| Hotline: 0983.970.780

Ngôi nhà độc nhất vô nhị

Thứ Năm 23/01/2014 , 10:21 (GMT+7)

Trên triền đồi thoai thoải ven hồ Tuyền Lâm của TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) mộng mơ, có một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo.

Trên triền đồi thoai thoải ven hồ Tuyền Lâm của TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) mộng mơ, có một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo.

Nếu chỉ nhìn bên ngoài, không ai nghĩ nó được làm hoàn toàn từ nguyên liệu chính là đất sét, đất đỏ trên cao nguyên. Công trình khiến TP. Đà Lạt vốn đã đẹp nay càng đẹp hơn.


Công trình kiến trúc đặc biệt nhìn từ phía dưới đường đi

ĐIÊN KHÙNG VÀ LÌ LỢM

Vượt đoạn đường hơn 300 cây số, mất hơn nửa ngày tôi mới đến được Đà Lạt. Nhưng mệt mỏi nhanh chóng tan biến bởi tiết trời lành lạnh và chiêm ngưỡng công trình đất sét độc đáo bên bờ hồ Tuyền Lâm của nghệ nhân, Chủ tịch HĐQT Cty CP Sao Đà Lạt Trịnh Bá Dũng.


Trịnh Bá Dũng, chủ nhân công trình kiến trúc bằng đất

Năm nay mới ngoại tứ tuần nhưng mái đầu Trịnh Bá Dũng, người đàn ông từng bị bạn bè, người thân cho là “điên khùng” với đôi bàn tay lúc nào cũng lấm lem đất, đã bắt đầu pha sương. Sau khi tốt nghiệp Đại học Hàng hải, anh sang Đức học thêm ba năm ngành quản trị kinh doanh. Trở về nước làm việc, anh tiếp tục có những chuyến công du các nước Châu Âu, và bắt đầu mê những công trình kiến trúc cổ Châu Âu đẹp như cổ tích từ đó.

"Sau 10 năm làm công chức, tôi xin nghỉ để cùng 4 người bạn Cty nội thất, xây dựng và du lịch. Năm 2007, chúng tôi có dự án làm khu du lịch hồ Tuyền Lâm nên lên “đóng đô” giữa vùng rừng heo hút, không đường, không điện này. Những ngày ở đây, đôi giày tôi lúc nào cũng nặng gấp mấy lần trọng lượng thật của nó bởi đất đỏ bám. Tôi nhận thấy, Đà Lạt là một điểm du lịch nổi tiếng nhưng mọi người chỉ khai thác những sản phầm có sẵn và na ná nhau, nếu có một sản phẩm độc đáo, lạ thì sẽ thu hút khách. Ý tưởng về công trình kiến trúc bằng chất liệu đất đỏ bazan bắt đầu có từ đây”, anh Dũng nói.

Kể từ khi xác định sẽ xây “ngôi nhà mơ ước” này, anh Dũng tiếp tục những chuyến đi thực tế đến các nước Châu Âu như Hà Lan, Áo, Pháp, nơi có những công trình kiến trúc độc đáo nhất để tìm hiểu.



Ngôi nhà với bản đồ VN và hình ảnh quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên mái

"Năm 2008, chúng tôi bắt đầu thực hiện công trình này, lúc ấy ở đây không đường, không điện, không nước, chúng tôi bắt đầu từ con số không. Trải qua nhiều lần thất bại, ý tưởng ban đầu cũng thay đổi khi vào thực tế, tôi “đốt” gần hết gia sản vào những việc mà bạn bè cho là điên rồ. Nhiều đêm, dù trời lạnh, một ý tưởng lóe lên trong đầu, tôi tung mền chạy ra vườn thọc tay vào đống đất sét lạnh vầy vò đến sáng. Cái khó nhất là tìm ra công nghệ pha trộn đất sét để công trình có thể chịu được nắng mưa và bền như sản phẩm đất nung”, Dũng kể.

Do làm mãi mà công trình vẫn chẳng đâu vào đâu nên 2 người bạn tham gia cổ phần trong Cty đã bỏ cuộc, Dũng mua lại và vẫn “lì lợm” không bỏ con đường đã chọn.

Thế rồi, một ngày đầu năm 2012, sau bao cố gắng, miệt mài trong nắng gió, sương đêm giá lạnh, cuối cùng, cũng đến lúc Dũng đứng xoa hai bàn tay lấm đất, mỉm cười mà thông báo với mọi người rằng anh đã thành công.

“Thực ra, công nghệ đất đỏ bazan không nung đã được một số nước Châu Âu sử dụng để làm đường từ lâu. Nhưng làm công trình kiến trúc bằng chất liệu này thì còn quá mới mẻ”, Dũng nói. Khi đã tìm ra công thức pha trộn nguyên liệu, công trình được thực hiện rất nhanh.


Dải taluy bằng đất với những tác phẩm nghệ thuật tinh xảo

Trong vòng 6 tháng, “khu vườn cổ tích” đã hình thành nằm giữa khuôn viên rộng 500 m2 trên một sườn đồi thoai thoải nhìn ra hồ Tuyền Lâm vô cùng thơ mộng với một ngôi nhà bằng đất rộng 100 m2 nép mình dưới tán cây cổ thụ, ngoài vườn, những chú hươu, nai nhởn nhơ trên đồng cỏ bên dòng suối chảy dài, phía dưới là một dải taluy bằng đất vững chắc, trên nền taluy là những tác phẩm nghệ thuật được khắc, đắp bằng đất cầu kỳ và khá tinh xảo.

CÔNG TRÌNH CỦA TÌNH YÊU

Ngôi nhà đất của Dũng dựa lưng vào núi, hướng mặt ra hồ. Bốn mặt tường phía ngoài là những hình ảnh gửi gắm cái nhìn về văn hoá, về nhân sinh, về tình yêu Đà Lạt. Đặc biệt, trên mái nhà là tấm bản đồ Tổ quốc làm bằng đất đỏ bazan. Nhìn từ mọi góc, đều thấy hình bản đồ nổi bật. Dũng bảo, Tổ quốc thiêng liêng nhất nên phải được đặt lên vị trí cao nhất.

Bên trong căn nhà được trang bị đầy đủ từ âm thanh, ánh sáng, ti vi... Các vật dụng đều được thực hiện với chất liệu đất đỏ bazan, tỷ lệ vật liệu bột đá và xi măng chỉ 10%. Đặc biệt, chiếc giường ngủ được thiết kế xung quanh là nước chảy róc rách, cá bơi tung tăng, cây xanh biếc, các đồ dùng, vật dụng mộc mạc, gần gũi với đời sống bao đời của nhân dân như chiếc ấm tích, bộ bàn ghế hình chum vại.

Trong phòng ngủ, từ tủ áo quần áo, công trình phụ… đều bằng đất. Bên cạnh đó, còn có những tác phẩm mang tính cách điệu như chậu rửa mặt hình con ốc, chiếc giày khổng lồ, ghế sofa, bình rượu, hình ảnh các loại côn trùng… đều bằng đất với gam màu nâu đỏ, đậm chất dân gian.


Bàn trà với bộ ấm chén bằng đất

“Sao mưa mà đất lại không bị nhão ra?”, tôi hỏi. "Nguyên liệu làm công trình là đất sét, được pha bằng công nghệ do tôi nghiên cứu. Nó là một hỗn hợp, có độ bền tương đương với bê tông. Cái cách làm đất đóng rắn này ở nước ngoài có từ ngàn xưa, nhưng phương pháp và hình thức làm khác nhau. Họ không thể có những bản màu tự nhiên và đẹp như căn nhà của tôi hay những kiến trúc độc đáo như ở trong nhà. Vì vậy, công nghệ pha chế từ đất để tạo màu từ chính chúng vẫn còn rất mới mẻ và độc đáo", anh Dũng nói.

Nói về những dự định trong tương lai gần, ông chủ “khu vườn cổ tích” này cho biết, anh từng sang Hungary để học kỹ thuật nuôi cá tầm và cá hồi, đặc biệt là cá hồi trắng, anh đã có kế hoạch ươm giống và nuôi những loại cá cao cấp này. Anh mong có thể phổ biến du lịch ở chốn “sơn thuỷ hữu tình” cho thật nhiều du khách, bất kể đó là du khách có điều kiện kinh tế hay người nghèo, người già, trung niên và các nhóm bạn trẻ đều có thể vào với Tuyền Lâm tuyệt đẹp để ngắm cảnh ven hồ trên cuốc xe cổ, vào với ngôi nhà độc đáo, thưởng thức bát cháo cá nóng hổi với mức phí dịch vụ bình dân nhất.

Nhớ lại những ngày tháng mù mịt tương lai cách đây 4 năm, chị Hương Giang, người bạn đời của anh Dũng, cười: “Hồi đó vất vả lắm, ở đây điện, đường chưa có gì. Vợ chồng tôi phải gửi một cháu cho ông bà nội ở TP. HCM nuôi, một cháu ra học nội trú ở TP. Đà Lạt cho tiện việc học của các cháu. Còn tôi theo ổng vào đây. Biết tính ổng, có ngăn cũng không được nên tôi chỉ biết giúp được gì cho ổng thì giúp thôi chứ không ngăn. Cũng may là cuối cùng ổng thành công. Giờ thì quen, đi đâu lâu là nhớ”. Anh Dũng nói thêm: “Công trình này có công rất lớn của vợ tôi. Không có bả, chắc tôi còn khó khăn hơn trăm lần”.

“Anh Dũng là một người rất kiên nhẫn, dù trải qua nhiều thất bại nhưng vẫn quyết làm đến cùng, rất đáng nể. Khu nhà đất sét của anh Dũng nằm trong dự án Dalat Star thuộc Khu du lịch hồ Tuyền Lâm. Đây không chỉ là là điểm du lịch độc đáo, mới mẻ, mà còn là nơi để đánh thức lòng yêu quê hương, trân trọng giá trị văn hóa truyền thống cho tất cả chúng ta. Hy vọng điểm du lịch này sẽ là một “cú hích” để Khu du lịch hồ Tuyền Lâm bừng dậy”, ông Nguyễn Văn Tuấn, chuyên viên Sở VHTTDL tỉnh Lâm Đồng.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm