Mang theo bánh mứt Tết, củ kiệu…bám biển
Những ngày này, chúng tôi có mặt tại cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung bộ, xã Phước Đồng, TP Nha Trang (Khánh Hòa) chứng kiến cảnh nhộn nhịp các tàu khẩn trương tiếp nguyên vật liệu, để chuẩn bị bám biển “xuyên Tết”.
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết, chuyến biển này, toàn tỉnh có 110 tàu câu cá ngừ đại dương, tàu lưới cản đường dài sẽ khai thác xuyên Tết.
Trong số trên có tàu KH 96672 TS, chuyên đánh bắt cá ngừ đại dương do ngư dân Nguyễn Trường, sinh năm 1976, ở phường Xương Huân, TP Nha Trang vừa làm chủ tàu, vừa thuyền trưởng sẽ vươn khơi vào ngày mai 2/2.
Gặp chúng tôi, ngư dân Trường tươi cười cho biết, tàu anh đang tiếp 400 cây đá và 5.500 lít dầu, với tổng chi phí khoảng 100 triệu đồng. So với chuyến biển trước, chuyến biển này chi phí có tăng hơn chút ít vì dịp cận Tết mọi thứ đều tăng lên. Tuy nhiên chuyến biển tháng Chạp, nhiều tàu vừa cập cảng trúng cá ngừ đại dương lại bán được giá nên tiếp thêm động lực cho ngư dân bám biển dù Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 đã cận kề.
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa, cho biết, để động viên ngư dân, mọi năm Chi cục đều tổ chức lễ xuất quân khai thác thủy sản. Tuy nhiên năm nay do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, tránh tập trung đông người nên Chi cục tạm dừng không tổ chức. Song, Chi cục cũng đã gửi các phần quà Tết ý nghĩa như: cờ Tổ quốc, áo phao, nhu yếu phẩm phục vụ Tết cho ngư dân. Đồng thời, động viên và chúc các ngư dân bám biển xuyên Tết được thuận lợi, cập cảng cá đầy khoang.
“Bám biển xuyên Tết “săn” cá ngừ đại dương đã trở thành một truyền thống lâu đời của ngư dân Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung, bởi đây là mùa chính khai thác cá ngừ trên các ngư trường Trường Sa, Hoàng Sa và nhà dàn DK1...Vì vậy, hầu hết các tàu đều tranh thủ bám biển, chứ sang tháng 3 Âm lịch trở đi cá ngừ sẽ vắng dần”, anh Trường chia sẻ và cho biết thêm, như bản thân anh có thâm niên đi biển 24 năm, nhưng đã 15 năm liền bám biển xuyên Tết.
Cách tàu anh Trường không xa, ngư dân Phạm Ngọc Thanh (31 tuổi), ở phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang) thuyền trưởng tàu KH 98389 TS cũng cho các thuyền viên gấp rút, khiêng từng khối đá lớn bỏ vào hầm lạnh.
Ngư dân Thanh cho hay, anh bước vào nghề biển đến nay 14 năm những năm nào anh cũng bám biển xuyên Tết. Khác với những chuyến biển trước, đây là chuyến biển khá đặc biệt, ngư dân sẽ ăn Tết trên biển. Vì vậy, tàu anh Thanh cũng như các tàu khác đều chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho thuyền viên bám biển nhiều hơn mọi khi, trong đó có cả đầy đủ bánh mứt Tết các loại, hạt dưa, củ kiệu, bia, nước ngọt, đồ thờ cúng.
Tương tự, chủ tàu KH 97343 TS, hành nghề câu cá ngừ đại dương cũng đã chuẩn bị đầy đủ hương vị Tết cho 5 thuyền mang theo bám biển.
Ngư dân Huỳnh Văn Sơn, thuyền trưởng tàu KH 97343 TS, phường Vĩnh Trường (TP Nha Trang) cho biết: Chuyến biển này chủ tàu chuẩn bị lương thực, thực phẩm cho chúng tôi khá đầy đủ nào là bánh, mứt, thịt heo, thịt gà… Dù đón Tết trên biển không có sum hợp cùng gia đình, song cũng có nhiều niềm vui. Đêm giao thừa, các tàu gần nhau tụ họp lại nói chuyện, ăn bánh mứt, gửi những lời chúc đầu năm mới được thuận buồm xuôi gió, cá nặng đầy khoang. Sau giao thừa, chúng tôi cũng gọi điện về chúc Tết bố mẹ, người thân và bạn bè, rồi trở lại làm việc bình thường.
Bám biển cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài
Theo ghi nhận chúng tôi, hiện thời tiết rất thuận lợi cho ngư dân bám biển. Thời gian gần đây, ngư trường cũng xuất hiện luồng cá ngừ đại dương khá nhiều. Do đó các chủ tàu, thuyền viên đều quyết tâm bám biển với hy vọng được mùa bội thu. Những chuyến biển xuyên Tết, các tàu sẽ về lại cập cảng trong những ngày đầu tháng giêng.
Ngư dân Nguyễn Trường, thuyền trưởng tàu KH 96672 TS cho biết, trước khi ra khơi ngư dân trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đều cam kết không xâm phạm vùng biển nước ngoài để góp phần gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC). Cũng như các chủ tàu, thuyền trường đều tuân thủ quy định của pháp luật, khai báo đầy đủ các thủ tục cho văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá trước khi bám biển.
“Tàu tôi mỗi khi vươn khơi đều ý thức đều này, chỉ đánh bắt tại vùng biển Việt Nam được cơ quan chức năng khuyến cáo. Tàu đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình từ tháng 11/2019, cũng như có giấy chứng bảo đảm điều kiện ATTP…”, anh Trường bộc bạch.
Đối với các thuyền trưởng như ngư dân Thanh, ngư dân Sơn cũng ý thức rất tốt trong việc góp phần gỡ “thẻ vàng” khi chưa bao giờ xâm phạm vùng biển nước ngoài. Hiện tàu các anh cũng đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Qua đó, cơ quan chức năng cũng như các chủ tàu đều biết tàu anh khai thác ở vị trí nào trên biển.
Qua trò chuyện với ngư dân, chúng tôi đều cảm thấy bây giờ chẳng tàu nào ở Khánh Hòa dại xâm phạm vùng biển nước ngoài. Bởi việc này không chỉ ngư dân bị bắt, tịch thu tàu, mà còn bị phạt rất nặng.
Trước việc chấp hành pháp luật của ngư dân khi tham gia khai thác trên biển, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đã ghi nhận nỗ lực của ngư dân trong việc chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, nhằm khắc phục “thẻ vàng” của EC. Điều này thể hiện, từ cuối 2018 đến nay, tàu cá Khánh Hòa không vi phạm vùng biển nước ngoài. Và để tiếp tực giữ vững, Chi cục sẽ tiếp tục phối hợp các cơ quan liên quan đẩy mạnh tuyên truyền bà con tuân thủ các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản. Cũng như bố trí lực lượng trực 24/24 giờ giám sát chặt chẽ các tàu cá hoạt động trên biển thông qua theo dõi thiết bị giám sát hành trình được kết nối với trạm bờ. Từ đó, thông báo, cảnh báo kịp thời cho các tàu có nguy cơ vi phạm vùng biển nước ngoài để tránh xâm phạm.
Theo các doanh nghiệp thu mua xuất khẩu thủy sản, đều mong các chủ tàu đều ý thức chấp hành các quy định của pháp luật để thủy sản Việt Nam sớm gỡ “thẻ vàng”. Từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản thuận lợi. Và, điều này cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp sẽ thu mua thủy sản cho bà với giá ổn định hơn và thu nhập bà con cũng nâng lên.