| Hotline: 0983.970.780

Nghèo + nuôi tôm = bỏ xứ

Thứ Sáu 24/06/2011 , 11:28 (GMT+7)

Công thức ấy là sự đúc kết từ nhiều vùng quê Sóc Trăng. Có người đã nói rằng: Nghề nuôi tôm chẳng dành cho kẻ khó...

Công thức ấy là sự đúc kết từ nhiều vùng quê Sóc Trăng. Có người đã nói rằng: Nghề nuôi tôm chẳng dành cho kẻ khó. Cũng phải, bởi những nơi được gọi là thủ phủ tôm như: Vĩnh Châu, Trần Đề, Mỹ Xuyên… nông dân thất bát đến mức phải “bỏ của chạy lấy người”.  

>> Thùng gạo rỗng trong những ngôi nhà tiền tỷ
>> Bi kịch thủ phủ tôm

Xã tôm 30,2% nghèo  

Ông Lưu Quốc Phong, Phó Chủ tịch UBND xã Liêu Tú (huyện Trần Đề) tâm sự rằng bây giờ hễ nhắc đến chuyện tôm là ông lại buồn. Buồn vì dân mình nuôi tôm thất bát đến nỗi phải bỏ xứ mà đi; buồn vì xã ông thuộc diện có diện tích tôm vào loại khủng của cả tỉnh, vậy mà vẫn phải chịu 30,2% hộ nghèo. Liêu Tú có 170 ha đất nuôi tôm nhưng khoảng 40% trong số ấy của các đại gia nơi khác đến mua hoặc do nuôi tôm thua lỗ gán nợ… Vị cán bộ xã này chán nản: Đấy là kết cục tất yếu bởi trong “cuộc chơi” với tôm sú nông dân xã tôi…quá ngây thơ. 

Ông Phong phân tích rằng, người miền Tây sống phóng khoáng vì lâu nay họ được thiên nhiên ưu đãi. Thời còn làm lúa, chỉ cần đầu tư chút chút đến thời điểm lúa trổ đòng người ta đã có thể thong dong xách thịt lợn về ăn, xách bia về uống rồi hẹn đến mùa gặt trả bằng thóc. Thậm chí đi làm thuê được trăm ngàn thì sẵn sàng nhậu hết 60 chục, còn 40 chục đưa về cho vợ con. Làm ngày nào biết ngày đó, không dư dả gì nhưng cũng chẳng đến mức kiệt cùng.  

Cái ngày cơn lốc nuôi tôm sú đổ bộ đến Trần Đề rồi lan khắp tỉnh Sóc Trăng, hầu hết nông dân đưa cái tư tưởng “làm vụ nào ăn vụ đấy” lao vào sống chết với tôm. “Bi kịch từ đó mà ra cả. Thất bại một vụ lúa có thể gượng dậy nhưng một vụ tôm lại là chuyện khác. Có gia đình chỉ qua một hai vụ đã thấy kêu người ta bán đất, bán hồ tôm ầm ầm. Hết đất, hết tiền thì phải bỏ xứ đi làm thuê thôi”.  

Những căn nhà hoang ngày càng nhiều ở thủ phủ tôm

Buồn thì nói chứ thực tâm ông Phong cũng thông cảm bởi vì những kẻ có tiền nhiều chiêu quá. Thời tôm lên cơn sốt ai chẳng muốn đầu tư, thất bát rồi lại muốn làm thêm để gỡ. Nợ này nối nợ kia cuối cùng tất cả dân nghèo đều “dính chưởng”. Những lời gan ruột ấy của ông Phong chẳng phải quá quắt gì. Một đại gia tôm ở đất này ví von với tôi: Đất đai như miếng thịt, tiền đầu tư nuôi tôm cũng như miếng thịt. Chẳng ai cho không ai miếng thịt ấy cả. Người nghèo muốn đầu tư vào tôm hầu hết không có tiền nhưng họ có đất. Người ta cần ăn thịt thì mình cứ cho họ, ăn. Ăn hết lấy gì để trả? Tiền không có thì phải gán đất tôm thôi. 

Đến nhà đôi vợ chồng Mai Sươn và Thạch Thị Thanh (43 tuổi) ở ấp Tổng Cán vào thời điểm họ chuẩn bị dắt díu nhau bỏ nhà đi gặt lúa thuê. Cuộc sống của họ chủ yếu lang bạt hết cánh đồng này sang cánh đồng khác hành nghề gặt lúa thuê. Hỏi sao có đất, có vườn mà phải chọn nghề làm thuê để sống, chị Thanh trả lời: Ra nông nỗi này cũng vì con tôm cả.  

Trước đây vợ chồng Sươn - Thanh cũng từng có đất làm lúa. Cơn lốc tôm sú tràn về biến ruộng lúa thành hồ tôm. Không muốn nghe vợ trách móc chuyện phải bán đất vì lỗ, Sươn giải thích: “Người nghèo đi nuôi tôm khổ lắm. Đụng đến cái gì cũng tiền mà xưa nay gia đình mình có tích trữ được đồng nào đâu. 5,5 công đất (8.000m2) mỗi vụ muốn đầu tư cũng ngốn mất mấy chục triệu đồng. Không vay mượn thì lấy đâu ra. Nói chung nhà nghèo nuôi tôm đều có chung kết cục rơi vào bi thảm”.  

Ngay từ vụ tôm đầu tiên vợ chồng Sươn đã phải đi vay ngân hàng để đầu tư. Ít vốn, kỹ thuật không có nên thất bại. Bài học nhập môn lấy mất của gia đình 30 triệu đồng. Đau lắm, nhưng Sươn nghĩ: Nếu dừng lại lúc ấy thì khoản nợ mấy chục triệu kia có lẽ đến đời con cái cũng không trả nổi. Càng nghĩ càng lo nên Sươn quyết định xoay tiền tiếp tục đầu tư. Nhưng tiền đâu khi ngân hàng không cho vay nữa? Ban đầu là những thứ “không cần thiết” như cánh quạt, máy bơm nước… phải đem bán đi để đầu tư tiếp. Hết quạt, hết máy bơm rồi đến những vật dụng có giá một tý trong nhà như tivi, xe máy… cũng phải mang đi bán đổ xuống hồ.  

Mất đất vì tôm gia đình chị Thanh phải bỏ xứ làm thuê

Mà cái kiểu bán của người nghèo đi nuôi tôm cũng lắm chuyện lạ đời. Một dàn quạt nước mua với giá 5,2 triệu đồng/chiếc vậy mà khi đem bán chỉ còn chưa đầy phân nửa. Hóa ra là vì một vụ tôm thất bát người ta đổ xô đi bán nhiều quá nên cuối cùng chỉ có mấy đại gia “ra tay giúp đỡ cho” với giá cực kỳ rẻ mạt.  

Đồ đạc bán hết nhưng vẫn chẳng thấm vào đâu so với số tiền cần đầu tư. Đang bí thì có một đại gia từ đâu đến đặt vấn đề muốn “hợp tác”. Theo đó Sươn sẽ nhận được tiền kèm theo qui định: Đến thời hạn trả không có tiền sẽ thanh toán bằng…đất.  Hi vọng gỡ gạc chút đỉnh làm anh chồng quên hết tất cả. Gỡ đâu chẳng thấy, mấy ngày sau thấy người ta đến đo đạc hồ tôm chị Thanh mới biết đất nuôi tôm nhà mình đã bị gán với giá chỉ 70 triệu đồng.  

Sợ hãi chốn quê 

Hơi ví von nhưng đó là sự thật. Người nghèo nuôi tôm dính nợ phải rời quê đưa ra nhiều cái lý. Họ bỏ quê để tránh nợ ngân hàng, bỏ quê vì ở lại không biết lấy gì để sống. 

Ở xã Lai Hòa (huyện Vĩnh Châu) người nuôi tôm thất bát phải bỏ xứ mà đi nhiều đến mức cán bộ xã này tiết lộ một câu chuyện rất đáng buồn. Đợt vừa rồi có Chương trình 167 làm nhà cho hộ nghèo nhưng sau mấy cuộc họp UBND xã đã chốt xong danh sách mới ngớ ra là nhiều người không còn ở quê. Chẳng biết tìm ở họ ở đâu, mấy vị cán bộ xã định làm thủ tục cất nhà rồi chờ đến lúc họ về chỉ việc vào ở. Nhưng suy đi tính lại mãi chẳng biết phải làm gì bởi cái lý: Cất rồi biết người ta có ở không vì ở nhà xây mà không biết làm gì để sống thì cũng thế. Tám suất nhà 167 phải trả ngược về cho huyện vì không tìm được…chủ nhà. 

Về cái chuyện buộc phải bỏ nơi chôn rau cắt rốn thì gia đình bà Hoàng Thị Ly (71 tuổi) đang giữ kỷ lục. Bà có 5 đứa con thì cả 5 “ngày xưa làm tôm bây giờ làm thuê”. Một mình bà ở nhà trông ba đứa cháu. Toàn bộ tiền trợ cấp hộ nghèo bà chẳng dám tiêu mà để dành cố cho chúng đi học nhưng chẳng đứa nào qua nổi cấp 2.  

Hỏi chuyện tôm, bà phẩy tay gọn lỏn: "Tôm tép gì nữa. Tôm lấy đất, lấy nhà khiến con tôi phải bỏ quê đi làm thuê. Nói thật, giờ ai nuôi thì nuôi chứ nhà tôi chịu rồi”.

Thời điểm này con tôm lại đang mắc bệnh lạ nên số người rời xã Lai Hòa càng nhiều hơn. Trước cổng nhà văn hóa ấp Lai Hòa A, một chiếc xe 34 chỗ ngồi đang về đón người đi gặt lúa thuê bên Đồng Tháp, Kiên Giang, Long An... Xe chỉ 34 chỗ nhưng chất ít nhất cũng phải chở 50 người. Chen chúc, sợ hãi đến mức liều lĩnh. Hóa ra họ sợ ở lại, sợ nợ nần, sợ đau đớn vì lỗ tôm quá rồi. “Toàn người nghèo nuôi tôm bị mất đất cả”. Trưởng ấp Lai Hòa A Nguyễn Văn Be ngán ngẩm. 

Nằm ở trung tâm thủ phủ tôm Lai Hòa nhưng ông Be thống kê ấp Lai Hòa A có 144 hộ nghèo, 60 hộ cận nghèo, 50 hộ mất đất sản xuất và 8 hộ thậm chí còn mất luôn cả đất ở. Đi dọc ấp, nhiều căn nhà cửa đóng hờ vì kể ra tài sản cũng chẳng còn gì để phải lo mất trộm.  

Xưa nay dân Lai Hòa ngoài tôm ra hầu như chẳng biết làm thêm một nghề nào khác. Mất đất rồi họ chỉ biết mỗi việc gặt lúa thuê. Nhưng công việc này cũng chẳng khá khẩm gì. Một công gặt lúa thường được trả 150 ngàn. Ngoài tiền phải chi cho các cò kiếm việc, số còn lại cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Ông Be kể khổ, cũng vì hệ lụy “tôm đuổi người nghèo đi khỏi làng”  mà rất nhiều trẻ em ở Lai Hòa phải bỏ học giữa chừng. Năm rồi có mấy học sinh trong ấp bỏ học. Nhà trường gửi giấy về thông báo nhưng khi ông trưởng ấp còn chưa kịp đến vận động đi học trở lại thì chúng đã theo bố mẹ đi làm thuê mất rồi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm