| Hotline: 0983.970.780

Nghịch lý sản xuất lúa ở ĐBSCL: Làm nhiều lãi ít, làm ít nhưng lãi nhiều

Thứ Năm 30/03/2023 , 07:01 (GMT+7)

Chuyện nghe có vẻ phi lý, nhưng đây lại là thực tế đang diễn ra, và được chứng minh rõ ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL.

Empty

Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui được mùa lớn. Ảnh: Trọng Linh.

Làm nhiều lãi ít...

Hiện nay, nhiều nông dân tại tỉnh Bạc Liêu có quan điểm trồng lúa 2 vụ có lãi và ít tốn công hơn so với trồng lúa 3 vụ truyền thống trước đây. Một phần do biến đổi khí hậu, một phần do giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao.

Để tìm hiểu, PV Báo NNVN đã tìm về huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu. Đây là địa phương có truyền thống sản xuất lúa nước từ lâu đời, cũng là thế mạnh trong phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Theo chân cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Lợi, chúng tôi tìm về ấp Tân Long, xã Long Thạnh, nơi nằm cách trung tâm TP Bạc Liêu khoảng 7km. Tuyến lộ nông thôn mới trang khang rộng 3m dẫn đến nhà bà Phạm Thị Nghĩa (64 tuổi).

Bà Nghĩa cho biết, nghề trồng lúa được bà nối nghiệp gia đình từ nhỏ, đến nay đã có hơn 50 năm "ăn ngủ" với nghề trồng lúa. Với diện tích canh tác hơn 11ha, mặc dù là một trong những hộ có diện tích sản xuất lớn nhất ấp, thế nhưng nghịch lý khi được phóng viên hỏi về nghề trồng lúa 3 vụ hiện nay có lãi nhiều không thì bà Nghĩa lại ngao ngán lắc đầu.

Theo bà Nghĩa, những năm trước kia trồng lúa 3 vụ tuy vất vả, nhưng lợi nhuận cao vì chi phí phân bón, thuốc BVTV rất thấp, giá vật tư chỉ bằng 1/3 hiện nay. Tuy nhiên hiện nay, nông dân sản xuất tuy có lãi nhưng rất thấp, thậm chí có vụ huề vốn, thậm chí có vụ lỗ vốn là chuyện bình thường.

Empty

PV Báo NNVN trao đổi với nông dân xã Long Thạnh. Ảnh: Quốc Việt.

“Đặc biệt do những năm gần đây thường xuất hiện những đợt mưa trái mùa kéo dài, cộng với thủy triều dâng cao nên gia đình trồng lúa thất liên tục, điển hình như vụ hè thu năm 2022 - 2023, mặc dù năng suất đạt khoảng 6,3 tấn/ha, giá lúa 5.500đ/kg (giống lúa Đài thơm 8 mới), nhưng mỗi ha tính toán chi li ra thì chỉ có lãi hơn 1 triệu đồng, chưa tính tiền công lao động”, bà Nghĩa buồn bã tính toán.

Đến vụ thu đông năm 2022, bà Nghĩa chuyển sang trồng giống lúa ST, năng suất đạt 5,3 tấn/ha, giá bán 7.500 đồng/kg, dù giá bán cao nhưng bù lại chi phí cao, mỗi ha cũng chỉ có lãi hơn 1 triệu đồng. Còn vụ lúa đông xuân năm 2022, sau khi thu hoạch mỗi ha bà Nghĩa cũng chỉ có lãi hơn 1 triệu đồng.

Theo bà Nghĩa, sản xuất lúa 3 vụ hiện nay không có lãi nhiều. Từ khâu gieo sạ đến thu hoạch toàn bộ đều phải thuê máy móc, kèm chi phí rất cao (trung bình từ 35 – 37 triệu đồng/ha), do đó gia đình bà cũng có ý định chuyển sang trồng lúa 2 vụ kết hợp trồng rau màu ngắn ngày.

Ông Nguyễn Văn Út Anh, Trưởng ấp Tân Long cho biết: Toàn ấp có 336ha đất trồng lúa, trong 2 năm trở lại đây, nhiều nông dân bắt đầu chuyển từ trồng lúa 3 vụ sang trồng lúa 2 vụ, kết hợp 1 vụ màu ngắn ngày, bước đầu cho thấy được hiệu quả.

Empty

Mặc dù là hộ có diện tích lúa nhiều nhất ấp với hơn 11ha, sản xuất mỗi năm 3 vụ lúa nhưng bà Phạm Thị Nghĩa cho biết lời lãi cuối cùng chả đáng là bao, năm gặp rủi ro thậm chí còn lỗ. Ảnh: Quốc Việt.

Theo ông Út Anh, vụ lúa thu đông năm 2022, do bị ngập nước nên nhiều nông dân đã bỏ vụ với diện tích tính ra khoảng hơn 30ha. Sau đó, các hộ này gieo sạ lúa vụ đông xuân. Có thể do nhờ bỏ vụ lúa thu đông, đất có thời gian nghỉ ngơi nên lúa ít bị sâu bệnh, phát triển rất tốt, chi phí cho mỗi ha chỉ khoảng 10 triệu đồng, nhưng năng suất lại cao nên mỗi ha nông dân có lãi gần 40 triệu đồng.

Làm ít lãi nhiều

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Lợi cho biết: Huyện Vĩnh Lợi có hơn 17.000ha đất trồng lúa, trong đó có 7.000ha trồng lúa 3 vụ, tập trung tại 4 xã Vĩnh Hưng, Vĩnh Hưng A, Châu Thới và Long Thạnh. Vụ lúa thu đông năm 2022, do nước ngập, thời tiết bất lợi, kèm với giá vật tư nông nghiệp ở mức cao nên nông dân vùng sản xuất giá 3 vụ chỉ xuống giống khoảng 3.000ha, còn lại nông dân bỏ vụ hơn 4.000ha.

Theo ông Dũng, thường sản xuất vụ lúa thu đông năng suất không cao, do mưa nhiều, lúa chậm phát triển, nông dân sản xuất chỉ huề vốn, không có lãi. Trong khi đó, thực tế cho thấy ở những diện tích bỏ vụ lúa thu đông, thì vụ lúa đông xuân sau đó phát triển rất tốt. Điển hình như vụ đông xuân 2023 này, những diện tích lúa trước đó bỏ vụ thu đông phát triển rất tốt, năng suất đạt tới hơn 7 tấn/ha, nông dân huyện Vĩnh Lợi hiện đang bước vào thu hoạch rộ.

Empty

Ông Nguyễn Hùng Dũng (ngoài cùng bên trái), Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Lợi trăn trở về nghịch lý "làm nhiều nhưng lãi rất ít" trong sản xuất lúa ở địa phương ông. Ảnh: Quốc Việt.

Cũng theo ông Dũng, đối với địa bàn huyện Vĩnh Lợi, sản xuất lúa 3 vụ không thiếu nước, tuy nhiên cơ sở hạ tầng chưa thể đáp ứng với nhu cầu sản xuất của nông dân. Hiện nay, toàn huyện Vĩnh Lợi chỉ có 12 trạm bơm đê bao khép kín, mới chỉ đáp ứng được nhu cầu cho 1.400ha so với tổng diện tích 17.000ha đất trồng lúa của địa phương, chiếm chưa tới 10% tổng diện tích. Do đó, để phục vụ tưới tiêu cho sản xuất lúa 3 vụ/năm là hết sức khó khăn. Hiện nay, Phòng NN-PTNT huyện đang đề xuất UBND huyện tiếp tục đầu tư ô đê bao, trạm bơm phục vụ sản xuất lúa 3 vụ.

Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là thực tế nhiều nông dân sản xuất lúa 2 vụ lại có lợi hơn so với trồng lúa 3 vụ. Vụ đông xuân năm nay, những diện tích trước đó không sản xuất vụ lúa thu đông mặc dù chi phí đầu tư phân bón rất ít nhưng lúa lại rất tốt, rất sạch sâu bệnh, chi phí thuốc BVTV rất thấp nên đều cho năng suất cao chưa từng thấy, đạt từ 7 – 8 tấn/ha, vì vậy bà con hết sức phấn khởi. Thực tế này đang đặt ra cho lãnh đạo ngành nông nghiệp của huyện Vĩnh Lợi nhiều câu hỏi băn khoăn về việc liệu có nên tiếp tục đầu tư hạ tầng để sản xuất 3 vụ lúa/năm hay không. Và đây cũng đang là vấn đề mà ngành nông nghiệp huyện Vĩnh Lợi hết sức trăn trở trong quá trình thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp.

Empty

Những năm qua, huyện Vĩnh Lợi không ngừng đầu tư hạ tầng thủy lợi phuc vụ sản xuất lúa, song huyện này đang băn khoăn không biết có nên tiếp tục đầu tư hạ tầng cho trồng lúa nữa hay không, khi mà càng suất nhiều nhiều lúa, nông dân lại càng không có lãi. Ảnh: Trọng Linh.

Do đó, thời gian tới, ông Nguyễn Hùng Dũng cho rằng, nên chăng cần phải đánh giá lại xu hướng phát triển kinh tế nông nghiệp. Bởi so với trước đây thì tư duy của nông dân hiện nay đã thay đổi tiến bộ hơn rất nhiều. Theo đó, hiệu quả sản xuất mới là yếu tố quyết định hàng đầu của họ, chứ không còn tư duy sản xuất nông nghiệp cũ kỹ như trước đây là cứ sản xuất thật nhiều, năng suất thật cao, tổng sản lượng thật cao mà không để ý tới lợi nhuận cuối cùng sẽ được bao nhiêu.

Cũng theo ông Dũng, nghịch lý "làm nhiều lãi ít, làm ít nhưng lãi nhiều" trong sản xuất lúa tại địa phương cũng đang đặt ra yêu cầu phải thay đổi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu sản xuất theo giá trị, và điều này cũng phù hợp với định hướng chuyển từ nền "sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp" mà Bộ NN-PTNT, ngành nông nghiệp nước ta đang hướng tới.

IMG_0008 - Copy

Trong điều kiện biến đổi khí hậu, rủi ro trong sản xuất lúa ở ĐBSCL ngày càng tăng và đặt ra nhiều câu hỏi cơ cấu mùa vụ, cơ cấu sản xuất thế nào cho phù hợp. Ảnh: Trọng Linh.

Tư duy sản xuất nông nghiệp của nông dân trước kia có những hạn chế là người sản xuất không chú trọng đến nhu cầu thị trường, chỉ sản xuất thứ mình có chứ không sản xuất thứ thị trường cần, do đó hàng hóa không thể bán được giá cao. Nông dân sẵn sàng sử dụng các loại giống, phân bón, các loại thuốc để gia tăng năng suất mà không chú trọng đến chất lượng và sự an toàn của sản phẩm. Không hoặc ít tìm cách gia tăng giá trị, sau thu hoạch thường bán sản phẩm thô nên không có lợi nhuận cao. 

"Làm 3 vụ lúa, đầu tư nhiều phân bón, thuốc BVTV, giống tốt, chăm sóc thật tốt... để cho năng suất cao, tổng sản lượng lúa/năm cao, nhưng trừ đi chi phí thì lợi nhuận mà nông dân thu về cuối cùng lại gần như không có.

Trong khi đó, bỏ bớt đi 1 vụ lúa để chuyển sang cây trồng khác, hay thậm chí bỏ hoang để đón phù sa, để rồi những vụ sau đó chi phí sản xuất phải bỏ ra rất ít, trong khi năng suất lúa lại rất cao, lợi nhuận cuối cùng lại cao hơn rất nhiều so với sản xuất 3 vụ lúa/năm. Vậy thì sản xuất nhiều, cho sản lượng nhiều để làm gì", ông Nguyễn Hùng Dũng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Vĩnh Lợi đặt vấn đề.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất