| Hotline: 0983.970.780

Nghị quyết nuôi rừng…

Thứ Ba 15/02/2011 , 11:09 (GMT+7)

Nghị quyết được triển khai, hơn 2.600 ha diện tích rừng và đất rừng đã được giao đến tận hộ dân...

Tôi nhớ lại chuyến hành trình lên với Hóa Phúc (huyện Minh Hóa, Quảng Bình) cách đây chừng dăm năm, khi đó đập vào mắt chúng tôi là những ngôi nhà thấp nhỏ, không cửa, trống hoác nằm rải rác, heo hút dưới chân núi. Trở lại Hóa Phúc lần này, nhà dân đã có cửa đóng then cài, xóm làng được xây dựng khang trang, bề thế và đông vui. Ông Đinh Quang Phục (thôn Sy) nói như so sánh: “Hồi đó nhà chúng tôi không có tài sản chi nên cũng chẳng cần cửa ngõ. Nay có của ăn của để, phải làm cái cửa cho chắc chắn chớ!”.

Dãn dân để có rừng

Mười mấy năm trước, địa danh Hóa Phúc được ví như vùng “nhất xã, nhất thôn” bởi xã chỉ có duy nhất một thôn Kiên Trinh với chưa tới trăm hộ dân và tất cả đều thuộc diện hộ nghèo. Nghề duy trì đời sống là phá rừng nuôi thân.

Diện tích đất của xã khá rộng nhưng người dân thiếu đất sản xuất vì chỉ ở co cụm trong một thôn. Việc dãn dân đã được đề cập đến, tuy nhiên, cũng không dễ chút nào. Ông Đinh Thanh Có, Phó Chủ tịch UBND xã Hóa Phúc nhớ lại: “Buổi đầu thực hiện chiến lược dãn dân, nhiều hộ trong xã tuy đồng tình nhưng lại tỏ ra lo sợ. Người thì lo khi đến vùng đất mới sẽ thiếu công ăn việc làm, đã đói còn đói thêm, người sợ không đảm bảo an ninh trật tự, sống xa bà con sẽ rất buồn… Lãnh đạo xã phải thuyết phục một lần, hai lần, nhiều lần thì bà con cũng xuôi. Thế là, một hộ, hai hộ và có tới 25 hộ quyết định di dời từ thôn Kiên Trinh ra ở vùng đất mới, sau này có tên gọi là thôn Sy”.

Trước năm 2004, xã Hóa Phúc chỉ có chi bộ Đảng, trực thuộc Đảng bộ huyện Minh Hóa. Cũng chính vì không có Đảng bộ tại địa phương, rất nhiều vấn đề liên quan đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tại cơ sở gặp không ít khó khăn. Vào năm 2004, với số lượng đảng viên phát triển lên, Đảng bộ xã Hóa Phúc đã được thành lập. Đây chính là tiền đề quan trọng giúp địa phương xây dựng được nhiều chiến lược phát triển kinh tế - xã hội một cách kịp thời, sâu sát và phù hợp với thực tế địa phương.

 Ông Đinh Thanh Liêm, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã nhớ lại: “Đại hội Đảng bộ xã Hóa Phúc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2005 - 2010 đã có nghị quyết chuyên đề “nuôi rừng” đã được ban hành với nội dung chủ yếu: tập trung trồng rừng kinh tế nhằm mục đích tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình; tạo mũi nhọn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái, tăng độ che phủ của rừng. Để nghị quyết trên đi vào thực tiễn đạt kết quả cao, chính quyền xã Hóa Phúc đã lập kế hoạch chi tiết về bảo vệ rừng tự nhiên hiện có, đẩy mạnh trồng rừng phù hợp với thực tế địa phương, rà soát lại những khu vực rừng dễ cháy để có phương án bảo vệ hiệu quả”.

Nghị quyết được triển khai, hơn 2.600 ha diện tích rừng và đất rừng đã được giao đến tận hộ dân. Các phương án quản lý, bảo vệ, công tác PCCC rừng đã được chính quyền xã đưa ra và quán triệt tới tận người dân. Đồng thời, tất cả mọi người dân trong xã đều tiến hành ký cam kết với chính quyền về vấn đề bảo vệ, trồng rừng kinh tế.

Tuy nhiên, vào thời điểm đầu triển khai, rất nhiều hộ dân xã Hóa Phúc cũng bán tín bán nghi về hiệu quả trồng rừng. Có bữa, mới rời trụ sở UBND xã, ông Liêm đã bị một lão nông chặn đường “chất vấn”: “Rừng tự nhiên ở vùng cao Hóa Phúc lâu nay vốn nhiều cây gỗ to, gỗ quý... mà chẳng thấy mấy “lâm tặc” trong làng giàu lên. Nay dân bỏ tiền, cầm cố tài sản để triển khai trồng cây keo, bạch đàn... cả gần chục năm mới cho thu hoạch, bán không biết có ai mua không, lỡ ra, nợ nần chồng chất thì lãnh đạo xã có trả nợ thay cho không”.

