| Hotline: 0983.970.780

OCOP làm thay đổi cách làm nông nghiệp ở Bắc Kạn

Thứ Ba 01/12/2020 , 08:26 (GMT+7)

Sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, xây dựng được thương hiệu thì hàng hóa mới vươn ra được thị trường lớn, mới ổn định về đầu ra và giá trị được nâng cao hơn.

Nâng tầm nông sản 

Từ đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm" được thực hiện từ năm 2018, đến nay tỉnh Bắc Kạn đã có 107 sản phẩm OCOP được công nhận từ 3 sao trở lên. Vượt xa so với mục tiêu chương trình giai đoạn 2018 - 2020 đề ra là 40 sản phẩm. Trong đó có 99 sản phẩm đạt 3 sao, 8 sản phẩm đạt 4 sao và thu hút được hơn 90 tổ chức, cá nhân tham gia.  Các sản phẩm OCOP được đánh giá xếp hạng ngày càng có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì, bảo đảm điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP Bắc Kạn được đánh giá là có sự khác biệt, mang đặc trưng gắn với những nét truyền thống, văn hóa, điều kiện tự nhiên riêng của địa phương,… Xây dựng được nhiều sản phẩm đã có nhãn hiệu tập thể, chỉ dẫn địa lý.

Nhờ thực hiện tốt việc sản xuất theo tiêu chuẩn OCOP nên đã góp phần đưa sản phẩm của tỉnh Bắc Kạn từ chỗ bán nhỏ lẻ ngoài vỉa hè hoặc chợ nông thôn, thì nay đã trở thành hàng hóa thâm nhập vào các thị trường trong nước và quốc tế. Cụ thể như, có 56 sản phẩm được đăng bán trên sàn giao dịch điện tử Shopee, Lazada, Sendo, Tiki, Voso, ...

Sản phẩm bi xanh thơm Bắc Kạn được bày bán trên kệ của một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Toán Nguyễn.

Sản phẩm bi xanh thơm Bắc Kạn được bày bán trên kệ của một siêu thị tại Hà Nội. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ngoài ra, các chuỗi siêu thị lớn như Big C, Vinmark, các doanh nghiệp phân phối, bán lẻ,… đã ký có kết bao tiêu nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Kạn. Nổi bật như quả bí xanh thơm Ba Bể, các sản phẩm chế biến từ củ nghệ của Hợp tác xã Tân Thành,...

Bên cạnh đó, đã có sản phẩm OCOP thâm nhập được thị trường quốc tế, đó là sản phẩm miến dong của Hợp tác xã Tài Hoan (huyện Na Rì) được xuất khẩu chính ngạch vào Cộng hòa Séc.

Thay đổi tư duy làm nông nghiệp

Bà Trần Thị Hường, Trung tâm phân phối nông sản đặc sản, Hợp tác xã nông sản sạch Huyền Hân (tổ 9, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn) thông tin, đơn vị hiện đang bày bán gần 200 sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố trên khắp cả nước, trong đó hàng của tỉnh Bắc Kạn chiếm tới hơn 50%. Hàng từ đây sẽ xuất đi các siêu thị lớn và chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch lớn, nhỏ trong nước. Vì vậy để đưa được vào thị trường, thì yêu cầu hàng hóa phải đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, đầy đủ thông tin về hàng hóa, mã số, mã vạch và mẫu mã đẹp.

Đó cũng là yêu cầu đặt ra của nhiều đơn vị cung ứng, bán lẻ hàng hóa lớn hiện nay.  Chính vì vậy, người sản xuất, người nông dân đã phải tự ý thức được việc nâng cao chất lượng sản phẩm của mình.

Ông Đinh Duy Lý, HTX Trồng cây ăn quả Khuổi Nằn, huyện Na Rỳ là một ví dụ. Trước ông Lý tự làm một mình, trồng gần 20ha cam, quýt, bưởi đã cho thu hoạch và có thu nhập cao hơn trồng rừng 4 – 5 lần. Tuy nhiên, chỉ dừng lại ở việc bán nhỏ lẻ ra thị trường ở địa phương.

Nhưng khi tiếp cận với chương trình OCOP, ông Lý đã thay đổi cách làm của mình, liên kết với nhiều người xung quanh thành lập hợp tác xã, đi vận động người dân trong vùng cùng trồng cây ăn quả hữu cơ. Với suy nghĩ là phải xây dựng được thương hiệu, được vùng sản xuất thì hàng hóa mới vươn ra được thị trường lớn, có thương hiệu thì sẽ ổn định về đầu ra, giá trị cũng cao hơn.

Mô hình trồng cây ăn quả được đánh giá 3 sao của HTX trồng cây ăn quả Khuổi Nằn, huyện Na Rỳ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Mô hình trồng cây ăn quả được đánh giá 3 sao của HTX trồng cây ăn quả Khuổi Nằn, huyện Na Rỳ. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn nhận xét, so với trước khi làm OCOP thì nhận thức của người sản xuất đã được nâng cao lên rất nhiều. Người dân tự ý thức được rằng, muốn sản phẩm có giá trị thì phải đảm bảo chất lượng, có đầy đủ nhãn mác và bao bì đẹp. Đồng thời không thụ động chờ người mua hoặc mang ra chợ bán lẻ nữa, mà đã biết quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối thị trường các tỉnh, thành phố lớn khác để tìm đầu ra.

Ông Khanh nhấn mạnh thêm, nhờ OCOP mà sản phẩm của Bắc Kạn đã vươn ra được thị trường, tiêu thụ được sản phẩm và đem lại thu nhập cao cho người sản xuất nói chung và người nông dân nói riêng. Qua đó góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương.

Với những thành công từ chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm”, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của tỉnh tập trung xây dựng, quy hoạch lại các vùng sản xuất chuyên canh cây trồng để trở thành những vùng hàng hóa lớn, đáp ứng được yêu cầu thị trường hiện nay.

Cụ thể một số vùng cây trồng nổi bật như: vùng trồng cam, quýt, bưởi tập trung ở các xã vệ tinh bao quanh xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông và thị trấn Yến Lạc, huyện Na Rỳ; vùng trồng cây hồng không hạt huyện Ba Bể và phía bắc huyện Chợ Đồn; cây bí thơm huyện Ba Bể; vùng trồng cây nghệ, cây gừng nguyên liệu ở các huyện Pác Nặm và huyện Chợ Mới; vùng trồng cây dược liệu huyện Ngân Sơn và huyện Na Rỳ,…

Thăm dò ý kiến: Theo bạn sản phẩm cam Khuổi Nằn đạt mấy sao?

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Người dân tự nguyện bàn giao mặt bằng thực hiện dự án đường cao tốc Bắc-Nam

Quảng Bình Người dân huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) đã tự nguyện bàn giao mặt bằng để thực hiện dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông, giai đoạn 2021-2025