Đó là khẳng định của nhiều chuyên gia nông nghiệp tại hội nghị đánh giá mô hình SX giống ngô ĐL-20 do Viện Nghiên cứu Ngô và Trung tâm Chuyển giao công nghệ và khuyến nông tổ chức tại xã Yên Cường, huyện Ý Yên (Nam Định) vừa qua.
Nhiều phẩm chất tốt
Cây ngô đường đã hiện hữu trên đồng đất của Việt Nam từ hàng chục năm qua, thế nhưng nông dân vẫn bị lệ thuộc gần như hoàn toàn vào các giống ngoại nhập với mức giá rất đắt đỏ (từ 500.000 - 700.000 đồng/kg giống). Chi phí đầu vào quá cao đã khiến hiệu quả kinh tế thấp.
Hơn một thập kỷ qua, Viện Nghiên cứu Ngô đã tập trung thực hiện chương trình nghiên cứu, chọn tạo và phát triển giống ngô đường lai trong nước. Cùng với ĐL-10, ĐL-20 là một trong những sản phẩm đầu tiên của chương trình này.
Để đánh giá toàn diện về những đặc tính nông học của giống ngô ĐL-20, từ vụ xuân 2012 đến nay, Trung tâm CGCN&KN đã SX thử nghiệm các giống ngô ĐL-20, Sugar 75 và TN 115 (đối chứng với giống ngô ĐL-10) tại 7 địa phương ở Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định và Bắc Ninh.
Tổng hợp kết quả cho thấy, các giống thử nghiệm có số hàng hạt tương đương, 14 - 16 hàng/bắp. Ngoại hình của ĐL-20 nổi bật với trung bình 40 hạt/hàng; 1,25 bắp/cây; hạt bóng và đồng đều.
Trọng lượng một bắp khoảng 280 - 300 g. Các chỉ số trên đều cao hơn so với các “đối thủ”. Về tiêu chí năng suất, giống ngô ĐL-20 có điểm đạt tới 155,4 tạ/ha.
Với giá bán trên thị trường khoảng 5.000 đồng/kg, tổng thu 1 ha ngô ĐL-20 đạt 107,4 triệu đồng (trừ chi phí lãi trên 21 triệu đồng/ha). Trong khi đó, với chi phí SX ngang nhau (86,4 triệu đồng/ha), tổng thu của giống ngô ĐL-10 chỉ đạt 98,2 triệu đồng (trừ chi phí lãi 11,8 triệu đồng).
Đặc biệt, vào cuối vụ thu hoạch, cây ngô vẫn giữ được bộ lá màu xanh nên bà con có thể sử dụng để làm thức ăn cho gia súc lớn vào mùa đông để tăng hiệu quả kinh tế.
Trong quá trình triển khai mô hình, một số doanh nghiệp đã tham gia tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Cty CP Chế biến thực phẩm chất lượng cao Hải Hưng thu mua toàn bộ sản phẩm mô hình tại Hưng Yên; Cty TNHH Cường Tân giải quyết đầu ra toàn bộ sản phẩm của các mô hình tại Nam Định.
Theo ông Phạm Văn Dân, PGĐ Trung tâm CGCN&KN, sự tham gia của các doanh nghiệp trên chứng tỏ rằng chất lượng của ĐL-20 đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường.
Ngoài những yếu tố trên, TS Đặng Ngọc Hạ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Ngô nhận xét: Ưu thế vượt trội của ĐL-20 còn thể hiện qua khả năng thích ứng rộng ở các điều kiện sinh thái khác nhau, từ chân đất trũng đến chân đất cao; chịu rét, chịu nóng đều tốt.
TGST của ĐL-20 trong vụ xuân khoảng 81 ngày, vụ đông khoảng 97 ngày, vụ hè thu và thu đông khoảng 68 - 75 ngày (ngắn hơn Sugar 75 từ 2 - 3 ngày).
Tại điểm SX thử nghiệm ở Phú Thọ năm 2011, năng suất ngô ĐL-20 lên tới 136,9 tạ/ha. Chất lượng ăn tươi ngon, ngọt, có hương thơm đặc trưng, vị đậm hơn Sugar 75.
Dẫn chúng tôi tham quan đồng ruộng đúng vào thời điểm thu hoạch vụ đông, Chủ nhiệm HTXNN Yên Cường, Nguyễn Văn Thuần chia sẻ: "Cây ngô ngọt đã cắm rễ ở đây được 11 năm rồi.
Ngày trước, chúng tôi phối hợp với các doanh nghiệp để họ cung ứng giống, vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm cho mình. 100% giống bà con sử dụng đều phải nhập khẩu của nước ngoài như TN 115, Sugar 75, Seminis nên rất bị lệ thuộc.
Có năm, đến ngày gieo trồng rồi mà đối tác vẫn chưa chuyển được giống về Việt Nam nên phải lùi thời vụ. Năm 2010, nguồn cung giống khan hiếm, chúng tôi phải mua với giá “cắt cổ” 750.000 đồng/kg. Chi phí đầu vào tăng cao nên dù đầu ra ổn định thì lợi nhuận vẫn không nhiều.
Bây giờ khác rồi. Giống ngô ĐL-20 do Viện Nghiên cứu Ngô cung ứng có giá thấp hơn gần một nửa so với các giống ngô ngoại nhập, trong khi chất lượng và năng suất không thua kém, thậm chí còn nổi trội hơn một số chỉ tiêu.
“Chúng ta đã có đơn vị khoa học chọn tạo được giống tốt; có doanh nghiệp cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con. Tôi được biết, một số Cty SX giống lớn của Việt Nam cũng đang tìm hiểu để mua bản quyền giống ĐL-20. Như vậy, khả năng nhân rộng SX là rất lớn. Trung tâm CGCN&KN cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp và bà con nông dân để xây dựng và chuyển giao gói kỹ thuật đồng bộ ở tất cả các khâu trong quy trình SX đối với giống ĐL-20 để tạo ra vùng nguyên liệu bền vững, hiệu quả và nâng cao giá trị gia tăng”, ông Lê Quốc Thanh, GĐ Trung tâm CGCN&KN. |
Trong quá trình trồng, chúng tôi nhận thấy ngay từ cây con ĐL-20 đã có sức sống khỏe hơn, thân mập hơn vì hạt giống to hơn các giống ngô ngọt khác. Từ đầu vụ đến giờ bà con cũng chưa phải mua thuốc bảo vệ thực vật để trừ sâu bệnh”.
Ông Trịnh Văn Mậu, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Ý Yên cho biết: “Chúng tôi đã phỏng vấn những hộ đã thu hoạch ngô ĐL-20 trong vụ ngô đông năm nay. Họ bảo năng suất đạt khoảng 4,8 - 5 tạ/sào. Với giá bán khoảng 5.000 đồng/kg, bà con rất mừng.
Và điều đặc biệt hơn là chúng ta đã chủ động về giống. Nếu có hướng mở rộng diện tích trong năm tới, đề nghị chính quyền xã Yên Cường quy hoạch thành vùng chuyên canh cây ngô ngọt, tránh để một cánh đồng chục thứ giống xen nhau làm suy giảm chất lượng sản phẩm”.
Sớm công nhận chính thức
Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Trần Xuân Định cho rằng: "Ngoài các giống ngô lai để góp phần tăng năng suất, phục vụ chăn nuôi thì giống ngô có phẩm cấp cao như ngô nếp và ngô đường cũng đã trở thành những sản phẩm hàng hóa.
Hiện tại chúng ta phải nhập khẩu trên 90% giống ngô đường với giá rất cao. Viện Nghiên cứu Ngô đã có sản phẩm giống tốt, cần phải phối hợp với Trung tâm CGCN&KN để hoàn thành hồ sơ, thủ tục trình Bộ NN-PTNT để các cơ quan chức năng sớm công nhận chính thức, tạo điều kiện pháp lý để nhân rộng SX đại trà và xây dựng các vùng nguyên liệu".
Đại diện phía doanh nghiệp, ông Trần Hữu Chiểu, PGĐ Cty CP Thực phẩm XK Đồng Giao, cho biết: “Sản phẩm ngô đường lai 20 của Viện Nghiên cứu Ngô hoàn toàn có thể cạnh tranh với các sản phẩm ngô ngọt chúng tôi đang xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngay sau hội nghị này, chúng tôi rất muốn được phối hợp với Viện và Trung tâm CGCN&KN để phân phối và chuyển giao kỹ thuật SX giống ngô đường lai 20 tại các vùng nguyên liệu hàng hóa để nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân".