| Hotline: 0983.970.780

Ngôi làng cổ êm đềm bên sông Kôn

Thứ Bảy 10/09/2022 , 00:17 (GMT+7)

Sông Kôn chảy qua làng An Thái thuộc xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định) đã cho người dân ở đây kế sinh nhai và cuộc sống êm đềm, hạnh phúc.

Cuộc sống người làng gắn với dòng sông

Thời nhà Nguyễn (1802 - 1945), làng An Thái thuộc xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định) được dòng người Minh Hương từ Trung Quốc di cư sang Việt Nam chọn làm chốn định cư. Làng An Thái có vị thế đắc địa bởi làng có thế nằm dọc theo dòng sông Kôn từ thượng nguồn Tây Nguyên đổ về. Nhà cầm quyền Việt Nam khi ấy lập làng riêng dành cho người Minh Hương ở An Thái. Dòng người Minh Hương giỏi việc mua bán, họ dựa vào dòng sông Kôn lập 1 bến đò để làm phương tiện giao thương. Bên cạnh bến đò, chợ An Thái cũng được hình thành, người mua kẻ bán cứ ken dày bờ sông. Trên bến dưới đò, ngày ngày, bến đò An Thái tấp nập đò ngang của người đi chợ, đò dọc của thương nhân ở vạn Gò Bồi thuộc xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước, Bình Định) chở mắm, muối, cá từ dưới xuôi lên bán, rồi mua bún, bánh, vải vóc của người dân An Thái chở ngược về.

Dòng sông Kôn chảy qua làng An Thái thuộc xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Dòng sông Kôn chảy qua làng An Thái thuộc xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Người Minh Hương đến định cư tại An Thái thuở ấy ai có vốn liếng thì mở hiệu buôn, người thì lập gánh hàng xén, gánh cao đơn hoàn tán theo đò xuôi ngược về vạn Gò Bồi hay lên Tây Sơn bán rong. Trong dòng người Minh Hương ở An Thái có dòng họ Quách vốn là hậu duệ của Phần Dương Vương Quách Tử Nghi (697 - 781), nhà quân sự và chính trị gia đời Đường (Trung Quốc) di cư sang. Người họ Quách sang Việt Nam đầu tiên là ông Quách Tịnh Nương. Ông Quách Tịnh Nương khởi nghiệp tại An Thái bằng nghề bán cao đơn hoàn tán, vợ bán gánh hàng xén, sau đó 2 vợ chồng mở 1 hiệu buôn lớn tại chợ An Thái. Sau này, cháu đời thứ 3 của Quách Tịnh Nương là Quách Hội Đồng chuyên tâm việc ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp nên trở thành người giàu có nhất Bình Định thời ấy.

Một cư dân cao niên ở làng An Thái là cụ Lâm Văn Xuân gần như cả đời gắn bó với ngôi làng cổ này. Năm nay cụ Xuân đã 91 tuổi nhưng vẫn rất minh mẫn, tinh anh. Theo cụ Xuân, thời ấy, người Minh Hương ở An Thái mở mang lắm nghề mới, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Chùa Bà Hỏa được người Minh Hương xây dựng còn tọa lạc tại làng An Thái. Ảnh: V.Đ.T.

Chùa Bà Hỏa được người Minh Hương xây dựng tọa lạc tại làng An Thái. Ảnh: V.Đ.T.

“Hồi ấy nhiều người Minh Hương trong làng góp vốn mở 1 xưởng dệt lớn tại An Thái để dệt vải, dệt khăn, dân ở các làng xung quanh sáng đến xưởng dệt làm việc, chiều tối về. Hồi ấy, cả vùng chỉ có ngôi chợ An Thái, người dân ở Tây Vinh, Bình An, Bình Nghi (huyện Tây Sơn) và ở Nhơn Lộc, Nhơn Thọ (thị xã An Nhơn) cũng về An Thái đi chợ, cứ đến phiên chợ là ghe sõng cập bến đò tấp nập. Người ở gần núi thì mang sản vật trên nguồn về An Thái bán, người ở vùng xuôi thì mang sản vật biển đi đò ngược dòng sông Kôn lên chợ An Thái. Chợ An Thái là nơi phân phối hàng hóa đi khắp nơi. Phiên chợ nào cũng tấp nập, người đi chen lấn, va chạm nhau la í ới. Nhiều người mua nồi đất, niêu đất bị rớt vỡ la inh ỏi, nhộn nhịp lắm”, cụ Xuân nhớ lại.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn (SN 1961), Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn An Thái, người đưa tôi đi gặp cụ Lâm Văn Xuân cũng góp chuyện: Thời phong kiến, tại làng An Thái có cái kho dự trữ lúa, gạo rất bề thế của ông Ba Diễn, một địa chủ thời bấy giờ. Giai đoạn 9 năm kháng chiến, người dân địa phương phá kho lúa, gạo của ông Ba Diễn chia cho người nghèo. Giờ nhà kho của ông Ba Diễn được con cháu trùng tu, làm nơi ở và mua bán tạp hóa.

Sau khi bỏ bến đò, cây cầu An Thái được xây dựng nối 2 bờ sông Kôn. Ảnh: V.Đ.T.

Sau khi bỏ bến đò, cây cầu An Thái được xây dựng nối 2 bờ sông Kôn. Ảnh: V.Đ.T.

“Bún Song Thằng, đặc sản nổi tiếng của làng An Thái cũng bắt nguồn từ dòng người Minh Hương di cư đến đây, thương hiệu độc quyền của bà Lý Thị Hương, sau này bà Hương truyền bí quyết làm bún Song Thằng lại cho các con. Bún Song Thằng được làm bằng bột đậu xanh, kết hợp với nguồn nước sông Kôn nên có hương vị rất đặt biệt, không chỉ được người tiêu dùng trong nước mà cả người tiêu dùng ở nước ngoài cũng ưa chuộng thông qua khách du lịch từ Việt Nam mang về”, ông Nguyễn Ngọc Sơn kể.

Diện mạo mới vun niềm hạnh phúc

Bây giờ, làng An Thái vẫn còn mang dáng dấp phố hội thời xưa cũ. Vẫn mọc dày những cơ sở kinh doanh, dịch vụ từ khu phố chợ cũ ra đến khu chợ mới, nhưng không ồn ào, xô bồ, mà nhịp sống rất êm đềm. Bến đò xưa không còn, thay vào đó là cây cầu An Thái hoành tráng nối đôi bờ sông Kôn, kết nối giao thương của các xã phía Tây của thị xã An Nhơn với huyện Tây Sơn, thông ra Quốc lộ 19 lên đến Tây Nguyên. Chợ An Thái cũ nằm bên cạnh bến đò và nằm dọc dòng sông Kôn cũng đã được di dời ra địa điểm mới để xây dựng to đẹp hơn, bây giờ là khu trung tâm của xã Nhơn Phúc (thị xã An Nhơn).

An Thái được mệnh danh là vùng đất võ, cũng được hình thành từ những người Minh Hương từ Trung Quốc di cư sang đây. An Thái được biết đến qua những câu ca dao “Trai An Thái, gái An Vinh”, hoặc “Roi Thuận Truyền, quyền An Vinh, võ An Thái” hay “Ai về Bình Định mà coi, con gái Bình Định bỏ roi đi quyền” để nói về người con gái làng võ An Thái… Thế nhưng người dân ở đây không có vẻ gì là hung dữ, võ biền, mà rất lành hiền, gần gũi.

Cụ Lâm Văn Xuân kể chuyện ngày xưa ở làng An Thái. Ảnh: V.Đ.T.

Cụ Lâm Văn Xuân kể chuyện ngày xưa ở làng An Thái. Ảnh: V.Đ.T.

Theo ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc, hiện xã có 3.100 hộ dân với hơn 11.400 nhân khẩu, chiếm 60 - 70% dân số sinh sống bằng các nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, thương mại; phần nhiều trong số hộ dân làm dịch vụ, thương mại và sản xuất các nghề truyền thống tập trung tại làng An Thái. Ruộng đồng ở Nhơn Phúc có rất ít, người dân làm nông nghiệp chủ yếu để lấy gạo ăn và cung ứng cho các làng nghề bún, bánh trên địa bàn. “Năm 2011 Nhơn Phúc khởi động xây dựng nông thôn mới, đến năm 2015 thì đạt chuẩn nông thôn mới, giờ tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, diện mạo nông thôn ở Nhơn Phúc ngày càng đẹp hơn”, ông Dương Thanh Cường chia sẻ.

Đưa tôi đi thăm loanh quanh làng An Thái để thưởng ngoạn những nét cổ kính của ngày xưa còn sót lại, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Nguyễn Ngọc Sơn, chậm rải kể: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, người dân xã Nhơn Phúc nói chung và người dân thôn An Thái nói riêng rất đồng thuận, vì ai cũng muốn quê hương mình ngày càng tươi đẹp, cuộc sống người dân quê mình ngày càng khấm khá, ai ai cũng cảm thấy hạnh phúc và hãnh diện khi sống trên đất quê. Do đó, họ sẵn lòng hiến đất vườn, đất ruộng để mở rộng đường giao thông và xây dựng mới đường nội đồng phục vụ sản xuất, có người còn góp cả tiền bạc. Nguồn kinh phí hỗ trợ nhiều nhất là từ các hội đồng hương Nhơn Phúc ở TP.HCM, Bình Dương, Gia Lai, Quy Nhơn.

Cụ Lâm Văn Xuân (bìa phải) và ông Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn An Thái ngồi trò chuyện. Ảnh: V.Đ.T.

Cụ Lâm Văn Xuân (bìa phải) và ông Nguyễn Ngọc Sơn, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn An Thái ngồi trò chuyện. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Sơn, hầu hết các tuyến đường trên địa bàn xã Nhơn Phúc giờ đều đã được bê tông hóa, riêng con đường nằm trong trung tâm xã, trên địa phận làng An Thái đã được trải nhựa. Mỗi người dân, các hội đoàn thể đều chung tay điểm tô diện mạo của quê hương.

Con đường trung tâm xã Nhơn Phúc nằm trên địa bàn thôn An Thái đã được trải nhựa. Ảnh: V.Đ.T.

Con đường trung tâm xã Nhơn Phúc nằm trên địa bàn thôn An Thái đã được trải nhựa. Ảnh: V.Đ.T.

“Người dân xã Nhơn Phúc nói chung và người dân làng An Thái nói riêng ai nấy đều chí thú làm ăn, nông dân thì ngày ngày lo chăm sóc đồng ruộng, đầu tư mở rộng chăn nuôi, người làm nghề bún, bánh thì mỗi sáng sớm đã bám lò lên lửa chăm lo sản xuất, người mua bán thì chí thú kinh doanh. Nhờ đó, hiện nay thu nhập bình quân của người dân xã Nhơn Phúc đạt khoảng 58 triệu đồng/người/năm, riêng người dân thôn An Thái đạt bình quân hơn 64 triệu đồng/người/năm”, ông Dương Thanh Cường, Chủ tịch UBND xã Nhơn Phúc.

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Hậu Giang: 200ha diện tích nông nghiệp được xác nhận an toàn thực phẩm

Hậu Giang khẳng định vị thế phát triển nông nghiệp an toàn với hơn 200ha được xác nhận an toàn thực phẩm, gồm chuỗi giá trị cây ăn trái, lúa gạo, thủy sản, rau màu.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 1] Tính mạng trên hết

Phần lớn quãng đời của ngư dân gắn với biển. Biển cả mênh mông, trong khi bão tố rất bất thường, sinh mạng và tài sản của ngư dân luôn bị thiên tai đe dọa…