Nghe “lý sự” của lão nông vừa nói vừa “tiết” ra mùi rượu này cũng làm cho ông Bí thư, Chủ tịch xã “nóng” theo: “Bà con cứ trồng rừng đi, không bán được tôi bán nhà trả tiền thay cho”. Nói cứng và làm thật, ngay hôm sau, ông Liêm đã phát động bốn lãnh đạo xã đứng ra trồng keo, bạch đàn. Phong trào trồng rừng kinh tế, bảo vệ và khai thác các lâm sản ngoài gỗ bắt đầu lan rộng ở Hóa Phúc...

Thoát nghèo nhờ trồng rừng

Trong vòng 5 năm qua, toàn xã Hóa Phúc đã trồng được gần 150 ha rừng kinh tế chủ yếu là các loại cây keo và bạch đàn. Gia đình nào cũng có rừng trồng. Nhà ít thì gần 2 ha, nhà nhiều lên tới cả chục ha. Đó là chưa tính tới mỗi hộ gia đình ở xã Hóa Phúc đều nhận chăm sóc và bảo vệ thêm dăm bảy ha rừng tự nhiên. Người dân đã thu lãi thông qua khai thác các lâm sản ngoài gỗ như song mây, lá nón, lá dong rừng, cây thuốc, mật ong tự nhiên... Chỉ tính riêng về rừng trồng năm 2010, người dân Hóa Phúc khai thác gần 30 ha rừng trồng (trị giá mỗi ha thu lợi nhuận gần 40 triệu đồng).

Ngôi nhà ông Đinh Quang Phục (thôn Sy) trước đây tựa lưng vào ngọn đồi nhiều cây leo, bụi rậm. Hồi đó gia đình ông Phục thuộc diện hộ nghèo, thời gian nhàn rỗi trong năm hơn sáu tháng mà không có việc gì để làm. Kể từ khi được chính quyền xã giao rừng và đất rừng để chăm sóc, bảo vệ, trồng mới, cả gia đình ông làm quần quật mà không hết việc. Chỉ tay ra phía ngọn đồi, ông Phục phấn khởi: “Các chú thấy đó, bây chừ chỉ toàn là rừng keo và cây gỗ có giá trị cả. Mới rồi gia đình tui khai thác được 1,5 ha, thu về trên 50 triệu đồng. Đợt này không chỉ trồng keo, gia đình tui còn trồng xen cây mây dưới tán rừng, có như thế thì hiệu quả mới tăng lên gấp đôi".

"Xã Hóa Phúc có tổng diện tích 3.152 ha (trong đó diện tích rừng tự nhiên và đất lâm nghiệp hơn 2.900 ha). Toàn xã có 126 hộ dân, hiện tỷ lệ hộ đói nghèo đã giảm từ 51% (năm 2005) xuống còn khoảng 31% (năm 2010). Thôn Sy có trên 80% số hộ có cuộc sống ổn định nhờ trồng rừng kinh tế và tham gia bảo vệ rừng. Chúng tôi khuyến khích người dân phát huy tối đa hiệu quả trên một đơn vị diện tích đất lâm nghiệp, chẳng hạn như trồng rừng kinh tế xen lẫn mây, nuôi ong...”, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Đinh Thanh Liêm.

Rời gia đình ông Phục, chúng tôi tìm đến hộ anh Đinh Quang Vinh ở cùng thôn. Anh Vinh mừng rỡ khoe với chúng tôi: “Gia đình có 6 ha rừng keo và cả chục ha rừng tự nhiên. Mới rồi gia đình tui khai thác được 4 ha, thu về trên 100 triệu đồng tiền lãi. Bên cạnh việc trồng rừng, gia đình tui nuôi hơn 30 đàn ong lấy mật. Nhờ có diện tích rừng nhiều, mỗi năm một đàn ong nuôi cho lãi khoảng 1 triệu đồng/ đàn, đó là chưa tích tới thu hoạch mật ong tự nhiên, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà”.

Điển hình nhất có lẽ là gia đình ông Đinh Minh Thân, Chủ tịch HĐND xã. Nhà ông có diện tích rừng trên 100 ha. Mới rồi, ông bán mấy khoảng rừng ven chân đồi thu về trên trăm triệu đồng. Ông tính sang năm diện tích rừng đến tuổi thu hoạch chừng vài chục ha thì khoản thu cũng tiền tỷ.

Cùng tôi đi thăm rừng trồng, vừa xuôi dốc, ông Đinh Thanh Có, Phó Chủ tịch UBND xã nói như khoe: “Trong vòng 5 năm qua, chính nhờ rừng và đất rừng được giao đến tận hộ gia đình nên toàn xã gần như không có vụ cháy, phá rừng nào. Xã 5 năm liên tục được UBND tỉnh tặng bằng khen vì đã có thành tích trong công tác bảo vệ, phát triển và chủ động PCCC rừng. Làm tốt thì được khen nên bà con cũng phấn chấn lắm".

Tại thời điểm này, đã có 40 hộ tham gia trồng mây xen dưới tán rừng, bình quân mỗi hộ trồng được 800 đến 1.000 bụi mây theo kiểu này. Ông Có chỉ tay sang khu đồi phía xa mới được khai thác keo: “Năm nay, chúng tôi đưa khoảng 50 ha vào trồng cây cao su. Làm thí điểm để rút kinh nghiệm nhân rộng ra phục vụ cho định hướng đưa cây cao su vào vùng đất Hóa Thanh".

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm