| Hotline: 0983.970.780

Ngô sinh khối: Một mũi tên, trúng nhiều đích

Thứ Ba 21/07/2020 , 06:10 (GMT+7)

Chủ trương tạo đột phá phát triển ngô sinh khối, nhất là trong vụ đông tại các tỉnh phía Bắc được xem là hướng đi giúp giải quyết nhiều nút thắt cho ngành nông nghiệp.

Nhu cầu ngô sinh khối đặc biệt cấp thiết cho định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ. Ảnh: TL.

Nhu cầu ngô sinh khối đặc biệt cấp thiết cho định hướng tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ. Ảnh: TL.

Đến năm 2025, cần thêm ít nhất 234 nghìn ha ngô sinh khối

Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), đẩy mạnh phát triển ngô sinh khối, đặc biệt là tận dụng quỹ đất lúa nhàn rỗi rất lớn trong vụ đông tại các tỉnh phía Bắc hiện nay không chỉ có ý nghĩa lớn cho ngành trồng trọt, mà còn có vai trò cực kỳ quan trọng trong định hướng tái cơ cấu, nhu cầu nguồn thức ăn thô xanh cho gia súc nhai lại trong ngành chăn nuôi.

Theo ông Chinh, đến nay, mức tiêu thụ thịt bò (thịt xẻ) bình quân của Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 3,3 kg/người/năm, thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân của các quốc gia phát triển (khoảng 23 kg/người/năm).

Đến đầu 2020, tổng sản lượng thịt xẻ của tất cả các loài gia súc ăn cỏ của Việt Nam (trâu, bò, dê, cừu, ngựa...) mới chỉ chiếm khoảng 6,6% tổng sản lượng thịt xẻ của cả nước (chiếm áp đảo còn lại vẫn là thịt lợn và gia cầm). Tỉ lệ này thậm chí còn nằm trong nhóm rất thấp ở Châu Á (với mức bình quân hiện khoảng 9%).

Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ thịt bò và các loài gia súc ăn cỏ tại nước ta cũng đang liên tục tăng nhanh theo xu hướng tiêu thụ thịt của thế giới. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2020, cả nước đã nhập khẩu khoảng trên 325 nghìn con bò (chủ yếu từ Úc) về để nuôi vỗ béo lấy thịt, với kim ngạch nhập khẩu trên 334 triệu USD.

Theo mục tiêu của tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đến năm 2025, nước ta sẽ cố gắng nâng tổng đàn trâu lên 2,4 triệu con, bò thịt 6,6 triệu con và khoảng 552 nghìn con bò sữa, chưa kể các loại gia súc ăn cỏ khác như dê, cừu... cũng đang tăng nhanh về tổng đàn.

Đối với thịt bò, đến năm 2025, cố gắng nâng tỉ lệ thịt bò lên 10% tổng sản lượng thịt xẻ cả nước, cùng khoảng 1,8-2 triệu tấn sữa...

Để đạt được những mục tiêu này, nhu cầu về thức ăn thô xanh phục vụ cho việc nâng tổng đàn gia súc ăn cỏ của cả nước đang là vấn đề hết sức cấp thiết. Bởi hiện nay, theo Cục Chăn nuôi, cả nước mới chỉ có khoảng 172 nghìn ha đất trồng cỏ, trong đó có khoảng 50 nghìn ha ngô sinh khối.

Hiện nhu cầu thức ăn thô xanh đang chiếm tới trên 90% nhu cầu thức ăn của gia súc ăn cỏ. Mỗi con trâu, bò giai đoạn vỗ béo có thể có nhu cầu thức ăn thô xanh lên tới 40-50 kg/ngày. Với định hướng nâng cơ cấu thịt bò lên chiếm 10% tổng cơ cấu thịt xẻ vào năm 2020, ước tính cả nước sẽ cần thêm khoảng 234 nghìn ha ngô sinh khối (trồng liên tục cả 3 vụ/năm) mới đủ phục vụ nhu cầu thức ăn thô xanh.

“Ngô sinh khối là vấn đề cũ, từ lâu đã được xem là một yếu tố chi phí đầu vào quan trọng trong chăn nuôi đại gia súc, với công nghệ chế biến rất cao tại các nước phát triển. Tuy nhiên đây lại là vấn đề còn khá mới ở nước ta.

Hiện nay, chúng ta lại không có quỹ đất trồng cỏ, với những thảo nguyên tự nhiên như ở nhiều nước. Vì vậy muốn phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, thì chỉ duy nhất là phải trồng cỏ, trong đó ngô sinh khối là lựa chọn hết sức thuận lợi” – ông Tống Xuân Chinh nêu quan điểm.

Giải quyết những nút thắt cả trồng trọt lẫn chăn nuôi

Vụ đông năm 2020, Bộ NN-PTNT đã chủ trương sẽ sớm chuẩn bị kỹ lưỡng các giải pháp, chính sách nhằm tạo sự bứt phá cho phát triển ngô sinh khối tại các tỉnh phía Bắc, qua đó vực dậy phong trào sản xuất vụ đông vốn còn gặp nhiều khó khăn trong những năm qua.

Vụ đông tại các tỉnh phía Bắc còn dư địa mênh mông cho phát triển ngô sinh khối. Ảnh: Lê Bền.

Vụ đông tại các tỉnh phía Bắc còn dư địa mênh mông cho phát triển ngô sinh khối. Ảnh: Lê Bền.

Để khởi động kế hoạch này, Bộ NN-PTNT đã giao Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi và các địa phương, các doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đại gia súc lớn tại phía Bắc sớm bàn kế hoạch tổ chức liên kết nhằm triển khai đẩy mạnh sản xuất ngô sinh khối trong vụ đông 2020.

Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá: Nếu như trước đây, cây ngô trồng lấy hạt đã từng có diện tích rất lớn (có thời điểm trên 1 triệu ha cả nước) thì những năm qua, diện tích ngô nước ta ngày càng thu hẹp mạnh do giá thành sản xuất quá cao, chịu sự cạnh tranh từ ngô nhập khẩu giá rẻ.

Do đó, diện tích ngô cả nước ngày càng thu hẹp. Trong khi đó, nhu cầu về ngô sinh khối nhằm phục vụ cho chăn nuôi đại gia súc ngày càng lớn.

Đến nay, một số địa phương tại nước ta cũng đã hình thành được các vùng chuyên canh ngô sinh khối phục vụ cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt như Mộc Châu (Sơn La), Nghĩa Đàn (Nghệ An), các vùng vệ tinh chăn nuôi bò sữa, bò thịt tại nhiều địa phương như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thanh Hóa, Nghệ An, TP.HCM...

Mặc dù vậy theo ông Thanh, việc phát triển ngô sinh khối hiện vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát, chưa hình thành được các vùng sản xuất tập trung, thuận lợi cho cơ giới hóa. Một số vùng sản xuất ngô sinh khối lại nằm quá xa khu vực doanh nghiệp chăn nuôi, khiến chi phí vận chuyển bị đẩy cao...

Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, vụ đông năm 2020, Hà Nội đã đặt mục tiêu tạo đột phá, nâng tổng diện tích vụ đông từ 28 nghìn ha của năm 2019 lên 45 nghìn ha. Trong đó, ngô sinh khối sẽ là cây trồng chủ lực nhằm tăng diện tích vụ đông. Theo đó, Hà Nội sẽ triển khai xây dựng nhiều mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ ngô sinh khối với quy mô tập trung lớn, từ 30-100 ha/mô hình.

Đặc biệt tại các tỉnh phía Bắc, hiện có một vụ đông kéo dài trên 3 tháng, đủ để sản xuất một vụ ngô rất thuận lợi, nhưng vụ đông đất lại bỏ hoang.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp chăn nuôi đang có nhu cầu vùng nguyên liệu làm thức ăn cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt rất lớn, nhưng việc tổ chức sản xuất, thu mua gặp nhiều khó khăn.

Việc phát triển ngô sinh khối, do đó vừa đẩy mạnh phát triển, tăng giá trị sản xuất vụ đông, giải quyết vấn đề đất ruộng bỏ hoang trong vụ đông; vừa phục vụ tái cơ cấu ngành chăn nuôi, đồng thời cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất giống ngô vốn gặp nhiều khó khăn trong những năm gần đây...

Vì vậy ngay từ vụ đông 2020, việc khai thác tiềm năng để tạo bước đột phá cho ngô sinh khối, sẽ cần phải có sự hợp tác, liên kết sản xuất một cách chặt chẽ, bài bản giữa doanh nghiệp chăn nuôi có nhu cầu với các HTX, cũng như vai trò vào cuộc của ngành nông nghiệp, chính quyền địa phương...

Ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần T&T 159 Hòa Bình, một doanh nghiệp đang phát triển rất mạnh chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Hòa Bình cho biết: Mỗi năm công ty đang cần nguồn nguyên liệu thô xanh từ ngô sinh khối lên tới trên 150 nghìn tấn và nhu cầu đang liên tục tăng.

Thời gian qua, công ty chủ yếu thu mua ngô sinh khối từ nông dân tại một số vùng lân cận tại Hòa Bình, Hà Nội, Vĩnh Phúc...

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất vẫn là diện tích còn manh mún. Vì vậy theo ông Thắng, chủ trương của Bộ NN-PTNT nhằm tạo đột phá cho sản xuất ngô sinh khối từ vụ đông năm 2020 là chủ trương rất đúng đắn, đúng nhu cầu cấp thiết mà các doanh nghiệp chăn nuôi đang cần.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ ba từ trái sang) kiểm tra một số giống ngô sinh khối triển vọng, chuẩn bị cho định hướng phát triển mạnh ngô sinh khối trong vụ đông 2020. Ảnh: Lê Bền.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh (thứ ba từ trái sang) kiểm tra một số giống ngô sinh khối triển vọng, chuẩn bị cho định hướng phát triển mạnh ngô sinh khối trong vụ đông 2020. Ảnh: Lê Bền.

Ông Thắng cho biết vụ đông 2020, công ty đã lên kế hoạch triển khai tổ chức liên kết với nông dân, HTX tại các tỉnh như Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam... để tổ chức sản xuất, thu mua ngô sinh khối cho bà con. Với năng suất khoảng 40-50 tấn/ha/vụ (thời gian trồng khoảng 80 ngày), công ty sẽ thu mua cho nông dân với giá bình quân từ 900 – 1.100 đ/kg ngô sinh khối, giúp bà con có lãi từ 28-30 triệu đồng/ha/vụ.

Công ty cũng sẽ hỗ trợ nông dân phân bón hữu cơ do chính công ty sản xuất từ nguồn phân bò của công ty, đồng thời đến kỳ thu hoạch sẽ cho máy cơ giới của công ty xuống tận nơi thu hoạch cho bà con nên nông dân sẽ không phải mất công thu hoạch.

“Vấn đề quan trọng nhất là các địa phương, các HTX phải tổ chức liên kết, tập trung được diện tích đủ lớn, tối thiểu là 5ha/vùng để máy thu hoạch có thể thuận lợi hoạt động. Bà con cũng cần xác định rõ, đã trồng ngô sinh khối thì nhất quyết phải có cơ giới hóa đồng bộ, nhất là khâu thu hoạch, bởi nếu không có máy thu hoạch thì công thu hoạch sẽ rất lớn, khó mà có lãi”, ông Thắng chia sẻ.

Hiện nay, ngoài phục vụ cho nhu cầu chăn nuôi trong nước, một số doanh nghiệp cũng đã xuất khẩu ngô sinh khố chế biến, đóng bánh sang các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Trung Đông... Vì vậy, việc đẩy mạnh phát triển ngô sinh khối còn có triển vọng trở thành một ngành hàng xuất khẩu có giá trị và lợi thế của nước ta.

Về lâu dài, không chỉ ngô sinh khối đơn thuần, mà chúng ta còn cần tiến xa hơn tới việc sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc ăn cỏ, tương tự như thức ăn cho lợn, gia cầm hiện nay để hình thành một công nghệ sản xuất, chế biến thức ăn thô xanh chuyên nghiệp, hiện đại, công nghệ cao.

Việc phát triển ngô sinh khối, theo đó cũng không đơn thuần chỉ chú trọng vào sản lượng, năng suất chất thô xanh nữa, mà quan trọng hơn là cần có các giống ngô sinh khối có tỉ lệ vật chất khô cao, có hàm lượng các dinh dưỡng và yếu tố tổng thể phù hợp với nhu cầu của thức ăn dành cho gia súc ăn cỏ, cùng công nghệ chế biến hiện đại.

(Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi)

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Thương hiệu phải cam kết mạnh mẽ với người tiêu dùng

Thương hiệu được xây dựng trên nền tảng chất lượng sẽ rất vững chãi, nhưng sẽ thiếu đi tính lan tỏa nếu thiếu sự kết nối mạnh mẽ với khách hàng.

Bãi bỏ 5 thông tư về cấp sổ đỏ từ ngày 1/1/2025

Thông tư 20/2024/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đất đai.