải tưới nước thường xuyên bằng hệ thống phun sương tự động hẹn giờ. Đồng thời nhà xưởng phải được bịt kín, trần mát và cách nhiệt tốt nếu không nấm rất dễ thối và hỏng. Ngoài ra, công đoạn xử lý nguyên liệu đầu vào cũng cần hết sức lưu tâm, phải thực hiện xử lý triệt để bằng việc luộc chín nguyên liệu để tránh nấm mốc.
Anh Tuyến chia sẻ, nấm được anh trồng quanh năm, nhưng thời điểm thuận lợi nhất cho nấm rơm phát triển là vào khoảng thời gian tháng 2, 3 và tháng 9, 10 hàng năm. Bởi vậy vào mùa hè cần phải có hệ thống làm mát cho nấm, còn mùa đông phải làm nhà kín và xông hơi nóng để đảm bảo tạo độ ẩm thích hợp cho nấm. Khi đã xử lý xong nguyên liệu thì công đoạn chăm sóc lại tương đối đơn giản. Do nấm rơm không thể sử dụng bất cứ loại thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón vô cơ nào nên hoàn toàn là nấm sạch và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Mặc dù mô hình trồng nấm không phải là mới ở địa phương, nhưng anh Tuyến cho biết để làm được đòi hỏi người trồng phải thật kiên trì. Vì đã có nhiều người sau khi được anh chia sẻ kinh nghiệm trồng thì chỉ sau một thời gian ngắn triển khai mô hình đã thất bại và từ bỏ.
Hiện tại do chưa tự sản xuất được giống nấm nên anh Tuyến vẫn phải nhập từ Phú Yên với giá 8.000đ/bịch/3m2 diện tích nuôi trồng. Sau khi nhập giống về, anh thực hiện việc lên luống và để khoảng 3 – 4 ngày thì dỡ ra trồng. Dự định trong thời gian tới anh sẽ tự sản xuất con giống để chủ động về giống và giảm chi phí đầu vào.
Ngoài hai vợ chồng là lao động chính, anh Tuyến còn thuê thêm 2 nhân công thường xuyên làm việc tại xưởng với mức thu nhập 250.000đ/người/ngày để đảm bảo nhân công chăm sóc từ khâu gieo trồng đến khâu thu hoạch.
Hiện nay, giá cả và thị trường nấm của gia đình anh tương đối ổn định, thậm chí có những thời điểm không đủ hàng để bán. Anh cho biết, nấm rơm là loại nấm có thời gian thu hoạch ngắn, chỉ kéo dài khoảng 12 ngày, từ khi cấy giống đến lúc thu hoạch, mà giá cả lại cao nhất trong các loại nấm.
Theo anh Tuyến, nấm của gia đình được thu hoạch thường xuyên mỗi ngày nên sản lượng tương đối đều, có khi thì thương lái đến tận nhà lấy, có khi anh gửi xe ô tô đi Hà Nội hoặc Thanh Hóa.
Trung bình 1 tấn nguyên liệu sẽ cho thu hoạch khoảng 1,5 tạ nấm thành phẩm, với giá bán hiện tại 100.000đ/kg cho lái buôn ở Hà Nội, anh lãi khoảng 60% tổng chi phí bỏ ra. Với 700m2 nhà xưởng được anh làm thành 3 giàn giá, mỗi tháng anh thu hoạch khoảng 2 lứa nấm, mỗi lứa thu hoạch liên tục trong 5 ngày. Bình quân một tháng anh bán ra thị trường từ 1,5 – 2 tấn nấm rơm, thu về khoảng 200 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 60 – 70 triệu đồng.