| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân chìm trong nợ, một xã nợ 150 tỷ đồng và bi kịch 'không có lối mà lách'

Thứ Hai 19/09/2016 , 13:15 (GMT+7)

Nuôi tôm, tôm chết. Đóng tàu, tàu không ra khơi. Song, nợ ngân hàng thì luôn là "tiền tươi thóc thật". Ngư dân nhiều nơi đang rơi vào cảnh đúng như một lãnh đạo xã nói là "không có lối mà lách". "Toàn xã có 328 hộ nuôi tôm có dư nợ tại ngân hàng trên 151 tỷ đồng...".

Ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) cho hay: "Toàn xã có 328 hộ nuôi tôm có dư nợ tại ngân hàng trên 151 tỷ đồng.

Ngoài ra, cũng còn nợ thêm anh em, họ hàng hoặc các đại lý bán thức ăn nuôi tôm vài chục tỷ đồng nữa. Theo đề nghị của bà con, chúng tôi cũng đã làm công văn đề nghị lên các cấp có chính sách khoanh nợ, khoanh lãi cho bà con để qua được cơn khó khăn này". 

 

Một thời đánh bạc... thắng trời!

Cách đây chừng ba năm về trước, khi nhắc về vùng biển Hải Ninh, người ta nói đến một vùng biển nuôi tôm có lãi vào bậc nhất nhì trong nước. Chỉ bắt đầu từ một vài hộ, sau đến vài chục hộ bắt tay vào cuộc "đánh bạc với trời". Đành rằng "đánh bạc với trời", nhưng ván bạc nào ngư dân Hải Ninh cũng thắng nên từ đó đã tạo ra một liều thuốc kích thích cực mạnh cho người dân ở đây.

Ông Nguyễn Văn Dương là một người trong người tiên phong nuôi tôm nhớ lại: "Lúc đó, trung bình một hồ tôm có diện tích khoảng 3.000-3.500m2 trúng mùa tôm đã có thể cho lãi trên 1 tỷ đồng".

Khi đó, xe ô tô chở thức ăn, xe đông lạnh chạy ngược chiều chở tôm nối nhau trên tuyến đường nối từ QL 1A ra xã biển Hải Ninh. Điều kỳ lạ là những vùng tôm khác thì trong tình cảnh lỗ lãi đan xen, nhưng dân Hải Ninh nuôi chưa thấy vụ nào ngang vốn, chỉ có lãi trở lên. Nhiều vụ liên tiếp nối nhau lãi lớn, khiến hàng trăm nhà đua nhau nuôi tôm để làm giàu.

Không chỉ nuôi ở Hải Ninh, người dân biển tự tin đến các vùng lân cận như các xã Ngư Thủy (huyện Lệ Thủy); Nhân Trạch, Lý Trạch (huyện Bố Trạch) để thuê đất đào hồ nuôi tôm. Nhiều người dân ở vùng tôm trong nước cũng đổ về Hải Ninh học hỏi kinh nghiệm. Thậm chí còn bỏ tiền thuê người Hải Ninh đến để làm "cố vấn" nuôi tôm...

13-38-21_nnvn-1-mot-goc
Một góc xã biển Hải Ninh

 

Sau vài năm, xã biển Hải Ninh như lột xác bởi nhà tầng, xe ô tô, vật dụng đắt tiền.

 

Ôm nợ vì tôm

Bây giờ, vùng tôm một thời nổi tiếng lại vắng lặng trong cảnh chiều muộn, chợ tan. Anh Dương kể: "Vụ đông năm 2014 là bắt đầu có dấu hiệu hồ tôm bị thua lỗ. Bởi lẽ nhiều gia đình thấy lãi quá lớn nên lao vào nuôi tôm chứ không hề có chút kiến thức nào về tôm cả. Với lại, nhiều vụ tôm thắng lợi nên người dân cũng sinh ra chủ quan trong việc phòng ngừa dịch bệnh".

Ngôi nhà ông Nguyễn Xuân Diến (thôn Tân Hải) xây vững chắc nhưng cũng thật vắng lặng. Ông Diến ngồi trước hiên nhà lát gạch hoa sạch bóng đan tấm lưới cũ để làm võng. Thấy chúng tôi vào, ông dừng tay, lấy nước mời khách.

Cũng trong phong trào nuôi tôm đang lên, ông và mấy anh em trong nhà khăn gói vào xã Ngư Thủy Bắc thuê lại đất đào 2 ao tôm. Tiền thuê đất gần 800 triệu đồng. Ngay vụ đầu tiên, 2 ao tôm lãi ròng 2 tỷ đồng. Số tiền lãi được trả tiền thuê đất và đầu tư vào thức ăn, thuốc bệnh... cho vụ tôm tiếp theo.

"Hai vụ của thời gian cuối năm 2015 là huề vốn và bị lỗ gần 800 triệu đồng vì do tôm chậm lớn và chết nhiều quá. Để có tiền đầu tư, mấy anh em lấy sổ đỏ thế chấp ngân hàng vay tiền. Tưởng có thể cứu vớt được nhưng tôm chết như đổ nước sôi mà không hiểu vì sao. Đến đầu năm nay thì xảy ra sự cố biển thì gần như mọi người kiệt quệ. Riêng tiền vay ngân hàng là gần 500 triệu đồng, cộng thêm tiền nợ thức ăn nuôi tôm chừng đó nữa. Tổng cộng là nhà tui nợ gần tỷ bạc rồi".

13-38-21_nnvn-2-ong-dien
Ông Diến: "Bán nhà cũng chỉ trả được nửa số nợ thôi"

 

Từ tháng 5/2016 đến nay, ông Diến bỏ hồ tôm cho cỏ hoang mọc. Nguồn lợi từ hồ tôm thu về là mấy chục ống nước loại lớn và đóng bạt trải nền cuốn lại để dưới gốc cây cảnh trước sân nhà.

"Hồ bỏ hoang, không ai giữ nên người ta lấy trộm ống nước, bạt nên tui phải thu hồi đưa về. Chứ thì không biết khi mô nước biển sạch nuôi được tôm an toàn, mà đến khi đó, chưa chắc đã có ngân hàng mô cho vay làm vốn. Cái nhà đổ của tui nếu ngân hàng xiết nợ thì cũng chỉ trả được nửa phần thôi", ông Diến thở dài đánh thượt.

Ông Phạm Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Hải Ninh, đưa cho chúng tôi danh sách thống kê các hộ nuôi tôm và đang trong tình cảnh nợ nần của xã rồi nói: "Sau này có được tiền đền bù giải phóng mặt bằng khi du lịch nghỉ dưỡng cao cấp nên một số hộ cũng đã trả được nợ. Tuy nhiên con số đó cũng rất ít. Phần lớn các hộ dân đang trong tình cảnh không có lối mà lách".

Trong 5 thôn của xã Hải Ninh thì các hộ nuôi tôm phần lớn tập trung ở 2 thôn Tân Hải và Cừa Thôn. Các thôn còn lại cũng có nhưng không nhiều. Gia đình anh Mai Văn Hải (thôn Cừa Thôn) chung vốn với 6 anh em làm 3 hồ tôm (mỗi hồ có diện tích từ 3.500 - 4.000 m2). Vốn vay ban đầu từ ngân hàng và vay ngoài với nguồn đầu tư trên 2 tỷ đồng. Cũng có mấy vụ thắng, lãi ròng tiền tỷ nên ai cũng hồ hởi. "Những năm đó, ô tô chở bia về Hải Ninh phục vụ không kịp", anh Hải nói.

Cũng theo anh Hải thì giữa năm 2014 là bắt đầu có hiện tượng tôm chậm lớn và chết không rõ lý do. Nuôi tôm có hồ lãi, có hồ ngang vốn và cũng có hồ lỗ vài trăm triệu đồng.

"Lúc đó, tôm chết và chậm lớn nhưng không tìm ra được lý do. Sau này, vào tháng 4 năm nay xảy ra ra sự cố biển nên mới biết là nước biển bị ô nhiễm nặng. Không biết là từ năm 2014, nhà máy Formosa Hà Tĩnh đã xả thải ra biển chưa. Chắc có rồi nên mới bị ảnh hưởng như vậy", anh Hải tự hỏi rồi tự suy đoán.

Khi vốn cạn kiệt, anh em trong nhóm của anh Hải hạ quyết tâm đánh thêm vụ cuối hy vọng gỡ gạc được chút tiền. Trong 3 hồ, mọi người chỉ chọn làm 2. Cũng lạ là hồ sát nhau, thức ăn như nhau nhưng sản lượng chệnh lệch lớn. Nuôi hơn 2 tháng thì thông tin xảy ra sự cố biển rộ lên, mọi người lập tức thu hoạch. Một hồ được 7 tấn tôm và hồ kia được 19 tấn.

"Tôm từ giá 200-300 ngàn/kg thì bị tư thương ép về 100 ngàn đồng. Thậm chí, những ngày cuối còn bị ép về 70 ngàn đồng/kg mà cũng phải bán. Nếu không bán thì cũng không ai mua cho nữa", anh Hải lắc đầu chua chát.

Hạ màn "chiến dịch" nuôi tôm, mỗi người trong nhóm anh Hải ôm nợ ở ngân hàng gần nửa tỷ đồng và nợ tiền thức ăn nuôi tôm cũng thêm vài trăm triệu đồng nữa. "Nợ thì phải trả. Nhưng nợ con tôm chỉ có con tôm mới trả nổi chứ con cá không thể gánh nổi mô. Nếu không còn nuôi tôm thì nợ đó chẳng bao giờ trả được", anh Hải bộc bạch.

3162725702
Danh sách vay nợ của ngư dân Hải Ninh dài dằng dặc

 

Cũng như anh Hải, người dân Hải Ninh cũng chỉ có suy nghĩ lấy tôm trả nợ tôm. Lúc chúng tôi ghé nhà anh Nguyễn Văn Lịch (thôn Cừa Thôn) thì chỉ có chị Trương Thị Hòa (vợ anh Lịch) đang ở nhà tất bật chuẩn bị nước nôi để đem ra cho chồng. Chị Hòa cho hay, mấy tháng nay chồng chị ở nhà cũng không biết làm chi. Tôm nuôi không được, ra biển không được nên người bứt rứt, cáu bẩn. Thêm vào đó là món nợ gần nửa tỷ bạc đè lên đầu làm hai vợ chồng chỉ biết đứng lên ngồi xuống chứ không dám nằm. Đánh liều, anh chị vay bà con tấm sổ đỏ đem "cắm" ngân hàng vay 400 triệu đồng làm vốn nuôi 2 hồ tôm.

"Không sợ bị lỗ thêm sao?", tôi hỏi chị Hòa. Chẳng cần suy tính, đắn đo gì, chị Hòa trả lời ngay: "Không liều cũng không được. Nợ thì cũng nợ rồi, nợ thêm nữa cũng không có cảm giác chi. Nếu được thì có tiền trả cho ngân hàng. Bằng không ngân hàng lấy nhà thôi. Hết đường suy tính rồi".

Tôi định bụng hỏi chị sao không đợi khi nước biển an toàn thực sự thì mới thả tôm cho chắc ăn. Nhưng thấy cái tất tả pha chút tiều tụy của chị nên thôi. Mong cho vợ chồng chị có được thu hoạch từ sự tính toán khi bị nợ nần thúc ép này.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm