Bí xanh thơm là cây bản địa của xã Địa Linh và Yến Dương, huyện Ba Bể. Đây là loại cây ngắn ngày chỉ sau 3 - 4 tháng trồng là cho thu hoạch, dễ trồng, dễ chăm sóc, đặc biệt thích hợp trồng trên đất ruộng 1 vụ, đất soi bãi. Bí khi thu hoạch có trọng lượng trung bình từ 2 - 3kg/quả.
Bí xanh thơm Bắc Kạn có hai loại là bí phấn và bí xanh, nhưng có chung đặc điểm là tất cả từ thân, lá, hoa, quả đều có mùi thơm. Khi chế biến có độ dẻo, mùi thơm tự nhiên, vị đậm đà...
Ông Lường Văn Yên - Chủ tịch Hội Nông dân xã Địa Linh cho biết: Nhiều người dân thấy trồng bí thơm có hiệu quả, cho thu nhập cao nên đã chuyển từ trồng lúa và cây màu khác sang trồng bí. Nhiều hộ không chỉ thoát nghèo, mà còn xây được nhà tiền tỷ, mua xe máy và cho con ăn học đàng hoàng.
Do nhu cầu của thị trường ngày càng tăng, diện tích trồng bí xanh thơm Bắc Kạn cũng được mở rộng. Từ chỗ chỉ trồng ở xã Địa Linh, Yến Dương, đến nay người dân huyện Ba Bể đã mở rộng diện tích trồng tại các xã lân cận như Chu Hương, Thượng Giáo, Hà Hiệu… nâng tổng diện tích trồng bí thơm toàn huyện lên hơn 76ha.
Xác định bí xanh thơm là cây trồng có nhiều tiềm năng để phát triển thành vùng nông sản đặc sản, thời gian qua tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ để đưa sản phẩm bí xanh vươn ra thị trường trong nước.
Ngoài sản phẩm thô, một số hợp tác xã đã thử nghiệm chế biến ra các sản phẩm như: Bí xanh sấy, mứt, bí thái sẵn để xào, làm bột ăn dặm cho trẻ em... đem lại giá trị kinh tế cao hơn, nâng cao giá trị của loại nông sản này.
Ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Bắc Kạn cho biết: Hiện bí xanh thơm Bắc Kạn có giá cả ổn định, không còn tồn đọng như những năm trước. Mỗi hecta trồng cho thu hoạch hơn 30 tấn quả, người dân thu nhập khoảng 150 triệu đồng. Quả bí thu hoạch được cũng đồng đều hơn so với trước, do cách chọn giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc của bà con đã tốt hơn trước.
Tuy nhiên theo ông Bình, nếu không có biện pháp quản lý tốt, cứ tính tới việc mở rộng diện tích ra sẽ làm giảm giá trị của quả bí thơm Bắc Kạn. Bởi loại cây này từ trước tới nay hợp với thổ nhưỡng của 2 xã Địa Linh và Yến Dương. Nếu đem đi nơi khác trồng, thì chất lượng không thể thơm ngon.
Một điều còn hạn chế hiện nay, các hộ trồng bí vẫn tự chọn giống cho mình để trồng vào vụ sau, chưa có đơn vị chuyên về làm giống, nên không tránh khỏi sản phẩm không đồng nhất về chất lượng.
Vì vậy tỉnh Bắc Kạn đang lên kế hoạch phối hợp với trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên phục tráng giống để có thể lựa chọn và phát huy được tốt nhất những đặc điểm quý nhất của bí xanh thơm Bắc Kạn. Sau đó sẽ tính tới việc xây dựng kênh phân phối giống chuẩn, đồng nhất cho bà con canh tác.